Thay đổi hình ảnh du lịch Việt

Vi Cầm 29/11/2016 00:05

Chiến dịch thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam đang được ngành Du lịch bắt đầu bằng việc rà soát lại các cơ sở lưu trú trên toàn quốc.

Độc đáo văn hóa vùng Tây Bắc.

Hiện có không ít khách sạn 3 sao, 4 sao, thậm chí là 5 sao ở một số địa phương đã bị thu hồi. Nhận xét về những khách sạn gắn mác 5 sao song chất lượng chưa tương xứng, nhiều khách du lịch nước ngoài phàn nàn: Điều buồn nhất là khả năng nói tiếng Anh của nhân viên phục vụ rất kém, nhiều dịch vụ như internet, giặt là, ăn uống, nhất là thái độ phục vụ của những người làm du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trên thực tế, nhiều cơ sở lưu trú có đầy đủ các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, dịch vụ nhưng điều khác nhau và cũng là yếu tố quyết định sự “thành, bại” chính là đội ngũ nhân lực mà họ đang sử dụng.

Sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu thân thiện của những người phục vụ tại các khách sạn nói riêng và với người làm dịch vụ du lịch nói chung; cộng với nạn chèo kéo lâu nay khiến cho cả du khách trong và ngoài nước đều có ấn tượng không tốt về cung cách làm ăn chộp giật…

Nhưng xốc lại hoạt động của ngành du lịch cũng như quảng bá hình ảnh du lịch Việt ra thế giới, không chỉ có việc rà soát lại các cơ sở lưu trú. Mà mục tiêu lớn hướng tới chính là thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững.

Để đạt được mục tiêu ấy, từ năm 2012, Tổng cục Du lịch cùng với Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) do EU tài trợ đã bắt đầu tiến trình xây dựng marketing du lịch, trong đó có đề xuất Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020.

Trong đó, các mục tiêu cụ thể cần đạt được: Thu hút được từ 10-10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Doanh thu từ du lịch đến năm 2020 đạt đến 18-19 tỷ đô la Mỹ; Tăng tổng số lao động trong ngành du lịch lên hơn 3 triệu lao động, trong đó có 870,000 lao động trực tiếp, đảm bảo phát triển du lịch sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, cải thiện cuộc sống cho người dân; Phát triển du lịch Xanh, gắn hoạt động du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo các dự án phát triển du lịch phải tuân thủ Luật Môi trường.

Tất cả không nằm ngoài cái đích là nhằm định vị và xây dựng thương hiệu hình ảnh Việt Nam.

Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội cũng cho hay: Những kết quả chính từ cuộc điều tra hình ảnh và sức cạnh tranh của Du lịch Việt Nam từ năm 2011 cho thấy du khách từng đến Việt Nam từ tất cả các thị trường trên thế giới đều nhìn nhận khía cạnh văn hóa như một điểm then chốt tạo dựng hình ảnh cho Việt Nam.

Thiên nhiên cũng là một yếu tố quan trọng, đặc biệt là đối với du khách đến từ châu Âu, trong khi đối với du khách đến từ châu Úc hoặc châu Á thì ẩm thực Việt Nam mới là yếu tố quan trọng. Một trong những mối quan tâm đặc biệt của cuộc điều tra này là thái độ của du khách đã hơn một lần đến Việt Nam và vì thế họ có cái nhìn thực tế hơn về Việt Nam.

Đối với nhóm du khách này, các yếu tố gắn liền với Việt Nam là: Văn hóa, con người, ẩm thực, du lịch mạo hiểm, lòng hiếu khách. Đối với du khách đã quay trở lại Việt Nam, họ ít gắn thiên nhiên với Việt Nam hơn là các du khách lần đầu đến Việt Nam.

Mặc dù vẫn chưa xác định rõ lợi điểm bán hàng độc nhất của Việt Nam, nhưng đa số du khách nước ngoài đều có chung nhận định: Việt Nam rất khác Thái Lan (một hình ảnh mềm mại, yên ả); rất khác Malaysia (một quốc gia thịnh vượng, với đạo Hồi chiếm đa số); khác Singapore (vốn được biết với một hình ảnh hiện đại, đô thị phát triển thịnh vượng)…

Tính độc đáo của Việt Nam ẩn chứa trong nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, các món ăn ngon, tinh thần quật cường giành độc lập, sức sống và nghị lực không ngừng trong công cuộc tái thiết đất nước. Các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam là du lịch biển, văn hóa, đô thị và sinh thái.

Sự bí ẩn để khách du lịch hào hứng khám phá Việt Nam đó là sự hòa hợp của các nền văn hóa lạ kỳ mà chân thực; các dân tộc, các tín ngưỡng và truyền thống được đặt trong một khung cảnh tuyệt vời của những ngọn núi mờ sương, những cánh đồng lúa xanh và đường chân trời vô tận trên biển.

Người Việt Nam cung cấp cho khách du lịch dịch vụ bắt nguồn từ các truyền thống văn hóa và sự thân thiện và sự tận tâm… Đó chính là những điều kiện tiên quyết để có được một “Việt Nam- Vẻ đẹp bất tận” trong mắt du khách trong và ngoài nước.

Chỉ tiếc rằng lâu nay, không ít người làm du lịch chỉ quan tâm nhiều tới doanh thu, tới cung cách làm du lịch “ăn xổi ở thì” mà chưa quan tâm lắm tới sức hút kỳ bí tiềm ẩn từ văn hóa bản địa - điều làm nên sự khác biệt thích thú trong cảm nhận của du khách phương xa.

Vì thế, theo Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội: Thách thức trong việc xây dựng thương hiệu của Việt Nam là phải biến những nhận thức mơ hồ, những tự hào “tiềm ẩn” thành một thực tế mang tính tích cực hơn. Và thực tế tích cực này cần phải được áp dụng trên mọi khía cạnh, chỉ ngoại trừ thiên nhiên…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi hình ảnh du lịch Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO