Thế nào là rối loạn phân ly tập thể?

Thanh Hà 24/12/2017 10:20

Ngày 18/12 vừa qua, Đoàn công tác của bệnh viện Nhi Trung ương do PGS Trần Minh Điển- phó giám đốc bệnh viện làm trưởng đoàn cùng các chuyên gia các chuyên khoa tâm bệnh, thần kinh, tư vấn trẻ vị thành niên... của nhiều bệnh viện, tổ chức đã đến khám cho 108 em học sinh tại Trường Tiểu học Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) và bước đầu xác định nguyên nhân khiến nhiều em bị ngất, trở nên hung dữ bất thường là biểu hiện của rối loạn phân ly tập thể.

Thế nào là rối loạn phân ly tập thể?
Phản ứng dây chuyền. Tranh minh họa.

Theo đó, mới đây, có nhiều học sinh của điểm trường Nà Bản có biểu hiện liên tục bị ngất, trở nên hung dữ bất thường, nhiều em tự nhiên chạy ra khỏi lớp, chạy thẳng lên đồi, suy kiệt sức khỏe... khiến cho giáo viên, các bậc phụ huynh và chính quyền địa phương lo lắng. Hiện tượng ngất, bất tỉnh tạm thời có thể diễn ra nhanh, từ 3 đến 5 phút, một số trường hợp kéo dài đến 20 phút. Sau khi tỉnh dậy, phần lớn các em đều không nhớ gì. Trước đây, vào năm 2015, điểm trường đã có 2 học sinh có những biểu hiện như trên.

PGS Trần Minh Điển cho biết, rối loạn phân ly là một nhóm các rối loạn thường gặp. Tỷ lệ người mắc các rối loạn này chiếm 0,3-0,5% dân số. Bệnh hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam.

Theo ThS.BS Lê Công Thiện- trưởng phòng điều trị Tâm thần Nhi và người già, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), rối loạn phân ly là một loại rối loạn liên quan đến stress, căng thẳng. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh giống như những cơn phân ly, có thể là cơn co giật, cơn lời nói hoặc cơn âm thanh như: Giãy giụa, la hét… nhưng không rối loạn ý thức. Khi bị stress thì thay vì tỏ ra buồn chán hay căng thẳng thì người bệnh sẽ biểu hiện bằng những cơn co giật, đó là sự chuyển đổi từ dạng căng thẳng này sang dạng căng thẳng khác.

Biểu hiện lâm sàng của các rối loạn phân ly rất đa dạng, có thể là các triệu chứng cơ thể, các triệu chứng về thần kinh, tâm thần, có thể giống rất nhiều loại bệnh khác nhau mà lại chẳng giống bệnh nào, dễ thành dây chuyền khi những người có tính cách dễ bị ám thị ở gần nhau. Chỉ cần một người có các biểu hiện của cơn phân ly là những người khác cũng có thể bị theo như: Một người khóc thì những người kia cũng khóc, một người co giật thì những người kia nhìn thấy cũng có thể co giật theo…

Tuy nhiên, nếu chỉ có một cơn phân ly thì chưa thể chẩn đoán bệnh ngay mà cần phải theo dõi các triệu chứng của bệnh nhân trong vòng từ 1- 6 tháng và tần suất diễn ra các cơn phân ly. Nguyên nhân chủ yếu của các rối loạn phân ly là các chấn thương tâm lý hoặc hoàn cảnh xung đột. Đó là những chấn thương gây cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề... Các rối loạn này thường phát sinh một thời gian ngắn sau khi chấn thương.

Các chuyên gia cũng đã hướng dẫn gia đình và thầy cô giáo cần coi trẻ như những trẻ bình thường, không nên quá kỳ vọng vào trẻ. Điều trị triệu chứng rối loạn phân ly chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế nào là rối loạn phân ly tập thể?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO