Thầy giáo của buôn làng Mê Pu

19/11/2020 14:49

12 tuổi mới bắt đầu vào lớp 1, từng bỏ học giữa chừng để phụ giúp ba mẹ kiếm sống nhưng ước mơ trở thành thầy giáo, đưa con chữ đến với đồng bào dân tộc của thầy K'Dĩnh chưa bao giờ bị dập tắt.

Thầy K'Dĩnh -giáo viên Tổng Phụ trách Đội, Trường Tiểu học Tân Phúc 1, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận là một trong 63 giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số được tuyên dương tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.

Tuổi thơ nhọc nhằn đi tìm con chữ

Sinh ra ở xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng trong một gia đình người dân tộc K’ho có 7 anh chị em, nhớ lại tuổi thơ của mình, thầy K’Dĩnh "gói gém" trong 2 chữ “nhọc nhằn”.

Lộc Nam thời điểm đó nhìn đâu cũng là rừng, đường mòn chỉ đủ cho 1-2 người đi bộ. Bà con người dân tộc K’ho sống “du canh du cư” bám rừng bám núi, phát rẫy, nên tuổi thơ K’Dĩnh gắn liền với những ngày rong ruổi theo cha mẹ vào rừng đào gốc cây xá xị. Sau cả tuần liền ở trong rừng, đào đủ gốc xá xị sẽ gánh về bán lấy tiền.

Năm 12 tuổi, người cậu ruột thấy hoàn cảnh gia đình khổ quá mới bàn với ba mẹ cho K’Dĩnh về Bình Thuận chăn trâu, cày ruộng, rồi ông cho đi học. 12 tuổi, K’Dĩnh bắt đầu vào lớp 1.

Thế nhưng học đến lớp 5, cha mẹ K’Dĩnh không cho đi học nữa, bắt đi làm thuê vì “lớn rồi, sách vở đâu có ăn được”. Vậy là cậu bỏ học, sáng đi làm thuê, phát rẫy, tối về đi bắt tắc kè, bắt rắn. Các thầy cô giáo dù có đến tận nhà vận động K’Dĩnh đi học nhưng không thể nào gặp được, phần vì chỉ sau 11h đêm cậu mới về đến nhà, phần vì cậu xấu hổ, trốn biệt.

Một lần vợ thầy hiệu phó phát hiện K’Dĩnh đang đi phát rẫy thuê. Bà chạy về báo cho các giáo viên của trường đến chặn cậu lại, động viên cậu tiếp tục đi học rồi tới tận nhà vận động gia đình. Thế là K’Dĩnh mới được tiếp tục đến trường.

“Ba tôi chọc, chúng mày làm thầy giáo gì mà còn ăn ké tao nữa”

Học hết lớp 12, may mắn có thông báo triệu tập của UBND tỉnh Bình Thuận mở lớp Trung cấp Sư phạm cho đồng bào dân tộc thiểu số, giấc mơ trở thành giáo viên của K’Dĩnh được chắp cánh. Thế nhưng khi ra trường, lương giáo viên của thầy K’Dĩnh chỉ vỏn vẹn 680.000 đồng/tháng, thậm chí còn không bằng làm thêm ở quán nhậu. “Ba tôi chọc, chúng mày làm thầy giáo gì mà còn ăn ké tao nữa”.

Thầy K'Dĩnh -giáo viên Tổng Phụ trách Đội, Trường Tiểu học Tân Phúc 1, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Mòn mỏi với đồng lương nghề giáo, đã có lúc thầy K’Dĩnh muốn bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động ở Malaysia: “Tôi muốn thoát nghề dạy học nhưng thương hoàn cảnh của đồng bào mình. Ai cũng nghèo, ai cũng khổ. Mình là tấm gương vượt khó để tìm con chữ mà từ bỏ thì còn đâu tinh thần cho bà con?”

Nhìn ánh mắt ngây thơ của lũ học trò, thầy lại nhớ về tuổi thơ của mình cũng từng khát khao “chinh phục” con chữ. Được sự động viên của đồng nghiệp, thầy kiên trì theo nghề dạy học.

Học trò thấy thầy đi vận động là nhảy múa, “lêu lêu”

Đi nhiều, thấy nhiều hoàn cảnh khổ lại càng thêm ưu tư. “Mình muốn làm gì đó hỗ trợ giúp đỡ các em từ vui chơi văn hóa văn nghệ tạo động lực để các em yêu thích đến trường”.

Đi vận động, các em thấy thầy xa xa là chạy nhanh hơn sóc, phải nhờ bạn, hàng xóm gọi lại giùm.

Nhớ nhất là mỗi lần đi vận động hai anh em nhà nọ, đứa tên Nhi, đứa tên Nhạn. Nhìn thấy thầy là chúng lại trèo tít lên đống đất trước lò gạch, nhảy múa “lêu lêu”. Bọn trẻ nghĩ thầy không trèo lên được nhưng lần nào cũng bị bắt tận nơi, lôi xuống đi học.

“Đồng bào dân tộc thiểu số phó thác con cái cho thầy cô, chúng tôi phải thường xuyên xuống động viên, chỗ nào đồng bào hay tập trung, gần gũi thì mình nói chuyện với những chỗ đó, để họ “tiếp lửa” người lớn giúp đỡ các em”.

Học sinh người dân tộc thiểu số ở Đức Linh, tỉnh Bình Thuận 4 - 5 năm nay không có em nào học tới lớp 12. “Các em tiểu học ít khi bỏ học nhưng lên cấp 2, tầm lớp 6, lớp 7 thì bỏ học nhiều. Ưng học thì học không ưng thì nghỉ, đi làm công nhân ở Sài Gòn”.

Dù hiện nay, các trường Trung cấp nghề đều tiếp nhận học sinh tốt nghiệp lớp 9. Thế nhưng, nhiều em không thể theo kịp chương trình văn hóa tại đây dẫn đến chán nản, sau 1-2 năm không theo được thì bỏ vào Sài Gòn đi làm công nhân.

"Nếu giúp đỡ, hãy làm cách nào cho con em dân tộc thiểu số có cái nghề đó trong tay. Nếu chỉ giúp đỡ bằng vật chất thì bao nhiêu cũng không đủ. Lo là lo về nhận thức, lo về công việc để các em có thể đứng vững trong cuộc sống", thầy giáo của buôn làng Mê Pu trăn trở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thầy giáo của buôn làng Mê Pu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO