Thay đổi quan niệm giáo dục giới tính cho trẻ

Phương Linh 29/10/2016 11:05

Mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm gần đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi có chồng là 9,6%, cao gấp 3 lần tỷ lệ nam giới trẻ có vợ. Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ trẻ em gái kết hôn ở nhóm tuổi từ 15 - 19 luôn tăng.

Đó là những con số được đưa ra tại tọa đàm “Giáo dục giới tính cho trẻ: Bắt đầu khi nào là sớm?”, tổ chức tại Hà Nội ngày 28/10.

Một buổi tư vấn tiền hôn nhân.

Báo động nạo phá thai tuổi vị thành niên

Theo các chuyên gia có mặt tại tọa đàm: Giáo dục giới tính cho trẻ đang là vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Trong khi nhận thức về giới tính của trẻ đang lệch lạc thì phụ huynh lại chưa có nhiều kiến thức, phương pháp đúng đắn để chia sẻ với con về vấn đề này. Thực trạng đó dẫn đến việc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên ngày càng báo động.

Hậu quả không chỉ là số trẻ nạo phá thai tăng, mà cả số sinh con tuổi vị thành niên của Việt Nam cũng cao. Thực tế hiện nay cho thấy các bậc phụ huynh đang khá bảo thủ trước vấn đề lạm dụng tình dục ở trẻ em và né tránh các cuộc nói chuyện chia sẻ với con mình về vấn đề này. Tâm lý đó khiến phần lớn các em từng bị lạm dụng, quấy rối tình dục không dám lên tiếng vì sợ phản ứng tiêu cực từ phía bố mẹ. Hay tình trạng có thai ngoài ý muốn khi chưa đủ tuổi dẫn đến nạn phá thai.

Số liệu của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cho biết: Ước tính, khoảng 1/5 phụ nữ trẻ có chồng và sinh con trước tuổi 19, phổ biến ở vùng nông thôn. Ngoài ra, cứ 100 bé gái thì có gần 3 bé mang thai ở tuổi vị thành niên. Số người phá thai ở tuổi vị thành niên cũng chiếm 20 % trong tổng số các ca nạo phá thai ở Việt Nam.

Về điều này, TS Phạm Thành Nam, giảng viên ĐHQG HN chia sẻ: Trẻ em tuổi vị thành niên quan hệ tình dục và để lại điều đáng tiếc có nhiều tác động. Nguồn thông tin cho các em không có. Bố mẹ ít nói, nhà trường cũng chỉ nói đến cấu tạo cơ quan sinh dục, các bệnh dẫn truyền qua đường tình dục. Không ai chia sẻ với các em về thái độ với quan hệ lần đầu nên các em có thái độ sai, quan hệ chỉ để thể hiện với bạn bè…

Có sự nhầm lẫn

Cũng khẳng định thực trạng đáng tiếc trên, ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho biết: Số ca nạo phá thai của Việt Nam đang ở tình trạng rất báo động, đứng thứ 5 toàn cầu. Nó chỉ là mảng nổi thôi còn những mảng chìm nữa.

Theo ông An, để xảy ra chuyện đó có phần do chúng ta vẫn nhầm lẫn “giáo dục giới tính” với “giáo dục tình dục”. Sự nhầm lẫn ấy gây ảnh hưởng với trẻ em, và hậu quả bức xúc nhất là vấn đề xâm hại trẻ em. “Sai lầm của chúng ta là sai lầm về chương trình giáo dục, tiếp cận giáo dục giới tính quá muộn. Chúng ta cứ lo sớm quá, lo “vẽ đường cho hươu chạy”, lo về thuần phong mĩ tục nên lớp 8 mới đưa vào. Nước khác có khi từ mẫu giáo họ đã dạy các em, để các em không tò mò. Cho nên chúng ta cần phải có cái nhìn khác hơn. Nước ngoài họ tân tiến, không có nhiều ca nạo phá thai vì họ cho các em học từ rất sớm, về nhận biết bộ phận cơ thể, đến kỹ năng bảo vệ mình, phòng chống bệnh tình dục…

Như Hà Lan, người ta giáo dục từ mầm non. Bố mẹ dắt con đi hồ bơi sẽ cho con tìm hiểu từ các con vật, chứ không phải tận lớp 8 như chúng ta. Mỗi năm người ta giáo dục một chút và tổng thể. Chúng ta nhầm lẫn giáo dục giới tính và giáo dục tình dục nên nghĩ là “vẽ đường cho hươu chạy”. Mà vẽ đường cho hươu chạy đúng đường thì có cần hay không? Mỗi độ tuổi ta có cách nói chuyện khác nhau, để hướng dẫn trẻ dần dần. Ví dụ ban đầu chỉ là tại sao vịt bố vịt mẹ ngủ với nhau, tại sao có vịt con. Rồi đến cấp 2, cấp 3 phải dạy cho các em những kỹ năng biết kiểm soát, tự bảo vệ, phòng tránh cách bệnh lây qua đường tình dục…”, ông An nói.

Tương tự, TS Phạm Thành Nam cũng cho rằng: Người nào nói giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ từ sớm là “vẽ đường cho hươu chạy” là sai lầm. Bởi có giáo dục các em mới hiểu về bản thân, về tình bạn, tình yêu, các bệnh lây qua đường tình dục, từ đó có kiến thức, thái độ, kỹ năng để đẩy lùi thời gian quan hệ lần đầu, làm thế nào để giao tiếp phù hợp với chuẩn mực của độ tuổi. Ngay từ 3 tuổi, trẻ em đã có nhận thức về bộ phận của mình, bố mẹ cần dạy cho các em về tên gọi bộ phận. Bố mẹ không nói thì thôi, nhưng đã nói thì phải chính xác, để khi lớn lên đứa trẻ xâu chuỗi lại và không bị lẫn.

Làm sao khắc phục?

Có thể nói, hiện nay xã hội đã có những quan tâm và hành động nhất định cho vấn đề giáo dục giới tính ở trẻ, tuy nhiên kết quả đạt được thì lại chưa đồng bộ và đạt hiệu quả cao.

Để khắc phục tình hình, theo ông Vũ Khắc Sáng - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Thành 2 (Hải Dương): Nhận thức của trẻ em hiện nay yếu là tình trạng chung. Tuy nhiên dẫn đến điều đó là do chúng ta làm truyền thông giáo dục kém. Lẽ ra phải thực hiện bài bản sâu sắc ở mọi tỉnh, thành. Chúng ta phải thay đổi quan niệm, cần phải coi giáo dục giới tính là vô cùng cần thiết.

Hiện nay, tại các nhà trường đều không có cái gì trong tay, nếu có cũng chỉ là hình thức nên chỉ giáo dục giới tính cho các em bằng những câu chuyện dân gian, lý thuyết không bài bản. Cho nên, trước hết giáo viên cũng cần được đào tạo, có chứng chỉ thì mới thực hiện được tốt.

Cho rằng rất khó để có lời giải về thực trạng này, TS Phạm Thành Nam chia sẻ: Bố mẹ bây giờ có nhiều trách nhiệm nhưng cần ưu tiên trang bị kiến thức cho con. Mở rộng hiểu biết, quan niệm của bản thân hơn, và không nên mang tính chất cấm kỵ với vấn đề nhạy cảm. Bố mẹ cần biết mục tiêu giáo dục đạt được là gì? Có phải là chất lượng sống của con tốt, phòng ngừa được các nguy cơ nhiễm bệnh hay không? Bố mẹ hãy trang bị kiến thức cho con, biết được mục tiêu cần giáo dục con ở từng giai đoạn, đặc biệt là hướng việc giáo dục đó trở thành hoạt động hàng ngày...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi quan niệm giáo dục giới tính cho trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO