Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic 2020: Từ tấm vé 'mở hàng' của Huy Hoàng

Gia Phong 29/07/2019 06:00

Tin vui với làng thể thao Việt Nam, kình ngư trẻ Nguyễn Huy Hoàng đã đem về suất đầu tiên dự Olympic Tokyo 2020 sau khi đứng thứ 15 chung cuộc ở vòng loại bơi 800m tự do tại giải vô địch thế giới. Sau khi có tấm vé “mở hàng” ở bơi lội, đoàn thể thao Việt Nam kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu giành trên 20 suất chính thức từ những niềm hy vọng khác ở điền kinh, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ…

Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic 2020: Từ tấm vé 'mở hàng' của Huy Hoàng

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng trở thành VĐV đầu tiên của thể thao Việt Nam giành suất chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020.

Huy Hoàng suýt giành “cú đúp”

Với thành tích 7 phút 52 giây 74 ở nội dung 800m tự do tại Giải vô địch thế giới, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đã trở thành VĐV đầu tiên của thể thao Việt Nam đạt chuẩn A, giành suất chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020.

“Đây là điều đã được dự đoán từ trước bởi Huy Hoàng từng đạt thành tích 7 phút 50 giây 20 nội dung 800m tại Olympic trẻ 2018, vượt qua chuẩn A Olympic Tokyo 2020 nhưng đó không phải giải đấu mà FINA (Liên đoàn Bơi lội Thế giới) tính chuẩn Olympic. Xét ở bình diện châu Á, Huy Hoàng chỉ thua kém Sun Yang của Trung Quốc (cán đích thứ 8 với 7 phút 48 giây 12) và giữ vững số 1 Đông Nam Á”- ông Nguyễn Trọng Hổ- Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục Thể dục Thể thao) chia sẻ.

“Tôi thực sự rất vui và hạnh phúc khi biết tin mình đã đạt chuẩn A để dự Olympic 2020 tại Nhật Bản. Bản thân tôi đã cố gắng rất nhiều để có được thành quả này. Đây là mong ước của mọi kình ngư trên thế giới, để góp mặt tại Thế vận hội thể thao lớn nhất thế giới này”- Huy Hoàng chia sẻ sau khi có suất dự Olympic 2020.

Khá đáng tiếc với Huy Hoàng bởi ở nội dung thứ 2 mà anh tham dự tại Giải vô địch thế giới là 1.500 m tự do, đã không đạt thành tích như mong muốn. Xuất phát ở làn bơi số 9 ở lượt bơi thứ 3 vòng loại, Huy Hoàng phân phối sức khá tốt, cán đích hạng 7/10 đồng thời xếp hạng 14/35 sau vòng loại với thành tích 15 phút 2 giây 35.

Thành tích trên chưa đủ giúp Huy Hoàng vào vòng chung kết dành cho 8 gương mặt xuất sắc nhất nhưng anh được ghi nhận là VĐV châu Á có thứ hạng tốt nhất. Thành tích này của Huy Hoàng cũng chỉ kém một chút so với thành tích 15 phút 1 giây 63 từng giúp anh đoạt HCB ASIAD 2018.

Từ câu chuyện của điền kinh đến thể thao Việt Nam

Tại giải điền kinh vô địch châu Á 2019, VĐV Quách Thị Lan đã mang về tin vui cho điền kinh Việt Nam khi về nhất ở chung kết 400m rào nữ với thành tích 56 giây 10. Có thể nói, trong 2 năm trở lại đây, sự đầu tư trọng tâm và đúng hướng dành cho Quách Thị Lan đã mang về nhiều trái ngọt (trước đó là tấm HCB Asiad 2018 vừa được đôn lên giành HCV vì đối thủ dính doping). Và, rõ ràng những thành tích trên của VĐV người Thanh Hoá vượt xa tầm SEA Games. Đó là sân chơi Lan có thể lấy HCV dễ như lấy đồ trong túi.

Tuy nhiên, nếu chỉ đặt mục tiêu có huy chương ở SEA Games hay Asiad, Quách Thị Lan cùng điền kinh Việt Nam sẽ không thể vươn lên tầm thế giới hay Olympic. Cũng cần nhắc lại rằng thành tích của tấm HCV châu Á vừa qua của Lan vẫn còn kém chuẩn A Olympic 2020 tới 10% giây. Trong khi đó, các VĐV chủ lực khác của đội tuyển điền kinh Việt Nam như Lê Tú Chinh (100m, 200m), Nguyễn Văn Lai (5.000 m, 10.000 m), Nguyễn Thị Oanh (1.500 m), Phạm Thị Huệ (5.000 m và 10.000 m)… đều không có ai đạt chuẩn dự Thế vận hội.

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh, điền kinh là một trong những môn cơ bản nhất của Olympic, và cũng là môn có sự cạnh tranh cực khốc liệt, vượt qua vòng loại Olympic đã là một kỳ tích chứ chưa nói tới giấc mơ huy chương.

Còn Trưởng Bộ môn điền kinh Dương Đức Thuỷ chia sẻ rằng từ tháng 5/2019 tới giữa năm 2020 Việt Nam sẽ tham dự nhiều giải đấu có tính chất vòng loại, các VĐV có nhiều cơ hội để lấy vé dự Olympic. Song, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn khi ngay ở tầm châu Á, Việt Nam chưa thể bằng được với các VĐV Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Tây Á hay thậm chí là Thái Lan.

Tại Olympic 2016, điền kinh Việt Nam chỉ có 2 VĐV góp mặt là Nguyễn Thị Huyền (400 m và 400 rào) và Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ 20 km). Tuy nhiên sau đó khi thi đấu ở Brazil, cả hai đều sớm bị loại.

Theo ông Thuỷ, có một thực tế là chuẩn dự Olympic ngày càng khó. Mới đây, Liên đoàn điền kinh thế giới ban hành thành tích chuẩn dành cho các VĐV muốn tham dự Olympic 2020. Bảng thành tích này khiến giới chuyên môn khá sốc bởi nó... khó nhất từ trước đến nay.

Câu chuyện của điền kinh cũng là của bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ… Làm thế nào để đạt chuẩn dự Olympic vẫn là một bài toán lớn với thể thao Việt Nam, bởi như đã nói ở trên, độ khó và sự cạnh tranh ngày một lớn, trong khi sự đầu tư của ngành thể thao với các VĐV chủ lực vẫn chỉ ở mức cho có.

* Ánh Viên không có vé dự Olympic 2020

Gương mặt đáng chờ đợi nhất của bơi lội Việt Nam ở giải vô địch thế giới là Nguyễn Thị Ánh Viên đã thi đấu không thành công, thậm chí thành tích còn thấp ngoài sức tưởng tượng của giới chuyên môn.

Cụ thể, kình ngư Việt Nam xếp cuối cùng ở lượt bơi thứ 3 và hạng 19 chung cuộc với thời gian 4 phút 47 giây 96, không đủ điều kiện đạt chuẩn B tại vòng loại Olympic (4 phút 46 giây 89).

Trước đó, tại vòng loại nội dung 200 m hỗn hợp cá nhân, Ánh Viên xếp hạng 26 với thời gian 2 phút 17 giây 79. Ở 2 nội dung tham dự, kình ngư hàng đầu Việt Nam đều không đạt chuẩn tham dự Olympic Tokyo 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic 2020: Từ tấm vé 'mở hàng' của Huy Hoàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO