Tranh cãi độ tuổi tham dự SEA Games: Được và mất

An Chi 11/11/2015 09:20

Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) vừa đề xuất phương án giảm độ tuổi các cầu thủ tham dự môn bóng đá xuống thành U21 thay vì U23 sẽ bắt đầu áp dụng từ kỳ SEA Games 29 vào năm 2017 tổ chức tại Malaysia. Đề xuất này ngay lập tức gây tranh cãi lớn từ các liên đoàn thành viên, trong đó có Việt Nam.

Dù thế nào cũng cần phải quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo thế hệ trẻ.

Lý giải về đề xuất này, Tổng thư ký AFF ông Datuk Azzuddin Ahmad cho biết mục đích của việc hạ độ tuổi các cầu thủ xuống còn 21 là để cho các cầu thủ trẻ có thêm cơ hội để cọ xát. Ngoài ra, việc khống chế độ tuổi dưới 21 cũng là để các nước trong khu vực Đông Nam Á chuẩn bị cho Olympic 2020 diễn ra ở Nhật Bản.

Dù đã có đề xuất nhưng phương án này của AFF vẫn chưa chính thức được thông qua. AFF phải nhận được sự đồng ý của các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Quan trọng nhất là Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) - đơn vị sở hữu SEA Games, mới là người có tiếng nói quyết định tới việc có hay không giới hạn độ tuổi cầu thủ xuống còn dưới 21 thay vì 23 như trước.

Việc giảm độ tuổi cầu thủ tham dự SEA Games đang tạo nên những phản ứng trái chiều từ người trong cuộc. Nước chủ nhà SEA Games 29 là Malaysia là người ủng hộ đầu tiên. Điều đó không có gì lạ khi đội U23 nước này vừa bị giải tán sau thất bại nặng nề ở các giải trẻ gần đây.

Thái Lan cũng cho thấy sẵn sàng ủng hộ phương án mới này của AFF. Tờ Bưu điện Bangkok dẫn lời của cựu HLV U19 Thái Lan Sasom Pobprasert cho biết: “Tôi tán thành với quyết định mới từ Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á, việc tổ chức một sân chơi cho lứa U21 đáng lẽ cần làm sớm hơn khi chúng ta đã nhiều lần tổ chức các giải vô địch cho lứa tuổi U19. Thái Lan có một dàn cầu thủ trẻ đồng đều và chúng tôi sẽ không e ngại bất cứ đối thủ nào trong khu vực”.

Thực tế, không phải quốc gia nào cũng có khâu đào tạo bóng đá trẻ được làm tốt như Thái Lan. Với nhiều quốc gia còn lại, đề xuất trên được cho là không khả thi và có nhiều bất cập. Phía Liên đoàn Myanmar cho biết việc AFF rút ngắn tuổi tham dự SEA Games sẽ là một bất lợi cho bóng đá Myanmar. Bởi quốc gia này đang mơ tới việc đổi màu huy chương nhờ lứa cầu thủ từng tham dự vòng chung kết U20 thế giới vừa qua.

Một quốc gia khác cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nếu AFF hạn chế tuổi của các cầu thủ tham dự chính là Singapore. Một quan chức Liên đoàn bóng đá Singapore cho rằng, sự thay đổi như đề xuất, sẽ khiến hệ thống đào tạo trẻ nước này bị phá vỡ. Singapore có thể sẽ không đủ cầu thủ tốt nhất của nhóm tuổi, phù hợp với giải đấu. Đây là một vấn đề mà có thể một số nước trong khu vực không gặp phải.

Về phía Việt Nam, cho đến thời điểm này, Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) không nhận được văn bản nào của SEAGF về thông tin muốn thay đổi độ tuổi của VĐV bóng đá nam tại SEA Games 28 trở về sau.

Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Các thành viên AFF trong đó có VFF chưa từng được ai lấy ý kiến về việc thay đổi nói trên. Trong trường hợp nếu có đề xuất thay đổi, quan điểm của VFF là bắt buộc phải có lộ trình chứ không thể áp dụng ngay ở SEA Games 2017 được”.
Ông Dương Vũ Lâm - ủy viên BCH AFF cho biết, đây mới là đề xuất của Hội đồng thể thao Đông Nam Á, và AFF chỉ mới được thông báo thông tin trên. Ông Lâm nhấn mạnh: “Lộ trình vài năm đấy là khoảng thời gian cần thiết để các nền bóng đá ở Đông Nam Á chuẩn bị đầy đủ lực lượng cầu thủ, đạt chất lượng đúng yêu cầu để tham dự môn bóng đá nam tại SEA Games”.

Như vậy, mỗi quốc gia đều có những mặt được và mất khi SEA Games giới hạn độ tuổi cầu thủ xuống còn 21. Vấn đề còn lại là các nước sẽ chuẩn bị như nào, cần phải theo một lộ trình ra sao để sẵn sàng khi AFF đưa quy định mới này áp dụng vào một kỳ SEA Games gần nhất.

Thực tế, ngay ca khi đề xuất của AFF chưa được SEAGF thông qua, nhưng khâu đào tạo trẻ, chuẩn bị lực lượng cho các đội tuyển trẻ dưới U21 cần phải làm hết sức nghiêm túc. Nếu SEA Games dành cho lứa U21 thay vì U23, chúng ta có lẽ cũng chỉ nên đánh giá đấy là một giải đấu trẻ cấp khu vực, nơi thậm chí nếu giành ngôi cao ở giải đấu đấy, cũng chưa chắc có thể khẳng định rằng chúng ta là số 1.

Nói cách khác, bóng đá Việt Nam cần nghĩ xa hơn sân chơi SEA Games, tầm ASIAD chẳng hạn, bởi đây là giải đấu U23 Việt Nam từng vào tới tứ kết năm 2014.

Bấy lâu nay bóng đá Việt Nam sa sút là vì chất lượng cầu thủ, chất lượng đào tạo trẻ xuống quá thấp. Nếu quy định của AFF được áp dụng, đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại mình để “trẻ hóa” cho nền bóng đá, thay vì cứ lo sẽ không giành được HCV ở sân chơi khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh cãi độ tuổi tham dự SEA Games: Được và mất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO