Thế mạnh nào giúp doanh nghiệp nội vượt khó thời Covid

Minh Phương 19/02/2021 08:00

Theo các chuyên gia, chiếm lĩnh thị trường nội địa với 100 triệu dân là một trong những yếu tố quan trọng, trở thành thế mạnh của các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Dịch bệnh hoành hành khiến cho giao thương hàng hóa bị tắc nghẽn, điều này đã tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu trong suốt thời gian dài.

Theo các chuyên gia, chiếm lĩnh thị trường nội địa với 100 triệu dân là một trong những yếu tố quan trọng, trở thành “cứu cánh” của các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Các doanh nghiệp chú trọng nâng chất sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Chia sẻ với PV, ông chủ một DN chuyên xuất khẩu cà phê cho biết, từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, các nước mà DN này xuất khẩu hàng hóa chủ yếu lại là những “điểm nóng” của dịch bệnh như Hoa Kỳ, Châu Âu... việc giao thương, ký kết các hợp đồng mới hầu như không được thực hiện. Con virus sar-cov 2 quái ác trở thành “bóng ma” đe dọa sự sống của DN này. Tuy nhiên, ngay trong lúc gian nguy nhất, DN đã nhận ra rằng, tại sao lại không quay về khai thác ngay thị trường nội địa với số dân gần 100 triệu người, đây chính là mảnh đất màu mỡ để các DN nội mở rộng thị phần, thay vì mải mê đi khai thác ở tận những vùng đất xa xôi.

Nghĩ là làm, vị chủ DN ngành cà phê đã bắt tay vào thúc đẩy chiến lược sản xuất, quảng cáo sản phẩm hướng đến người tiêu dùng trong nước. Bằng cách quay trở lại nghiên cứu tâm lý, thói quen tiêu dùng của người dân Việt, ông chủ DN cà phê nhận ra rằng, những nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng rất khắt khe, đòi hỏi các sản phẩm đến tay họ phải thật đẹp từ bao bì đến chất lượng, rõ ràng xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính việc nắm rõ được tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước ngày một nâng cao, các sản phẩm cà phê của DN này đã được nâng chất cả về hình thức lẫn nội dung, và được người tiêu dùng đón nhận.

Tương tự, nhiều DN trước đây từng chú trọng xuất khẩu nay cũng hướng về thị trường nội địa khi đại dịch Covid -19 hoành hành. Tập đoàn Minh Phú cũng là một trong những DN như vậy. Minh Phú nổi tiếng với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản... thế nhưng dịch bệnh khiến hàng hóa không thể tiêu thụ, lưu thông được. Tập đoàn này đã quyết định hướng mạnh vào thị trường nội địa bằng những sản phẩm thủy sản thế mạnh được chế biến phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường nội địa Việt Nam đang phát triển có thể bổ sung một phần, thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài. Hiện, khoảng 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD/ngày. “Nếu duy trì được tốc độ hiện tại, mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm 1 triệu người tham gia nhóm tiêu dùng này” –WB cho hay đồng thời đánh giá, tầng lớp trung lưu mới nổi sẽ không chỉ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ nhiều hơn mà còn yêu cầu chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, điều này đòi hỏi các DN cần phải nâng cao năng lực sản xuất để nâng chất sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, như vậy mới có thể cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài.

Thị trường nội địa đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Nhận định về tầm quan trọng của thị trường nội địa trong bối cảnh hiện nay, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chặng đường hơn 10 năm qua đã thực sự lan tỏa, phần lớn người Việt vẫn lựa chọn kênh phân phối truyền thống, đó chính là thế mạnh của các DN, từ đó khẳng định vị trí của mình trên sân nhà.

Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thị trường nội địa chính là cứu cánh của cộng đồng DN Việt không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài, bởi khi DN hướng tới thị trường nội địa, sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Về lâu dài, với thị trường nội địa, các DN sẽ tạo được một sân chơi vững chắc, có lợi thế cạnh tranh cao khi am hiểu tâm lý, thị hiếu người tiêu dùng hơn. “Tất nhiên, để khai thác tốt thị trường nội địa trong bối cảnh “bình thường mới” khi dịch bệnh được đẩy lùi, bản thân mỗi DN cần phải chủ động hơn trong việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, tạo niềm tin cho người tiêu dùng cũng như tiếp cận nhanh nhất với thương mại điện tử, 4.0...” – TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế mạnh nào giúp doanh nghiệp nội vượt khó thời Covid

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO