Thêm cơ hội cho ngư dân bám biển

Hồ Hương 19/10/2015 09:45

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 89/2015/NĐ-CP (Nghị định 89) về chính sách ưu đãi vay vốn đóng tàu vươn khơi, với nhiều sửa đổi thông thoáng hơn so với trong Nghị định 67 trước đây. Như vậy, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngư dân đã thông thoáng.  

Thêm cơ hội cho ngư dân bám biển

Nghị định 89/2015/NĐ-CP tạo cơ hội cho ngư dân
tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đóng tàu lớn.

Cơ chế đột phá cho ngư dân

“Đối với các chính sách khác tỷ lệ thực hiện còn “khiêm tốn”, ví dụ như chính sách tín dụng lưu động, các địa phương mới chỉ phê duyệt được 227 chủ tàu đủ điều kiện hưởng chính sách này. Trong khi, mỗi chuyến ra khơi, các ngư dân rất cần có vốn lưu động để đánh bắt xa bờ hiệu quả” - ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác.

Nghị định 89 có hiệu lực từ ngày 25/11 tới, đã có nhiều thay đổi về cơ chế cho vay, mức độ ưu đãi đối với các nhu cầu vay vốn, cũng mở rộng thêm đối tượng muốn được tiếp cận vốn. Nghị định mới được ban hành được kỳ vọng đưa thêm nguồn vốn cho những người có nhu cầu.

Cụ thể các chủ tàu đóng mới tàu bằng vỏ sắt hoặc vật liệu mới để đánh bắt hải sản xa bờ, làm dịch vụ tàu cá xa bờ khi vay vốn ưu đãi từ ngân hàng sẽ được kéo dài thời gian trả nợ từ 11 năm lên thành 16 năm.

Nếu đóng mới tàu bằng vỏ thép, vỏ vật liệu mới để làm dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; máy móc thiết bị bảo quản hải sản; bảo quản hàng hóa; bốc xếp hàng hóa) chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu chỉ trả lãi suất 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Trong trường hợp nếu đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV với mục đích khai thác hải sản xa bờ (bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản sản phẩm) chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm.

Với công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu sẽ được vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Với tất cả các trường hợp trên, thời hạn vay vốn được nhà nước hỗ trợ lãi suất sẽ được kéo dài thành 16 năm, thay vì chỉ 11 năm như quy định hiện hành. Mức 11 năm vẫn áp dụng với trường hợp vay vốn để đóng tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu.

Năm đầu tiên kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại.

Nghị định 89 cũng thoáng hơn về cơ chế, bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ gia cố tàu vỏ thép, tức là không chỉ đóng mới tàu mới được vay vốn, ngư dân muốn vay vốn để gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, khai thác, bảo quản sản phẩm, bốc xếp hàng hóa cũng được hỗ trợ vỗn. Trong các trường hợp này, chủ tàu cũng được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

Trường hợp đóng mới tàu bằng vỏ gỗ, mức tín dụng, hỗ trợ lãi suất và thời hạn vay vẫn được giữ nguyên như Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Trong suốt quá trình triển khai Nghị định 67 vừa qua còn tồn tại môt số bất cập. Chỉ mới có khoảng 200 hợp đồng tín dụng đã được ký kết với tổng dư nợ gần 2.000 tỷ đồng. Đã có 38 tàu được hạ thủy và đi vào hoạt động. Nhiều ngư dân chủ động làm hồ sơ vay vốn nhưng rồi chủ động rút hồ sơ do không thể đáp ứng được yêu cầu về vốn đối ứng cũng như phần lãi suất phải trả.

Trong khi đó theo thống kê, hiện cả nước có trên 28.000 tàu cá xa bờ, nhưng tàu vỏ sắt chiếm chưa đến 1%. Để khắc phục tình trạng tàu gỗ vươn khơi, giảm thiểu rủi ro về tính mạng và tài sản cho ngư dân, Chính phủ đã chủ trương đóng tàu vỏ sắt thay thế vỏ gỗ cho 3.000 tàu trên cả nước.

Thêm cơ hội cho ngư dân bám biển - 1

Hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển.

Mở cửa xuất khẩu thủy sản

Thời gian gần đây, xuất khẩu thủy sản có nhiều khó khăn . Các chính sách ưu đãi để phát triển thủy sản, rất hạn chế dịch vụ nghề cá và hậu cần kém phát triển. Tồn tại lớn nhất trong khai thác xa bờ là công nghệ bảo quản sau thu hoạch trên tàu vỏ gỗ của ngư dân quá thô sơ.

Ông Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Rủi ro lớn, chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn là nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong và ngoài nước chưa mặn mà đầu tư vào ngành thủy sản. Nếu có đầu tư, thì cũng chỉ vào những phân khúc hớt váng như thương mại thủy sản, thức ăn thủy sản. Hiện vốn đầu tư cho ngành thủy sản vẫn trông cậy chính vào đầu tư công”.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, cơ cấu vốn đầu tư cho thủy sản sẽ thay đổi theo hướng giảm dần vốn ngân sách nhà nước, tăng chính sách ưu đãi tín dụng và các chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư FDI, đầu tư theo hình thức đối tác PPP với sự tham gia của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

Định hướng được đưa ra cho ngành thủy sản là sẽ thay đổi cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung ưu tiên vốn cho hạ tầng thủy sản, dịch vụ hậu cần, các vùng nuôi tập trung, trung tâm giống… theo định hướng tập trung sản xuất thâm canh, áp dụng công nghệ cao, liên kết và tổ chức theo chuỗi sản phẩm. Theo đó, đầu tư cho khai thác hải sản tăng từ 27,88% lên khoảng 32%, cơ khí dịch vụ hậu cần tăng từ 16,18% lên 23%....

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm cơ hội cho ngư dân bám biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO