Thầy trò đừng như ‘mặt trăng, mặt trời’

Trần Duy Hưng 31/08/2018 16:29

“Thầy với trò mà cứ như mặt trăng, mặt trời với nhau; trò gặp thầy là dị ứng thì những chuyện không mong muốn khác đương nhiên sẽ xảy ra”, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định nhìn nhận.

Thầy trò đừng như ‘mặt trăng, mặt trời’

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định chia sẻ thông tin với báo chí.

Trước thềm năm học mới, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định đã chia sẻ với báo chí về một số vấn đề của giáo dục hiện nay.

Theo ông Cao Xuân Hùng, trong năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT tỉnh Nam Định tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, cả về giáo dục đại trà, kết quả thi PTTH Quốc gia, kết quả bồi dưỡng HS giỏi. Trong đó, tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, tỉnh Nam Định có tỷ lệ HS tốt nghiệp đạt 99,2%; điểm bình quân các môn thi đứng thứ 2 cả nước.

Ngoài đạt 73 giải tại kỳ thi HS giỏi Quốc gia, HS của tỉnh tiếp tục đạt thứ hạng cao tại các kỳ thi Quốc tế, trong đó em Hoàng Thanh Tùng, HS lớp 12 chuyên Hóa, Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong đoạt huy chương Bạc Quốc tế môn Hóa học...

Trong năm học mới, ngành GD&ĐT Nam Định tiếp tục tập trung duy trì chất lượng giáo dục đại trà, toàn diện, quan tâm đến bồi dưỡng HS giỏi; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; chú trọng nâng cao dạy và học ngoại ngữ, tin học...

“Năm học này Sở chọn 10 trường để đưa chương trình tin học quốc tế vào giảng dạy thí điểm, với chuẩn là IC3 (chứng chỉ đánh giá khả năng sử dụng máy tính và Internet đầu tiên của quốc tế-PV)”, ông Cao Xuân Hùng thông tin.

“Đóng góp tự nguyện phải đúng nghĩa là tự nguyện”

Liên quan đến việc thu, chi đầu năm học, ông Cao Xuân Hùng nhìn nhận đây là vấn đề luôn “nóng”. Ông cho biết, năm nay Sở đã có hướng dẫn các trường phải làm rõ các khoản thu để phụ huynh HS hiểu. Đâu là các khoản nghĩa vụ phụ huynh phải đóng góp, đâu là thu có tính tự nguyện phải làm rõ...

“Ví dụ học phí, rồi BHYT và những khoản thu do các cấp có thẩm quyền quy định là những khoản thu theo luật, phụ huynh phải có nghĩa vụ đóng góp. Nhiều phụ huynh chưa hiểu, xếp chung vào rồi kêu là lạm thu là không phải. Chẳng hạn khoản thu BHYT là khoản bắt buộc, theo luật, không thể tính vào chuyện nhà trường thu. Nhà trường chỉ thu giúp để thực hiện Luật BHYT thôi”.

“Thứ hai là khoản phụ huynh HS cho con đi học thì phải đầu tư. Ví dụ như sách vở, quần áo, nhỏ hơn là cái ghế nhựa các cháu ngồi trong lễ khai giảng, lễ chào cờ đầu tuần. Đây là những thứ phụ huynh mua cho con mình và con mình được thụ hưởng 100%. Nhà trường chỉ hướng dẫn về mẫu mã, màu sắc...”.

“Rồi mới đến việc huy động đóng góp tự nguyện. Mà tự nguyện phải đúng nghĩa là tự nguyện. Các nhà trường có thể kêu gọi năm nay nước sạch thế này, vệ sinh thế này, cảnh quan thế này, đề nghị các bậc phụ huynh chung tay đóng góp. Chứ đừng có lập danh sách rồi bổ đầu mỗi người ba trăm, năm trăm. Làm như thế là hoàn toàn sai”, ông Cao Xuân Hùng nhấn mạnh.

Thầy trò đừng như ‘mặt trăng, mặt trời’ - 1

Để trường học thực sự là nơi “dạy tốt-học tốt”, ngành GD&ĐT còn nhiều việc phải làm.

Đừng vội vàng mắng học sinh

Đáng chú ý, theo ông Cao Xuân Hùng, một trong những việc Sở chỉ đạo các trường học trong tỉnh thực hiện dịp đầu năm học là tổ chức tuần sinh hoạt đầu cho HS. Theo Giám đốc Sở, đây là khoảng thời gian để các em làm quen với bạn bè, thầy cô, môi trường học tập, tự mình họp hành, thảo luận, xây dựng nội quy, quy chế do chính mình xây dựng để thực hiện...

“Nói chuyện với các thầy cô ở các trường tôi hay nói đừng thấy một HS đi muộn mà vội vàng mắng em ấy. Biết đâu khi em nó dắt xe ra cổng thì trong nhà bố mẹ cháu cãi nhau thì cháu nó phải quay lại nên đi học muộn. Đến trường bị thầy cô mắng, về nhà cũng bị bố mẹ mắng thì em nó biết đi đâu?”.

“Cho nên tôi luôn lưu ý các thầy cô những chuyện như vậy phải nắm bắt, xử lý hết sức nhạy cảm, hết sức tinh tế và phải hết sức tình người. Thầy cô là bạn, đồng hành với HS trong cả quá trình học tập, tu dưỡng thì sẽ không bao giờ có những chuyện trò vác dao đâm thầy như đã xảy ra. Thầy với trò mà cứ như mặt trăng, mặt trời với nhau; trò gặp thầy là dị ứng thì những chuyện không mong muốn khác đương nhiên sẽ xảy ra”, ông Cao Xuân Hùng nhìn nhận.

Không áp đặt việc phạt HS

Ông Hùng kể: “Một lần sang Mỹ, vào thăm một lớp học trong một trường phổ thông, tôi thấy có cái bảng to, trên đó có một từ tiếng Anh được viết đi viết lại nhiều lần. Hỏi thì HS của trường trả lời đó là do một bạn không thuộc bài và phải chép phạt”.

Từ đó ông so sánh: “Cũng là phạt nhưng cách làm của họ khác chúng ta ở chỗ việc phạt của chúng ta thường có tính áp đặt, người lớn nghĩ ra để phạt. Vừa rồi xảy ra chuyện cô giáo phạt HS quỳ, thế là phụ huynh đến trường phạt cô giáo quỳ, trở thành một vấn đề xã hội rất nhức nhối”.

“Vẫn là phạt quỳ nhưng giá như trước đó, trong cuộc họp phụ huynh, giữa nhà trường và phụ huynh có sự thống nhất với nhau, đại thể xin phép các vị đôi khi cũng phải có cái roi, cái vọt, hình thức này hình thức khác để răn đe các cháu. Thống nhất trước như vậy thì sẽ không có chuyện sau đó phụ huynh đến trường phạt lại cô giáo phải quỳ nữa. Hay khi các em HS đã thống nhất quy chế với nhau, ví dụ không thuộc từ nào sẽ phải viết một trăm lần từ đó lên bảng, bạn nào không thuộc bài thì cứ tự giác mà thực hiện. Đấy, chúng tôi muốn giải quyết việc này theo cách như vậy!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thầy trò đừng như ‘mặt trăng, mặt trời’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO