Chống doping, tưởng dễ mà khó

Việt An 03/03/2019 09:00

Công tác kiểm tra doping là một trong những vấn đề “nóng” nhất không chỉ của thể thao Việt Nam (TTVN) mà của các quốc gia trên thế giới. Ngoài vấn đề phạm luật thi đấu dẫn đến bị cấm thi đấu có thời hạn hoặc vĩnh viễn, 1 VĐV bị “dính” doping còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự quốc gia đó.

Chống doping, tưởng dễ mà khó

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền - Trưởng phòng Y học thể thao thuộc trung tâm HLTTQG Nhổn, phần lớn các VĐV Việt Nam khi dính chất cấm đều bị sốc, có người không hiểu vì sao lại “dính”. Tất cả đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và nguy hiểm hơn là sự thiếu chuyên nghiệp từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống hàng ngày.

Trước khi tham dự các kỳ đại hội lớn, hầu hết VĐV trọng điểm của Việt Nam đều được thử doping theo yêu cầu của Hiệp hội Chống doping thế giới (WADA). Kết quả xét nghiệm này sẽ được WADA công bố trước khi các VĐV tham gia thi đấu. Tuy nhiên, việc kiểm tra như vậy rất bị động, bởi các VĐV chỉ bị kiểm tra ngẫu nhiên và phải chờ kết quả từ WADA trong thời gian khá lâu.

Vài năm gần đây, ngành Thể thao đã ý thức được tác hại từ việc sử dụng doping nên đã xây dựng Trung tâm Kiểm tra doping với kinh phí rất lớn tại Hà Nội, để không chỉ làm xét nghiệm các mẫu thử trong nước mà còn của cả quốc tế. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên trung tâm cũng chỉ hoạt động ở mức… cho có.

Nguyên Phó giám đốc Trung tâm doping và y học thể thao Nguyễn Xuân Ninh từng chia sẻ với báo chí rằng trong vài năm trở lại đây, ở Việt Nam hầu như năm nào cũng có VĐV vi phạm về phòng chống doping. Những VĐV sử dụng chất thuộc nhóm gây nghiện như bột đá, heroin làm tăng hưng phấn thần kinh, hoặc tiêm hormone giới tính nam nhằm làm cho cơ bắp to khỏe hơn... thường sau 6 tháng đến 1 năm sử dụng cơ thể có những biến chứng khó lường.

Những trường hợp VĐV bị dương tính với các chất bị cấm trong thể thao có thể là do: cố tình sử dụng và chủ quan vì nghĩ rằng mình sẽ không bị kiểm tra, hoặc vô ý sử dụng, chẳng hạn như dùng thuốc cảm mà không quan tâm dược chất của thuốc đó có chứa chất cấm.

TTVN đã chính thức ký vào công ước quốc tế trong việc chống doping trong thể thao. Chính vì vậy, những nhà quản lý và những chuyên gia đầu ngành như ngồi trên đống lửa trước tình trạng dùng chất cấm, không ai kiểm soát như thời gian qua. Thế nhưng, các quan chức đầu ngành cũng phải thừa nhận, việc xây dựng các trung tâm kiểm tra là cần thiết nhưng không có kinh phí, nên chủ yếu vẫn phải trông chờ vào ý thức, sự chuyên nghiệp của các VĐV là chính. Đơn giản bởi không phải lúc nào HLV hay nhà quản lý cũng phải đi kè kè bên cạnh xem VĐV uống gì, ăn gì.

Ông Đỗ Đình Kháng, Vụ phó Vụ Thể thao thành tích cao 2 kiêm Trưởng bộ môn Cử tạ Tổng cục TDTT, cho biết: “Trong suốt quá trình VĐV tập huấn tại đội tuyển hay trước khi họ về lại địa phương, chúng tôi luôn dặn dò rất kỹ và cũng luôn nhấn mạnh: doping là vấn đề rất nghiêm trọng, là vấn nạn của thể thao thành tích cao. Nên VĐV phải vì chính mình và vì danh dự quốc gia mà hết sức thận trọng trong sử dụng thuốc cũng như khi ăn uống vì dễ bị dính phải chất cấm”.

TTVN - từ các nhà quản lý tới VĐV - vẫn hoàn toàn bị động trước vấn đề doping, nên đây vẫn là một vấn nạn và là “bóng ma” ám ảnh…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống doping, tưởng dễ mà khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO