Thay đổi về 'chất' - vấn đề sống còn của nền kinh tế

V. Thắng (ghi) 08/02/2017 10:00

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2017 tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước. CPI tăng trong những tháng đầu năm có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% mà Chính phủ đã đặt ra. Vậy Chính phủ cần những giải pháp nào để thực hiện được mục tiêu trên? Trao đổi với ĐĐK, chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho rằng: Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là mục tiêu phải phấn đấu quyết liệt và đổi mới mạnh mẽ mới đạt được.

Cần cải thiện hơn nữa chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

Đột phá trong cải cách hành chính

Ông Thụ cho rằng, phải có hệ thống giải pháp tổng hợp, trong đó điều quan trọng nhất là huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kinh tế. Theo đó, để huy động được nguồn lực trong nước cần cải thiện môi trường đầu tư. Để làm được điều này không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng mà quan trọng là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo lập môi trường đầu tư ổn định, bền vững.

Theo ông Thụ, phải có cơ chế chính sách để khuyến khích khởi nghiệp. Điều đáng mừng là năm 2016 đã có hơn 100 ngàn doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp. Với đà này thì năm 2017 phải vượt số đó để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Đối với nguồn lực ngoài nước trong có đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông Thụ cho rằng, cần rà soát lại cơ chế chính sách đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài cho hợp lý. Không nên làm theo đường mòn, tức là không đánh đổi vấn đề môi trường để lấy tăng trưởng, nhập khẩu công nghệ cũ để lấy tăng trưởng nhất thời mà phải lấy hiệu quả. Sự phát triển bền vững là mục tiêu bắt buộc trong thu hút nguồn lực đầu tư cũng như thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Thụ: Cần rà soát chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Cùng với đó là tạo lập được môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định bền vững. Và cải cách hành chính như “mũi đột phá” để giảm thiểu thủ tục, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của từng địa phương.

Ông Thụ cũng lưu ý, hiện Việt Nam đã thoát khỏi nước nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình. Do vậy, các nguồn tài trợ ODA giảm dần nhưng phần tín dụng hỗ trợ phát triển ưu đãi ODA vẫn còn. Do đó Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với các địa phương để tham gia đàm phán, thu hút các nguồn lực tín dụng hỗ trợ phát triển ưu đãi IDA và các nguồn lực ngoài nước khác. Tuy nhiên cần lưu ý là tất cả các nguồn lực đó trong đàm phán đều phải có điều kiện, không nên để tình trạng thu hút bằng mọi giá, chỉ nhìn vào vốn rẻ mà để cho các nhà thầu nước ngoài vào với mức giá chi phí dự án công trình quá cao thì dẫn đến gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Nâng cao chất lượng của nền kinh tế

Theo ông Thụ, ngoài việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước thì vấn đề quan trọng nhất là nâng cao chất lượng của nền kinh tế. Nếu chỉ tăng trưởng phụ thuộc vào vốn thì nền kinh tế phát triển không bền vững, thậm chí kém hiệu quả. Cho nên năm 2017 cần đổi mới và cải cách mạnh mẽ từ khâu quản trị nhà nước đến khâu quản trị doanh nghiệp. Làm thế nào để thay đổi về “chất” hoạt động của nền kinh tế. Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế từ năm 2011 nhưng đến nay tốc độ chất lượng tái cơ cấu còn chậm, và hạn chế. Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế-xã hội trong nước, quốc tế, dự báo thị trường để xem xét lợi thế cạnh tranh của từng ngành, lĩnh vực, vùng, nhất là lợi thế đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế của nước ta đang diễn ra ngày càng sâu rộng, qua đó lựa chọn chiến lược phát triển cho phù hợp, phân bố nguồn lực cho phù hợp tạo nên lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Muốn vậy theo ông Thụ, doanh nghiệp phải có cơ chế tự chủ hơn, gắn với thị trường từ quảng cáo thương hiệu đến giảm các chi phí trong sản xuất kinh doanh, áp dụng khoa học-kỹ thuật mới. Như vậy mới nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thay đổi về “chất” là vấn đề sống còn của nền kinh tế hiện nay, nếu tham tăng trưởng về lượng mà “chất” không thay đổi sẽ dẫn đến nợ xấu, hiệu quả kém. Do đó cần phân bổ sử dụng các nguồn lực sao cho có hiệu quả.

Từ cơ chế chính sách như vậy, ông Thụ cho rằng giải pháp điều hành phải quyết liệt từ Trung ương xuống đến địa phương, để chủ trương đúng phải trở thành phương châm hành động từ trên xuống dưới. Như vậy tăng trưởng kinh tế mới cao và bền vững hơn trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Ông Thụ nói: Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là mục tiêu phải phấn đấu quyết liệt và đổi mới mạnh mẽ mới đạt được vì bối cảnh trong nước và quốc tế bây giờ thay đổi rất nhiều và nhanh. Nhiều xu hướng cản trở quá trình hội nhập quốc tế. Do đó ảnh hưởng đến kinh tế nước ta trong điều kiện độ mở của nền kinh tế nước ta rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều chiếm đến 1,6-1,7 lần GDP tức là phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới. Do việc chưa ký Hiệp định TPP nên khả năng mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm để thực hiện theo kế hoạch có nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi về 'chất' - vấn đề sống còn của nền kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO