Những chuyện cảm động ở SEA Games

An Chi (từ Kuala Lumpur Malaysia) 27/08/2017 08:56

Hầu như VĐV Việt Nam nào sau khi giành HCV, cũng lao đến ôm lấy thầy của mình đầu tiên để chia vui, có người khóc nức nở. Ăn tập với nhau nhiều năm, tình cảm thầy trò của họ luôn thiêng liêng và gần gũi. Có những câu chuyện rất cảm động về tình thầy trò, khiến người ta quên đi những trò đấu đá ở sân chơi “ao làng” SEA Games.


Nguyễn Thị Huyền và HLV Vũ Trọng Lợi.

Thầy ơi, thầy đâu rồi!
Trên sân vận động Bukit Jali đầy ánh sáng và tiếng hò reo, Nguyễn Thị Huyền băng về đích đầu tiên ở nội dung sở trường 400m rào. VĐV người Nam Định không chỉ giành HCV, mà còn phá kỷ lục SEA Games.

Hàng chục phóng viên báo chí “quây” lấy Huyền để chụp ảnh, phỏng vấn, nhưng cô gái vàng của điền kinh Việt Nam lại dường như không mấy quan tâm. “Thầy ơi, thầy đâu rồi”, Nguyễn Thị Huyền gọi HLV Vũ Trọng Lợi. Rồi Huyền gạt đám phóng viên đang bu quanh để lao lên sát hàng rào ngăn cách khán đài với sân thi đấu.

Hành động của Huyền khiến giới truyền thông Việt Nam bất ngờ. Cô gái xinh đẹp của đội tuyển điền kinh Việt Nam từng biết đến là VĐV thích lên hình, lên báo, thậm chí còn có ý định “tấn công” showbiz, sau thành công vang dội ở SEA Games 28 hai năm trước.

Nhưng trong thời khắc giành chiến thắng ở SEA Games năm nay, Huyền chỉ nghĩ tới thầy của mình, chứ không còn làm duyên, làm dáng trước ống kính.

Cây chuyện về tình thầy trò của Huyền và HLV Vũ Trọng Lợi trải qua nhiều sóng gió. Chính HLV Trọng Lợi từng là người đã gửi đơn tố cáo lên lãnh đạo ngành TDTT chuyện cô học trò “vượt rào trốn trại”, bỏ bê tập luyện. Sự sa sút kéo dài của Huyền khiến lãnh đạo điền kinh Việt Nam gạch tên cô khỏi danh sách đầu tư trọng điểm của ngành năm 2017. Đó là thời điểm mà thành tích của Nguyễn Thị Huyền xuống tới đáy, khi cô sống trong ánh hào quang của nhà vô địch SEA Games 2015.

Tố cáo học trò, nhưng cũng chính HLV Vũ Trọng Lợi là người đã kéo Nguyễn Thị Huyền trở lại mặt đất, huấn luyện cô từng bước để tìm lại phong độ, để rồi cô gái người Nam Định đã có một năm 2017 toả sáng, ở cả sân chơi châu lục và giờ là SEA Games.

“Sau SEA Games 2015 thầy trò mình gặp trục trặc với nhau. Có thể là khi đó Huyền còn trẻ để hiểu mọi điều, trong khi thầy thì lo cho mình thôi nên đã có một vài lá đơn hay câu nói với Huyền là khó nghe. Nhưng đó có thể là những lời thức tỉnh đối với Huyền. Huyền rất thương thầy bởi vì sau chuyện đó thầy vẫn cặm cụi bên Huyền. Huyền muốn khẳng định với thầy rằng mình đã cố gắng rất nhiều”, nhà vô địch SEA Games 400m rào nghẹn ngào chia sẻ.

Người mẹ thứ hai

Cái ôm thật chặt và nụ hôn của hạnh phúc được thầy trò “nữ hoàng điền kinh” mới Lê Tú Chinh thể hiện giữa SVĐ quốc gia Malaysia khiến ai cũng phải cảm động. Đối với Tú Chinh, HLV Thanh Hương như người mẹ thứ hai của cô nên mỗi khi giành huy chương, người mà Tú Chinh chia sẻ đầu tiên và thân mật nhất là HLV của mình.

Khi nhà vô địch Lê Tú Chinh bước lên bục nhận huy chương, phía dưới HLV Thanh Hương đứng ngồi không yên. Bà chụp ảnh học trò rồi lại dạy cách khoác cờ, cách giang tay để tạo dáng. Rồi sau đó cả hai thầy trò lại ôm nhau khóc nức nở. Thành quả quá ngọt ngào sau những ngày gian khổ tập luyện, cùng chia sẻ những khó khăn để bước lên đỉnh vinh quang ở sân chơi khu vực, khiến HLV Thanh Hương và cô học trò Lê Tú Chinh càng thêm gắn bó.


Hai cô trò Thanh Hương - Tú Chinh.

HLV Thanh Hương cho biết bà không chỉ dạy Tú Chinh chạy mà còn thương cô như con đẻ. Bà nấu ăn cho học trò, tâm sự những chuyện thầm kín nhất của người phụ nữ. “Tú Chinh chỉ về nhà ngủ tối thôi, còn hai cô trò gắn bó với nhau hết thời gian còn lại trong ngày”, HLV Thanh Hương bật mí.

Còn với Tú Chinh, cô gái người TP. Hồ Chí Minh luôn coi HLV Thanh Hương như người mẹ thứ 2, ngay từ những ngày đầu hai thầy trò cùng tập luyện. “Tôi mất mẹ từ 12 năm trước. Cảnh mồ côi mẹ khổ lắm, nhiều chuyện chẳng biết tâm sự cùng ai. May mắn tôi gặp cô Thanh Hương. Cô thương tôi như con, không những chỉ dạy tôi điền kinh mà còn chăm sóc mọi mặt trong cuộc sống”, Tú Chinh chia sẻ.

Điều rất đặc biệt là HLV Thanh Hương cũng mồ côi mẹ, nên cả hai sớm tìm được tiếng nói chung và ngày càng trở nên thân thiết. Dưới sự dẫn dắt của người thầy và cũng là “người mẹ thứ hai”, Tú Chinh nhanh chóng tiến bộ. Năm 2015, cô được gọi lên tuyển trẻ quốc gia. Năm 2016, Tú Chinh giành HCV 100 m và 200 m nữ ở giải vô địch quốc gia, qua đó, lặp lại thành tích của chính cô Thanh Hương hồi năm 1995. Tại giải điền kinh Thái Lan mở rộng hồi tháng 6, Tú Chinh giành HCV 100 m với thành tích 11 giây 47, vượt xa thành tích SEA Games 2013 của huyền thoại Vũ Thị Hương (11 giây 59).

Và đúng như dự đoán của giới chuyên môn, Lê Tú Chinh đã thống trị đường chạy ngắn (100m và 200m) tại SEA Games 29. Trong thành công ấy, “Nữ hoàng tốc độ” mới của điền kinh Việt Nam chỉ nghĩ đến thầy của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những chuyện cảm động ở SEA Games

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO