Thêm 9000 tiến sĩ: Chất lượng đại học có tăng?

Thu Hương 23/11/2017 08:40

Mục tiêu cuối cùng của việc nâng tỷ lệ giảng viên đại học (ĐH) có trình độ tiến sĩ (TS) lên 30% như đề án chi 12 nghìn tỷ đồng cho đào tạo mới 9000 tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đó là: nhằm nâng chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam. Một băn khoăn đang được đặt ra là điều này có thực sự đảm bảo?

Làm thủ tục nhập học trường ĐH Duy Tân (Ảnh: Nguyễn Hà).

Bắt đầu từ xây dựng đội ngũ giảng viên

Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện nay tỷ lệ giảng viên ĐH có trình TS ở nước ta khoảng 21%, là thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nên phải nâng tỷ lệ này lên. Với 9000 TS như trong đề án đang được Bộ đề xuất, nếu thành công sẽ nâng tỷ lệ này lên thành 30%.

Theo PGS TS Phạm Bích San- Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển không chỉ giáo dục mà bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với đề án thêm 9000 TS, mặc định tất cả 9000 TS này đều đạt chuẩn thì cũng chưa thể khẳng định chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam vì thế sẽ tăng lên bởi trong thực tế, vẫn còn có những tỷ lệ rủi ro nhất định.

“Chúng ta vẫn nghĩ là cứ tăng được số lượng TS thì chất lượng giáo dục ĐH sẽ tăng. Nhưng câu chuyện này không phải là mối quan hệ tuyến tính như thế. Có thể chất lượng sinh viên có lên nhưng cũng có khi đi xuống, không ai khẳng định chắc chắn được. Tuy nhiên, cần lưu ý việc chúng ta đào tạo ồ ạt ĐH nên mỗi năm đang thừa ra 250 nghìn cử nhân và thạc sĩ không có việc làm, đó là chưa kể đến những cử nhân thạc sĩ đi bán hàng, làm trái ngành trái nghề”- ông San nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhìn vào đề án có thể thấy mục tiêu tăng thêm 9000 TS đã rõ, nhưng chất lượng của 9000 TS này lại không được cam kết khiến dư luận không thể bớt lo lắng.

GS TS Nguyễn Thị Hoàng Yến- nguyên phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, người trực tiếp tham gia khảo sát hơn 2.000 lưu học sinh được đào tạo tại nước ngoài năm 2016 cho biết 96% lưu học sinh đánh giá được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ và quan trọng hơn là có sự thay đổi về tư duy, tầm nhìn, phương thức làm việc, nói chung là có sự thay đổi mang tính “bước ngoặt” đối với cá nhân.

Trung bình có 8,1 bài/người đã công bố các công trình trên tạp chí trong nước. Đáng chú ý là có 3,4 bài/người đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI (các tạp chí khoa học có uy tín thế giới) và 2,6 bài/người đăng trên tạp chí quốc tế khác.

Một đóng góp rất quan trọng là các cán bộ được cử đi đào tạo sau khi hoàn thành lại là những “đại sứ,” “cầu nối” giúp các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong nước tiếp cận và mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu quốc tế.

Mặc dù nghiên cứu này thực hiện không chỉ ở các cơ sở giáo dục đào tạo mà tại nhiều cơ quan khác nhau nhưng có thể thấy bên cạnh những thay đổi từ cá nhân, việc được đào tạo ở nước ngoài cũng đem lại những hiệu quả kết nối giữa không chỉ người học mà là cơ sở cử người đi học và nơi tiếp nhận họ làm nghiên cứu sinh. Đây có thể cũng là khởi đầu cho những hợp tác quan trọng trong tương lai.

Nhìn từ phía các trường, PGS TS Hồ Viết Tiến- viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH, trường ĐH Kinh tế TP HCM cho rằng hiện nay các trường rất muốn thu hút những giảng viên được đào tạo ở nước ngoài nên việc Bộ GDĐT đề xuất một dự án hỗ trợ các giảng viên học TS trong và nước ở thời điểm này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đòi hỏi là rất hợp lý.

Trong đó, con số 5000 TS đào tạo ở nước ngoài nếu chia cho 100 trường ĐH thì thực chất cũng không nhiều, mỗi trường cũng chỉ có 50 giảng viên. Đó là chưa kể các Viện Hàn lâm và các cơ sở giáo dục đào tạo khác.

Vì vậy, để ngay lập tức đòi hỏi chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam tăng lên khi có thêm 9000 TS là không được mà đòi hỏi cả một quá trình với sự thay đổi của nhiều bộ phận, nhiều yếu tố, trong đó bắt đầu từ việc xây dựng một đội ngũ giảng viên ngang tầm thế giới.

Chọn đúng người, dùng đúng chỗ

Để đảm bảo đề án đạt được không chỉ mục tiêu về số lượng mà cả chất lượng, vấn đề tuyển chọn được người xứng đáng tham gia đề án được đặt lên hàng đầu.

Theo Bộ GDĐT, hiện nay Bộ đã ban hành quy chế đào tạo TS với yêu cầu cao hơn (chẳng hạn phải có thời gian học tập trung, có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế…) và đang siết chặt việc này thông qua việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên.

Nếu người đi học đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu thì sẽ được Nhà nước cấp học bổng, có thể toàn phần, có thể một phần. Đối tượng là tất cả mọi người, không phân biệt công lập hay tư thục.

Về phía các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm, chủ động để quy hoạch và phát triển đội ngũ, trong đó có đội ngũ giảng viên. Căn cứ vào đó thì Bộ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, chứ không phải là cử đi học, cắt biên chế để đi đào tạo xong không về.

Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo về đào tạo sau ĐH tổ chức tại trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội mới đây, đại diện trường ĐH Đà Nẵng cho rằng, ở góc độ vĩ mô, các nhà hoạch định chính sách phải dự báo được thị trường trước mắt và thị trường tương lai, trong đó xác định được nguồn nhân lực cần thiết ở lĩnh vực nào là bao nhiêu thay vì đào tạo ồ ạt cho đủ số lượng nhưng nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu.

“Có 1 số lĩnh vực ở trong một điều kiện nào đó chưa đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng đứng về phía Chính phủ,ở tầm vĩ mô thì đó là những ngành cần cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới thì vẫn cần đào tạo”- vị này nêu quan điểm.

Như vậy, bên cạnh việc đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đề ra, Bộ GDĐT cần cân nhắc cả các ngành, lĩnh vực được cử đi đào tạo bởi nếu phân bổ theo kiểu bình quân chủ nghĩa ngành nào cũng được, trường nào cũng được thì sẽ khó có được chất lượng đạt như kỳ vọng hoặc tạo ra những thay đổi bước ngoặt đối với giáo dục ĐH nói riêng và nền giáo dục nước nhà nói chung.

Ngoài ra, vấn đề hậu đào tạo làm sao để thu hút người giỏi trở về cũng cần được đặt ra. Bên cạnh cơ chế, chính sách đãi ngộ thì môi trường, điều kiện làm việc phát huy được trí tuệ và sự sáng tạo của trí thức cũng cần được các cơ sở giáo dục, đặc biệt là ban giám hiệu lưu ý.

Riêng về mức lương cho người có bằng TS hiện nay vẫn còn nhiều bất cập- nếu làm một phép so sánh với những lao động phổ thông không cần có trình độ cao, đầu tư chất xám nhiều.

Nhưng nói như ông Nguyễn Văn Nam- nguyên hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân, khi những TS này có đóng góp xứng đáng, hiệu quả làm việc được ghi nhận thì chắc chắn nhà trường không thể “thờ ơ” vì bất cứ cơ quan, đơn vị nào cũng không muốn mất người tài.

Ngược lại, khi đã nhận được hỗ trợ đi học từ Nhà nước, trở về ngay lập tức đòi hỏi mức lương cao hơn những người khác dù chưa biết hiệu quả làm việc đến đâu thì khó có đơn vị nào chấp nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm 9000 tiến sĩ: Chất lượng đại học có tăng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO