Bóng ma tham nhũng ám ảnh FIFA

Minh Vy 14/10/2015 01:33

Làng bóng đá thế giới đang trong cơn chấn động khi 3 nhân vật đứng đầu Tổ chức bóng đá thế giới đã chính thức mất chiếc ghế quyền lực mà họ đang nắm giữ. Ủy ban Đạo đức của FIFA đã ra quyết định đình chỉ chức vụ của Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) Sepp Blatter, Chủ tịch UEFA Michel Platini và Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke trong thời gian 90 ngày. 

Bóng ma tham nhũng ám ảnh FIFA

Ông Sepp Blatter.

Đình chức cả chùm

Trong bài diễn văn chiến thắng khi tái đắc cử chức FIFA hồi cuốt tháng 5 vừa qua, ông Sepp Blatter ví FIFA như con tàu đang bị chao đảo bởi sóng dữ và ông sẽ là thuyền trưởng chèo lái con tàu vào bờ an toàn. Nhưng thời gian trôi đi, con tàu của “thuyền trưởng” Sepp Blatter đang càng chìm nghỉm gắn với những bê bối của chính ông và các đồng sự.

Con tàu do Blatter chèo lái đang bị nhấn sâu thêm khi Chủ tịch FIFA đã phải gặp các nhân viên điều tra của bộ Tư pháp Thụy Sĩ để làm việc. “Sinh mệnh chính trị” của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, sau quyết định đình chỉ công tác trong 90 ngày. Theo thông báo của Ủy ban Đạo đức FIFA, ông Blatter bị đình chỉ chức vụ để điều tra làm rõ hai sự việc.

Thứ nhất, ông Blatter bị nghi ngờ bán bản quyền truyền hình các kỳ World Cup 2010 và 2014 ở khu vực Caribbe hồi năm 2005 cho ông Warner, khi đó là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá vùng Caribbe (CFU) với mức phí rất thấp. Đổi lại, ông Blatter sẽ nhận được số phiếu ủng hộ của ông Warner trong cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA.

Thứ hai, ông Blatter còn bị nghi ngờ “hối lộ” Micheal Platini 2 triệu USD vào năm 2011 dưới danh nghĩa của FIFA, cũng để đổi lấy sự ủng hộ của vị Chủ tịch UEFA.

Theo nguyên tắc, việc đầu tiên ở đại bản doanh FIFA lúc này là Ủy ban đạo đức của FIFA phải đình chỉ công việc của Blatter. Cũng trong tháng này, tổng thư ký FIFA, ông Jerome Valcke - cánh tay phải của Blatter đã bị đình chỉ công việc vì cáo buộc liên quan đến chuyện phân phối vé xem World Cup ra chợ đen.

Liên quan đến vụ việc, ông Platini cũng “chịu chung số phận” với Blatter khi bị cho ngừng công việc 90 ngày để phục vụ việc điều tra. “Cánh cửa” trong cuộc chạy đua chức Chủ tịch FIFA vào đầu năm 2016 đã “đóng sầm” ngay trước mắt Platini, dù trước đó, ông còn được xem là ứng viên sáng giá cho vị trí này.

Sepp Blatter và Michel Platini đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ hoàn toàn tương lai chính trị của họ sau khi nguồn tin từ nội bộ FIFA cho biết Ủy ban đạo đức của FIFA đã nhận được bằng chứng bí mật mới về những sai phạm tài chính liên quan tới 2 nhân vật quyền lực nói trên.

Ngoài 2 vị quan chức trên, Uỷ ban Đạo đức cũng ra quyết định kỷ luật đối với Phó chủ tịch FIFA- ông Chung Mong-Joon. Ông Chung bị cấm hoạt động liên quan đến bóng đá trong 6 năm và bị phạt 100.000 franc Thụy Sĩ (102.677 USD) vì “sự ủng hộ” dành cho chiến dịch đăng cai World Cup 2018 và 2022 của Hàn Quốc.

Trong khi đó, Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke (người đã bị đình chỉ công tác trước đó) cũng nhận thêm thông báo án phạt có hiệu lực trong 90 ngày. Mới nhất, hôm 13/10, ông Worawi Makudi - Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan trở thành quan chức bóng đá tiếp theo bị Ủy ban Đạo đức FIFA đình chỉ công tác trong 90 ngày.

Ông Worawi Makudi từng là cựu thành viên của Ủy ban điều hành FIFA. Tính thới tháng 5 vừa qua, ông đã có 18 năm làm việc trong Ủy ban Đạo đức của FIFA. Ông Worawi Makudi phải nhận án kỷ luật là bởi vi phạm quy tắc ứng xử và đang trong quá trình phục vụ công tác điều tra của FIFA.

Ai sẽ thay?

Ngay sau án phạt với Blatter, FIFA đã nhanh chóng đưa Issa Hayatou ngồi vào ghế chủ tịch tạm quyền và tuyên bố rõ ràng rằng Blatter “phải giao phó lại mọi quyền hạn”.

Issa Hayatou hiện chỉ huy con tàu đang trôi, không chỉ trong 3 tháng tới, bởi trong trường hợp cả Blatter lẫn Platini không “thoát nạn” thì ông sẽ là nhân vật số 1 được giao phó cho sứ mệnh quản lý FIFA.

Tuy nhiên, “đây chỉ là một con voi nhất thời”, Sepp Blatter tuyên bố hoàn toàn có căn cứ, do sức khỏe khá mong manh của Issa Hayatou ở cái tuổi 69. Nó khó có thể cho phép ông là một “chiến binh thép” trong cuộc chiến nội bộ vô cùng phức tạp của cơ quan điều hành bóng đá lớn nhất hành tinh.

Cùng với đó, bản thân ông này trong quá khứ cũng nhiều lần bị tố lem nhem chuyện tiền bạc. Issa Hayatou từng bị tố cáo tham nhũng số tiền khoảng 1,5 triệu USD vào năm 2010 liên quan đến việc bỏ phiếu cho Qatar đăng cai World Cup 2022.

Cũng trong năm 2011, Issa Hayatou bị Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) khiển trách, sau khi ông thừa nhận vào năm 1995 đã bỏ túi khoản hoa hồng 17.000 USD từ công ty tiếp thị thể thao ISL nhân sự kiện kỷ niệm 40 năm thành lập CAF.

Với một bản lý lịch như thế, rất khó để tin tưởng rằng Issa Hayatou là một nhân vật đủ trong sạch để cầm đầu FIFA. Có thể cũng lại vào một ngày không xa, khi cả Blatter lẫn Michel Platini đều hết cơ hội nắm ghế chủ tịch FIFA, nhưng chuyện gì sẽ diễn ra nếu như người tạm điều hành FIFA, Issa Hayatou cũng bị kết tội tham nhũng?

Cái tên tiếp theo trong danh sách “thuyền trưởng” tạm thời là Angel Maria Villar người Tây Ban Nha, một phó chủ tịch FIFA khác. Ông ta là người dẫn đầu một đội chống lại cuộc điều tra nội bộ FIFA do nhà điều tra độc lập Michael Garcia tiến hành. Villar là người nỗ lực nhất trong việc đóng lại cuộc điều tra này và ngăn chặn báo cáo điều tra phát hành ra ngoài.

Tiếp theo là Marco Polo Del Nero người Brazil. Ông này không nằm trong số 14 nhân vật bị cảnh sát Thụy Sĩ và bộ Tư pháp Mỹ phối hợp bắt giữ ngày 27/5. Nhưng sau cuộc vây bắt đó, Del Nero chuồn ngay khỏi đại bản doanh FIFA ở thành phố Zurich. Từ đó, ông ta không dám rời Brazil vì sợ tráp tòa án nào đó sẽ gí vào mặt mình nếu ra nước ngoài. Tạm điều hành FIFA từ sau cánh cửa khóa chặt ở Brazil có vẻ khó đối với Del Nero.

Vậy thì ai sẽ điều hành “con tàu” FIFA khi “thuyền trưởng” Blatter bị buộc rời khỏi boong tàu? “Chỉ có một giải pháp là FIFA được điều hành tạm bởi một tổ chức độc lập”, ông Greg Dyke - Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bóng ma tham nhũng ám ảnh FIFA

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO