Thêm một cố vấn của ông Trump dính bê bối liên quan tới Nga

02/03/2017 19:11

Sau sự việc Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump phải từ chức hồi tháng trước vì cáo buộc liên lạc với giới chức Nga, thì Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions có khả năng trở thành người tiếp theo sau khi bị phát hiện có cuộc liên lạc với Đại sứ Nga từ trước khi ông Trump nhậm chức.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đang đối mặt với lời kêu gọi từ chức. (Nguồn: AP).

Ông Sessions, một người ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Donald Trump và một cố vấn chính sách của ông này từ lúc đang tranh cử, được cho là đã không tiết lộ về các cuộc thảo luận với quan chức Nga trong buổi trả lời nhậm chức tại Quốc hội Mỹ hồi tháng 1 vừa qua khi được hỏi rằng ông sẽ làm gì nếu như “có ai đó thuộc chiến dịch” có liên hệ với quan chức chính phủ Nga.

Lúc bấy giờ, ông Sessions chỉ trả lời rằng ông không hề liên lạc với phía Nga. Hôm 2/3, người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Sarah Isgur Flores, cũng khẳng định rằng “Không có bất cứ điều gì nhầm lẫn về câu trả lời của ông ấy”.

Thế nhưng tuyên bố này không làm thỏa mãn giới chính trị gia đảng Dân chủ, những người mà thời gian qua luôn kêu gọi mở một cuộc điều tra liên bang và đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng lãnh đạo của ông Sessions ở vị trí Bộ trưởng Tư pháp. Thủ lĩnh đảng Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, đã cáo buộc ông Sessions “nói dối trong lúc tuyên thệ” và yêu cầu ông này từ chức.

Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, ông Sessions nói rằng: “Tôi chưa từng gặp gỡ với giới chức Nga để thảo luận về các vấn đề của chiến dịch tranh cử. Tôi không hiểu cáo buộc này là như thế nào. Nó là một sai lầm”.

Trong khi đó, tờ Washington Post dẫn thông báo từ Bộ Tư pháp cho hay ông Sessions đã có hơn 25 cuộc đối thoại với các quan chức ngoại giao Nga trong năm ngoái khi còn là Thượng nghị sỹ và là thành viên của Ủy ban Các lực lượng vũ trang, và từng 2 lần gặp gỡ riêng với Đại sứ Nga, Sergey Kislyak.

Một cuộc gặp trong số này diễn ra vào tháng 9 năm ngoái khi ông còn là Thượng nghị sỹ, và đã có cuộc gặp với các đại sứ đến từ Anh, Trung Quốc, Đức cùng nhiều nước khác. Cuộc gặp còn lại diễn ra sau một bài phát biểu tại hội thảo do Heritage Foundation tổ chức mùa hè năm ngoái, khi mà một vài vị Đại sứ - trong đó có Đại sứ Nga - tiếp cận ông Sesion sau khi ông rời khán đài.

Vụ việc trên lần đầu tiên được công bố bởi tờ Washington Post, cùng lúc với thông tin có 3 quan chức khác tiết lộ rằng các luật sư Nhà Trắng đã khuyên các cố vấn của Tổng thống Trump che giấu các tài liệu có thể là bằng chứng liên quan tới việc Nga “can thiệp tiến trình chính trị Mỹ”.

Sau vụ việc, Nghị sỹ Adam Schiff, thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói rằng: “Nếu như các thông tin về việc ông Sessions gặp gỡ với Đại sứ Kislyak trong lúc thực hiện chiến dịch và không tiết lộ điều này trong lúc tuyên thệ, là thật thì ông ấy cần phải bị loại ra khỏi tiến trình điều tra về mối liên hệ giữa chiến dịch của ông Trump với phía Nga”.

Trong khi đó, trả lời trước báo giới trong hôm 1/3 về khả năng ông phải đứng ngoài cuộc điều tra này, ông Sessions nói: “Tôi sẽ tự gạt mình ra khỏi bất cứ thứ gì mà tôi nên làm thế”.

Được biết, trong buổi điều trần trước Quốc hội hồi tháng 1 để chính thức xác nhận chức vị của ông Sessions, Thượng nghị sỹ Al Franken từng đặt câu hỏi với ông Sessions về các cáo buộc các cố vấn của ông Trump liên lạc với Nga trong lúc diễn ra kỳ bầu cử Tổng thống. Ông hỏi ông Sessions rằng sẽ làm gì nếu như có bằng chứng cho thấy một quan chức thuộc đội ngũ của ông Trump từng liên hệ với chính phủ Nga trong lúc thực hiện chiến dịch.

Lúc đó, ông Sessions chỉ trả lời rằng ông “không hề biết về các hoạt động như vậy” thêm rằng “Tôi chưa từng, và không có cuộc liên lạc nào với người Nga, và tôi cũng không được phép bình luận về điều đó”.

“Ông ấy được hỏi trong phiên điều trần về mối liên lạc giữa Nga và chiến dịch của ông Trump, chứ không phải về các cuộc gặp gỡ mà ông ấy có khi còn là Thượng nghị sỹ” - người phát ngôn Bộ Tư pháp Flores khẳng định thêm.

Được biết, ông Sessions hiện là một trong những cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dù chưa biết vụ bê bối này sẽ còn đi tới đâu, nhưng trong trường hợp xấu nhất, ông Sessions có khả năng phải từ chức, và đặt chính quyền của ông Trump vào chỗ khó khăn khi lại có một lỗ hổng quyền lực mới.

Tháng trước, cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông Trump là Michael Flynn đã bị cách chức sau khi bị phát hiện có các cuộc thảo luận việc cấm vận của Mỹ với đại sứ Nga tại Mỹ trước khi ông Trump nhậm chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm một cố vấn của ông Trump dính bê bối liên quan tới Nga

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO