Đưa di tích thành Điện Hải trở về nguyên trạng

Thanh Tùng (thực hiện) 16/11/2017 09:00

Ngày 15/12 tại TP Đà Nẵng diễn ra hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải” quy tụ gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu về văn hóa - lịch sử.

Đưa di tích thành Điện Hải trở về nguyên trạng

Ông Huỳnh Văn Hùng.

Hội thảo được tổ chức sau khi thành Điện Hải được Hội đồng di sản văn hóa quốc gia họp, thống nhất đề nghị Thủ tướng công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Hùng- giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao.

PV:Hiện thành Điện Hải bị hủy hoại và xuống cấp như thế nào, thưa ông?

Ông Huỳnh Văn Hùng: Hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải” thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học về văn hóa – lịch sử trước sự sống còn của di tích có một không hai này.

Nó cũng cho thấy sự lo lắng của những nhà khoa học hàng đầu về văn hóa, lịch sử trước sự hủy hoại và xuống cấp hết sức nghiêm trọng của thành Điện Hải. Điện Hải đã trải qua nhiều thăng trầm, nhất là sau khi Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp. Trong quá trình đồn trú ở đây, người Pháp đã phá hủy hoàn toàn các kiến trúc bên trong thành.

Năm 1988 thành Điện Hải được công nhận là Di tích cấp quốc gia nhưng nhiều đoạn tường, hào rãnh phía Bắc, phía Tây Nam vẫn tiếp tục bị đập phá. Nhà nguyện do người Pháp xây dựng từ năm 1900 cũng bị đập bỏ. Trong vòng 10 (từ năm 1988 đến năm 1998), khu vực bảo vệ 1 và 2 của di tích thành Điện Hải mọc lên các công trình xây dựng kiên cố, quy mô, chiếm diện tích lớn. Đập bỏ hay di dời các công trình này là việc làm… không tưởng!

Đơn cử như tòa nhà Trung tâm hành chính TP cao 37 tầng và cao ốc Trung tâm công nghệ phần mềm Đà Nẵng. Trong khuôn viên thành Điện Hải hiện nay còn có khối nhà đồ sộ của bảo tàng Đà Nẵng, không liên quan gì đến di tích. Có thể nói thành Điện Hải không chỉ hứng chịu những loạt đại bác xâm lăng mà còn phải hứng chịu sự hủy hoại không thương tiếc trong gần 4 thập kỷ qua.

Đưa di tích thành Điện Hải trở về nguyên trạng - 1

Thành Điện Hải đang bị xâm hại.

TP Đà Nẵng mà cụ thể là ngành văn hóa đã làm gì để khôi phục, phát huy giá trị của thành Điện Hải trước và sau khi trở thành Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, thưa ông?

- Thành Điện Hải trở thành Di tích văn hóa cấp quốc gia đặc biệt chỉ còn là vấn đề thời gian. Từ năm 2016, Sở Văn hóa – Thể thao đã đề nghị lãnh đạo TP xem xét lại giá trị văn hóa - lịch sử của thành Điện Hải để có giải pháp quản lý, bảo vệ di tích có một không hai này.

Năm 2017, hơn 80 hộ dân sống quanh bờ tường phía Tây của di tích đã được giải tỏa, di dời. Lãnh đạo TP cũng đã quyết định dừng công trình Trung tâm lưu trữ ở phía Bắc thành Điện Hải đồng thời phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi Thành Điện Hải gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2017 – 2019) thực hiện giải phóng mặt bằng, di dời gần 100 hộ dân khỏi thành Điện Hải, tháo dỡ các yếu tố kiến trúc không nguyên gốc, phục hồi kè hào như nguyên trạng, tạo không gian đệm cho di tích.

Giai đoạn 2 (2019 – 2021), sẽ cho di dời khối nhà bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi thành Điện Hải, tôn tạo các yếu tố gốc trong khu vực nội thành, xây dựng các khu phụ trợ nhằm phát huy giá trị di tích.

Quá trình phục hồi các yếu tố gốc của thành Điện Hải phải được tính toán hết sức kỹ càng, tránh cho di tích bị biến dạng thô thiển và phải trả giá đắt cho tương lai.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thành Điện Hải là di tích hiếm hoi còn sót lại từ buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược nước ta giữa thế kỷ XIX. Đây là biểu tượng về lòng yêu nước, đức hy sinh của mọi người dân Việt Nam, trong đó có người Đà Nẵng. Thành Điện Hải được khởi công từ năm Gia Long thứ 12 (1813), ở gần bờ biển. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), thành được dời vào sâu hơn (ở vị trí như bây giờ) và được xây kiên cố bằng gạch theo kiểu thành Vauban của châu Âu, chu vi 139 trượng (556m), xung quanh có hào sâu 7 thước, cao 1 trượng 2 thước (gần 5m), cửa chính ở phía Nam, cửa còn lại ở phía Đông nhìn xuống sông Hàn. Trong thành có hành cung, kỳ đài, cơ sở chứa lương thực, thuốc súng, đạn dược. Thành hình vuông có 4 góc lồi, được trang bị 30 đại bác cỡ lớn…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa di tích thành Điện Hải trở về nguyên trạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO