Thế giới, một năm sóng gió

Khánh Duy 01/01/2017 08:00

Nhân loại đi qua năm 2016 với nhiều sự kiện dữ dội, buồn vui lẫn lộn và nhiều bất ngờ. Những điều đó làm nên một gương mặt thế giới khốc liệt, đành chờ đợi vào những gì tốt lành hơn trong năm 2017. Sau đây là 10 sự kiện thế giới được cho là đáng chú ý nhất năm 2016.

1. Nội chiến Syria

Năm 2016 không mang tới một sự nghỉ ngơi nào cho chiến sự ở Syria. Quốc gia này đã lao vào vòng xoáy của một cuộc nội chiến đẫm máu kể từ năm 2011 và cũng là tâm điểm của cuộc chiến chống lại tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), bên cạnh Iraq.

Cuộc chiến này càng ngày càng trở nên khốc liệt, gây nên những cơn khủng hoảng nhân đạo chưa từng thấy, và nghiêm trọng nhất trong năm vừa qua là ở thành phố lớn nhất của Syria- Aleppo. Chiến sự ở Aleppo trở thành đấu trường đẫm máu của hai phe phái, lực lượng chính phủ và phe nổi dậy.

Cuộc chiến còn kéo theo sự can thiệp của giới siêu cường khi Nga, các tay súng người Shi’ite và theo phương Tây là cả lực lượng Hezbollah hậu thuẫn lực lượng chính phủ, trong khi Mỹ và chính phủ các nước châu Âu hậu thuẫn phe nổi dậy.

Cuộc chiến này được xem là có sức hủy diệt lớn chưa từng thấy khi là nguyên nhân gây nên cái chết của hàng nghìn người dân vô tội. Những đợt đánh bom dày đặc, các cuộc đọ súng và sự hủy diệt mà nó đem tới đã khiến cho thành phố Aleppo, từng có dân số 2 triệu, nay chỉ còn khoảng 300.000 người.

Vào cuối tháng 9, Nga và Syria tổ chức một cuộc tổng tấn công vào thành phố này với kết quả là giành được quyền kiểm soát toàn bộ Aleppo từ tay của phe nổi dậy. Họ đã tổ chức một chiến dịch sơ tán rầm rộ, đánh tín hiệu tích cực sẽ mở ra các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn trên phạm vi toàn quốc.

2. Đại dịch Zika

Vào ngày 20/1/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo virus Zika đã lan rộng khắp ở khu vực châu Mỹ. Thời điểm đó, báo cáo của tổ chức này cho hay có khoảng 3-4 triệu ca nhiễm đã được phát hiện ở nhiều khu vực khác nhau trong suốt 12 tháng vừa qua.

Cùng lúc, tổ chức Pan America Helath Organization cũng đưa ra ước tính về số ca nhiễm virus Zika, trong đó gồm cả những người không hề có triệu chứng.

Theo báo cáo của WHO, từ khi dịch Zika bùng phát vào giữa năm 2015, hơn 1,5 triệu người đã bị nhiễm virus này, chủ yếu là tại Brazil. Hơn 1.600 trẻ sơ sinh mắc dị tật đầu nhỏ trên toàn thế giới.

Virus Zika đã xuất hiện tại 73 quốc gia trên toàn thế giới, chủ yếu là khu vực Mỹ Latin và vùng Caribe. Đa số bệnh nhân mắc Zika bị nhiễm virus qua muỗi, số khác lây qua đường tình dục. WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại dịch Zika vào tháng 2/2016.

Đến tháng 11/2016, WHO tuyên bố đã kiểm soát được dịch Zika, và loại virus này không còn thuộc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Tuy nhiên, cơ quan này tin rằng virus Zika và hậu quả liên quan vẫn là một thách thức y tế toàn cầu lâu dài và quan trọng, đòi hỏi các quốc gia phải hành động quyết liệt.

3. Hồ sơ Panama

Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố một cuộc điều tra mà họ thực hiện suốt 1 năm ròng để rồi sau đó dẫn tới việc công bố Hồ sơ Panama vào ngày 3/4/2016. Hồ sơ này bao gồm 11,5 triệu tài liệu pháp lý và tài chính bí mật đến từ công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama.

Vụ rò rỉ hồ sơ đình đám này đã công khai khối tài sản đen tối của 12 lãnh đạo và cựu lãnh đạo trên khắp thế giới và nhiều người nổi tiếng khác. Nó còn cung cấp thông tin về các vụ thỏa thuận tài chính của khoảng 128 quan chức và chính trị gia trên thế giới.

Hồ sơ Panama là kết quả của sự hợp tác giữa 500 nhà báo đến từ 100 quốc gia và được coi là đỉnh cao mới của báo chí điều tra thế giới.

4. Brexit

Cuộc trưng cầu dân ý về Liên minh châu Âu (EU)- một cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc để quyết định xem người dân nước Nga nên rời khỏi hay ở lại EU - tổ chức hồi tháng 6/2016 đã cho thấy 52% cử tri nước này muốn rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) và chỉ 48% muốn ở lại. Số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu là 71,8% và có đến 30 triệu người chờ đợi đến phút chót mới đưa ra quyết định của mình.

Nước Anh đã bỏ phiếu lựa chọn Brexit, cũng giống như xứ Wales, đều mong muốn Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) rời khỏi EU với số phiếu 52,5%. Ngược lại, cả Scotland và Bắc Ireland lại lựa chọn ở lại EU. Ở Scotland, 62% cử tri bỏ phiếu chọn ở lại EU, trong khi 55,8% cử tri ở Bắc Ireland có hành động tương tự.

Cuộc trưng cầu này cũng đánh dấu sự ra đi của Thủ tướng Anh David Cameron, và người thay thế ông là bà Theresa May.

“Cuộc hôn nhân đứt gánh” giữa Anh và EU sau 43 năm chung sống đã khiến giới chính trị và dư luận quốc tế tốn không ít giấy mực để bàn về những tác động của nó. Đối với nước Anh, mất và được có lẽ đã quá rõ ràng, song đối với EU, một liên minh thịnh vượng vốn có sự ảnh hưởng lớn trên thế giới thì sẽ dần dần ngấm đòn giáng mạnh này trong những năm tiếp đó.

5. Bầu cử Tổng thống Mỹ

Sau một cuộc chạy đua khốc liệt mà trong đó mọi quy tắc truyền thống của giới chính trị ở Washington bị lật đổ, nước Mỹ đã bầu ra được một vị tân Tổng thống thay thế ông Barack Obama, đó là nhà tài phiệt địa ốc Donald Trump. Ông Donald Trump - một ứng viên Cộng hòa, xuất thân là một doanh nhân thành đạt, không có kinh nghiệm chính trường, nhưng chính niềm tin mà người dân Mỹ đặt vào ông đã giúp ông trở thành vị Tổng thống đời thứ 45 của nước này.

Khi các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa, bang đầu tiên đã thuộc về tay bà Hillary Clinton. Nhưng càng về sau, cử tri Mỹ càng cho thấy rằng họ tin tưởng ông Trump hơn. Cuối cùng, ông Trump đã giành được 279 lá phiếu đại cử tri, bỏ xa bà Clinton với chỉ 228 phiếu.

Đêm 8/11, tỷ phú 70 tuổi Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy của đảng Cộng hòa, đã chính thức ăn mừng chiến thắng của mình trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2017.

Chiến thắng của ông Trump đã là bất ngờ, nhưng những đề xuất chính sách mới của ông còn gây bất ngờ hơn nữa, sau khi tuyên bố sẽ rút khỏi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, xây dựng bức tường ngăn với Mexico, trục xuất người nhập cư trái phép, xem xét lại mối quan hệ với NATO và các đồng minh truyền thống của Mỹ…

Ngoài ra, việc ông Trump đắc cử cũng cổ vũ cho phong trào dân túy trên toàn thế giới. Bởi vậy năm 2016 đã chứng kiến sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy, điển hình như ông Rodrigo Duterte đắc cử Tổng thống ở Philippines, sự lên ngôi của phong trào 5 Sao ở Italy…và hàng loạt các chính trị gia theo quan điểm dân túy mới nổi trên khắp châu Âu trong bối cảnh châu lục này sắp bước vào kỳ bầu cử năm 2017.

6. Lãnh tụ Cuba Fidel Castro qua đời

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro Ruz, nguyên Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà Cuba, nhà lãnh đạo cộng sản và cách mạng kiên cường của các dân tộc Mỹ Latinh và phong trào đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, tự do và Chủ nghĩa xã hội, đã từ trần vào ngày 25/11/2016, hưởng thọ 90 tuổi.

Cuộc đời trong sáng và sự nghiệp bất tử của lãnh tụ Fidel Castro sẽ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân Cuba và các dân tộc đang nỗ lực đấu tranh nhằm xây dựng một thế giới công bằng, văn minh, dân chủ, phồn vinh và hạnh phúc.

7. Khủng hoảng di cư

Cuộc khủng hoảng di cư trong năm 2016 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn, khi càng có thêm nhiều người di cư thiệt mạng trong lúc cố gắng tìm nơi an toàn ở châu Âu; trong khi giới lãnh đạo châu Âu quay lưng với họ.

Có ít nhất 4.600 người di cư đã thiệt mạng trong các hành trình vượt biển Địa Trung Hải đến châu Âu, hoặc là bị chết chìm hoặc bị ngạt thở trên những con thuyền chật cứng người của những kẻ buôn người.

Con số này đã biến vùng biển Địa Trung Hải trở thành một “nghĩa địa” của người di cư và biến một số tuyến đường biển nối giữa Libya và Italy trở thành tuyến hàng hải nguy hiểm nhất thế giới.

Trên đất liền, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết một thỏa thuận ngăn chặn dòng di cư đến châu Âu vào hồi tháng 3/2016, đạt được thành công trong việc giảm số người vượt qua Biển Aegean giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Tuy nhiên, dòng di cư tới Italy qua biển Địa Trung Hải vẫn đạt mức kỷ lục.

Tại Pháp, trại tị nạn “Rừng Calais” nổi tiếng gần cảng Calais cuối cùng cũng đóng cửa vào tháng 10, và chính quyền tiến hành di dời khoảng 7.000 người ở đây vào các khu tập trung mới để thực hiện các thủ tục tiếp nhận hoặc trục xuất họ.

8. Khủng bố trỗi dậy

Trong khi liên tục để mất lãnh thổ ở Iraq, Syria và Libya, lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã điên cuồng lên kế hoạch tấn công trả thù các nước tham gia vào liên minh mà Mỹ dẫn đầu chống lại chúng. Tổ chức này trong năm qua liên tiếp lên tiếng nhận trách nhiệm, hoặc “truyền cảm hứng”, cho các cuộc tấn công đẫm máu ở nhiều khu vực trên thế giới.

Một số nước phương Tây bị tấn công trong năm qua gồm có Pháp với 86 người chết trong vụ “Xe tải điên” ở Nice, Mỹ với 49 người chết trong vụ thảm sát hộp đêm đồng tính ở Orlando, và Bỉ với 32 người chết trong vụ đánh bom kép ở thủ đô Brussels...

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công được cho là do IS hoặc lực lượng phiến quân người Kurd tiến hành, nổi bật nhất là vụ đánh bom liều chết ở sân bay Ataturk, thành phố Istanbul ngày 28/6 khiến 45 người thiệt mạng và vụ đánh bom đám cưới ở Gaziantep khiến 57 người thiệt mạng ngày 20/8. Trong khi đó, khu vực Tây Phi cũng bị Al-Qaeda tấn công, đặc biệt là ở Burkina Faso và Bờ Biển Ngà.

9. Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Vào ngày 15 và 16/7/2016, một nhóm trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đảo chính nhằm lật đổ chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, tuy nhiên đã không thành công.

Sự kiện khiến cho ít nhất 264 người đã thiệt mạng, trong số đó có 173 thường dân, 67 nhân viên an ninh chính phủ, 24 người đảo chính và hơn 1.390 người bị thương.Tại thủ đô Ankara, tòa nhà Quốc hội và Dinh tổng thống đã bị ném bom trong khi cầu Bosphorus ở Istanbul bị lực lượng đảo chính phong tỏa.

Tổng thống Erdogan đang nghỉ hè đã phải về Istanbul chỉ đạo vụ việc. Chính quyền đương nhiệm đã tuyên bố nhanh chóng là cuộc đảo chính đã thất bại và bắt đầu truy nã những người dính líu tới đảo chính và được cho là thực hiện theo sự sắp đặt của giáo chủ lưu vong Fethullah Gulen.

Theo Bộ trưởng bộ Tư pháp Bekir Bozdag, cho đến nay khoảng 6.000 người đã bị bắt giữ và 2.745 thẩm phán đã bị sa thải trong một cuộc thanh trừng rộng khắp mà chính quyền Ankara thực hiện. Cuộc thanh trừng còn gây nhiều tranh cãi và trở thành chủ điểm trong mối quan hệ bất hòa giữa Ankara và châu Âu.

10. Khủng hoảng Hàn Quốc

Tổng thống Hàn Quốc Park Gyun Hye ngày 25/10/2016 đã xin lỗi và thừa nhận từng “hỏi ý kiến” của người bạn thân là bà Choi Soon-sil khi soạn thảo các bài diễn văn trong chiến dịch tranh cử năm 2012 lẫn giai đoạn đầu nhậm chức.

Sau đó, giới công tố nước này tiếp tục điều tra khả năng bà Choi lợi dụng mối quan hệ này để can dự vào các công việc nhà nước dù không có một vị trí chính thức nào trong chính phủ.

Bà Park còn bị nghi ngờ có vai trò trong việc ép các tập đoàn lớn trong nước đóng góp các khoản tiền khổng lồ cho 2 tổ chức phi lợi nhuận mà bà Choi sáng lập, nhưng sau đó sử dụng số tiền này vào mục tiêu không rõ ràng.

Kể từ sau vụ việc bị phanh phui, người dân Hàn Quốc đã đổ ra đường biểu tình rầm rộ vào cuối tuần, trong suốt 5 tuần lễ, yêu cầu bà Park từ chức ngay lập tức, bất chấp việc bà Park đã 3 lần xin lỗi người dân trên truyền hình trực tiếp.

Ngày 9/12, Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu thông qua dự thảo luận tội và đình chỉ chức vụ Tổng thống Park Geun-hye, tuy nhiên bà vẫn được giữ vị trí trong Nhà Xanh và chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án Hiến pháp trong vòng 180 ngày.

Sự kiện này đẩy Hàn Quốc vào một cuộc khủng hoảng chính trị khi thiếu khuyết một vị trí lãnh đạo thực sự, trong bối cảnh đang phải đối mặt với các thách thức như nền kinh tế suy giảm và đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới, một năm sóng gió

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO