Thầy trò trên đỉnh mù sương

Đơn Thương 20/11/2016 06:49

Những lớp học bằng tre nứa, thông thốc gió lùa. Những bữa cơm đạm bạc. Những sớm hôm băng rừng, lội suối, lên nương rẫy tìm học trò… Khó khăn là không kể siết. Thế nhưng các thầy cô vẫn dành trọn tuổi xuân của mình để bám bản, bám trường gieo những con chữ, gieo những mầm xanh tương lai. Để rồi mai đây, chính các thế học sinh của họ sẽ là những người tiếp tục xây dựng quê hương bản làng.

Các em học sinh Chế Tạo tham gia trồng rau cải thiện bữa ăn.

Đến Yên Bái, khi nhắc đến nơi xa xôi, nghèo khó không ai có thể quên Chế Tạo (Mù Căng Chải), nơi định cư của đồng bào Mông. Nhiều năm trước, với quyết tâm xoá mù cho đồng bào nơi đây, bao lớp thầy cô tâm huyết vác ba lô, nón lá lên đây. Tình thầy trò và tâm huyết của nghề đã chiến thắng thách thức, mang lại cho Chế Tạo những đổi thay…

Làm thầy từ tuổi 15

Lên Yên Bái, tôi loay hoay tìm hiểu về tình hình dạy học ở đất này. Có người giới thiệu đi Mù Căng Chải rồi vào Chế Tạo. Xa xôi, đường sá khó đi, kinh tế nghèo nàn lại thêm cái sự học ở đây cũng chẳng an ủi tôi được chút nào. Thời ấy, cả xã có một lớp học, mỗi ngày dạy một buổi. Lớp học lồng ghép đến 4 – 5 lớp, các thầy cứ xoay lưng vào nhau mà dạy. Thầy nhiều hơn cả trò, lớp học đếm đi đếm lại mà số học sinh chưa vượt quá được 3 lần bấm đốt ngón tay.

Vậy nhưng, Chế Tạo sau hơn 10 năm tôi trở lại, vẫn cảnh đấy người đây nhưng miền đất này đã có nhiều sự thay đổi. Chiếc xe chạy, đưa tôi lên dần độ cao, ruộng lúa, rừng chè và từng tán cây lâu năm bát ngát trải dài cùng những dấu hiệu của sự no đủ.

Giờ đây, Chế Tạo trường lớp đã khang trang. Hiện toàn xã đã có 32 lớp học với gần 300 em học sinh theo học từ mầm non đến trung học cơ sở. Ngoài một trường ở trung tâm xã thì hiện tại Chế Tạo cũng đã có 3 điểm trường khác được mở các bản như Tà Dông, Kể Cả, Háng Tả. Trong số lượng giáo viên hiện có của trường, lên Chế Tạo, người ta luôn nghe kể về thầy giáo người Mông tiêu biểu là Sùng A Dình.

Có lẽ, đây là một thầy giáo đứng bục giảng sớm nhất. Thầy Dình bắt đầu đứng bục giảng từ khi thầy mới 15 tuổi, tính đến nay thầy đã có thâm niên đến hơn 15 năm đứng lớp. Người Chế Tạo cứ đùa, chỉ cần đứng bục thêm vài năm nữa thôi là thầy đủ tuổi nghỉ hưu.

Thế nhưng nghe câu đùa ấy thầy lại buồn. Theo quan niệm thầy Dình, thầy đến với nghề này chỉ cốt đem cái chữ của Chính phủ về cho trẻ con Chế Tạo cho chúng nó sáng cái đầu thôi. Nếu dạy học mà kiếm tiền thì thầy đã đi trồng chè, cấy lúa cho nó nhanh giàu. Người ta đùa, biết thầy không đồng ý, thế nhưng sau câu nói rất thật ấy mới hiểu hết tâm huyêt của người thầy ở Chế Tạo lớn lao biết nhường nào.

Theo thầy Dình, trước đây Chế Tạo ít người đi học lắm. Trong xã ngày ấy chỉ có thầy và mấy người bạn thích chữ là đi học thôi. Người Mông bằng tuổi thầy ở Chế Tạo thì đều bỏ học để đi bắt vợ cả. Thầy Dình học hết lớp 9, nhà không còn thóc, không còn người, dù còn thích cái chữ nên thầy không ra tỉnh học tiếp được. Lúc đó, Chế Tạo thiếu thầy nên có tý chữ thầy Dình đã xung phong dạy học. Thử rồi được, thế là thầy theo suốt cái nghề này.

Ở Chế Tạo, ngoài thầy Dình, nói về sự phát triển giáo dục của đất này người ta còn nhắc đến một người thầy nữa đó là Sùng A Câu. Thầy Câu nhà ở bản Tà Dông, thầy cũng đến với nghề gõ đầu trẻ vào những ngày Chế Tạo bi đát nhất về con chữ. Cũng là người thích chữ ở Chế Tạo, bỏ bên ngoài sự đam mê của trai Mông là đi bắt vợ, thầy vẫn chân đất cắp sách đến trường.

Hết trường xã, thầy cắp cặp lên huyện học ở trường nội trú của tỉnh. Học hết trường huyện, gia đình không có ngô để cho thầy theo học nữa nên thầy đành phải vào học hệ 9 + 3. Học xong, người Mông như thầy được tỉnh ưu đãi nhiều, thầy có thể xin về dậy học ở một nơi trung tâm nào đó. Thế nhưng theo triết lý người Mông, “ăn lộc trả lộc” nên thầy quyết định xin về Chế Tạo dậy học để trả chữ cho người Mông nơi đây.

Lớn lên ở Chế Tạo, sinh sống bằng ngô ở Chế Tạo, học chữ tại Chế Tạo và phải trở về trả chữ cho người Chế Tạo, quan niệm đơn giản nhưng hết sức lớn lao của thầy chỉ như vậy. Để làm tròn bổn phận lớn lao này mà bao năm nay thầy Câu đã phải xa vợ xa con, đến trường sống với anh em để ngày đêm bám lớp, bám trường để dậy chữ cho các em. Nhà ở bản Tà Dông, cách Chế Tạo không xa lắm nhưng vì các em, vì cái chữ nên chỉ cuối tuần thầy mới quẩy quả về thăm vợ con.

Được cái vợ thầy là phụ nữ Mông, với bản tính cam chịu nên cũng không trách cứ thầy. Nhờ hậu phương như vậy nên thầy luôn làm tròn trách nhiệm, ngày đêm trả chữ cho con em Chế Tạo. Nhờ những thành tích này mà vừa rồi thầy đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và được đề bạt lên chức Phó hiệu trưởng, quản lý mảng giáo dục phổ cập của xã.

Nhờ sự tận tâm, tận lực của các thầy cô giáo mà nhiều trẻ em Chế Tạo đã được đến trường.

Kiên trì vượt khó

Nếu lên Chế Tạo, tham khảo về hành trình phát triển giáo dục của vùng đất này mới thấy những gì mà hiện nay giáo dục Chế Tạo có được thật đáng khâm phục. Thời Kỳ khó nhất về giáo dục ở đất này phải nhắc đến năm 1999 đến năm 2000. Cả xã Chế Tạo huy động lên xuống nhưng cũng chỉ có 13 học sinh các độ tuổi theo học ở các hệ lớp.

Thầy cô giáo được huy động lên, học sinh không có, đi mời đi gọi học sinh cũng không thèm lên lớp. Bất lực nhiều người đã bỏ về. Ngỡ tưởng giáo dục Chế Tạo sẽ hoàn toàn giẫm chân tại chỗ. Trước cảnh này, khai thác giáo viên tại chỗ đã được đưa ra. Giáo viên người Mông được sử dụng sẽ đem đến nhiều cái lợi. Ngoài tiếng nói họ còn hiểu được tâm lý tập quán của người dân do vậy công tác vận động trẻ đến trường được thuận lợi hơn.

Thầy Sùng A Dình không thể quên những ngày đầu đi vận động học sinh tới trường vào những năm đó. Là người Mông đấy thế nhưng khi đề xuất đến việc đến lớp ai cũng lắc đầu. Tôi bảo với họ, đi học gia đình mất người thật nhưng cái đầu có chữ sẽ sáng ra, biết đọc cái sách, cái báo, mới học được cách làm ăn.

Rồi thầy lấy mình ra làm thí dụ như nhờ học, làm được giáo viên, được nhà nước trả lương mà không phải đi phá rừng nữa. Nể mình, phụ huynh cho con đến trường. Đến được dậy chữ rồi biết đọc sách bố mẹ bắt đầu thấy hài lòng. Trẻ con được thầy dạy dỗ, quý mến như con đẻ nên thích đến trường nhiều hơn.

Từ trước đến nay, ngoài các giáo viên vùng dưới lên thì Chế Tạo còn là một trong ít nhiều vùng đất có số lượng thầy cô giáo người Mông cao nhất. Những thầy cô giáo này được coi như những hạt nhân, gạch nối giữa ngành giáo dục với người dân đã làm cho giáo dục ở Chế Tạo khởi phát. Đến nay, Chế Tạo đã có 32 lớp học cho các em ở các lứa tuổi trong xã thậm chí ở các thôn xa xôi như Pù Vá, Kể Cả, Háng Tày… tìm đến.

Nhờ sự tâm huyết của 11 giáo viên người Mông và các thầy cô giáo dưới miền xuôi tìm lên mà trên 90% trẻ em trong các độ tuổi ở Chế Tạo đã được đến trường. Điều đặc biệt là 100% bé gái người Mông ở đây cũng được cha mẹ các em cho học ở các hệ lớp trong xã.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thầy trò trên đỉnh mù sương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO