Thêm một trải nghiệm cùng ‘Dế Mèn phiêu lưu ký’

Cao Ngọc 07/04/2021 08:22

Tính trình diễn cao, hấp dẫn, nhân văn với những bài học rõ ràng về tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu với thiên nhiên… vừa được NSND Nguyễn Tiến Dũng cùng các nghệ sĩ sân khấu Lệ Ngọc gửi đến khán giả trong vở diễn “Dế Mèn”.

Một cảnh trong vở “Dế Mèn”.

Rất nhiều thế hệ người Việt từ thủa nhỏ đã nuôi lớn tâm hồn qua những làn điệu dân ca, những câu ca dao, tục ngữ, những cuốn sách dành cho thiếu nhi, mà một trong những cuốn sách hay nhất chính là “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài.

Có lẽ đó cũng là một trong những lý do để cho, dù đã có nhiều phiên bản chuyển thể từ tác phẩm văn học này lên sân khấu, nhưng sân khấu tư nhân Lệ Ngọc vẫn quyết tâm cho ra mắt công chúng một phiên bản mới.

Trước đây, vào năm 2002, Nhà hát Tuổi trẻ đã có bản dựng đầu tiên của đạo diễn Đức Hải cho kịch bản chuyển thể từ tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của tác giả Vũ Hải. Tới năm 2015, NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng lại với những thay đổi nhất định trong hai phiên bản sân khấu này. Nhưng nhìn chung, do yêu cầu về thời lượng của vở diễn cho thiếu nhi, nên ở cả hai phiên bản này, các ê kíp sáng tạo chỉ “kể” câu chuyện đến phần Dế Mèn và Dế Trũi kết nghĩa anh em và chuẩn bị đi chu du thiên hạ.

Vì là những nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ nên cả hai đạo diễn đều đã sử dụng khá tốt sự tương tác giữa diễn viên và khán giả nhí. Những phiên bản sân khấu này cũng đã khá thành công vì bản thân cốt truyện tốt, ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật gần gũi với khán giả thiếu nhi và các đạo diễn đều lồng ghép thêm các thông điệp của cuộc sống đương đại vào một câu chuyện đồng thoại vốn đã quá quen thuộc với công chúng Việt Nam.

Với phiên bản sân khấu lần thứ ba, kịch bản văn học của tác giả Lê Chí Trung đã một lần nữa chuyển thể câu chuyện hấp dẫn của chú Dế Mèn cùng những chuyến phiêu lưu của chú dế nghị lực, dũng cảm vượt qua bao gian khó và vấp ngã, cùng sự động viên, trợ lực tinh thần từ tình yêu của người mẹ tần tảo đã trưởng thành.

Ở độ tuổi trai tráng, Dế Mèn với vóc dáng vạm vỡ, đôi càng sắc ngạnh như một thứ vũ khí đầy lợi thế, đôi cánh chắc khỏe đã được mẹ cho “ra ở riêng”. Bản tính anh chàng ngỗ ngược, ưa gây gổ, thích bắt nạt kẻ yếu... quên đi lời dặn của mẹ “sự kiêu hãnh thái quá trong cuộc đời đôi khi luôn phải trả giá đắt”, Dế Mèn vô tình đã gây ra cái chết cho Dế Choắt, chú dế yếu đuối hàng xóm.

Tuy xót xa với bài học đầu đời quá đắt, nhưng Dế Mèn vẫn chưa thấm lời dạy của mẹ. Chỉ đến khi sự ngông nghênh đã khiến chú ta bị anh Xiến Tóc cắt phăng đi 1 sợi râu đầy đắc ý, Dế Mèn mới tự hiểu mình và tự rút ra bài học để khiêm tốn hơn. Qua những vấp váp đầu đời, Dế Mèn dần cứng cáp và trưởng thành hơn, khát khao được đi thăm thú bốn phương để học những điều hay, tiếp xúc với những loài vật và vùng đất mới mẻ thú vị…

Ở đó, cách xây dựng nhân vật trong kịch bản rất hợp với các em thiếu nhi. Hệ thống nhân vật được phân chia rất rõ và “nhân vật nào ra nhân vật đấy”, có dáng nét cụ thể. Nhóm các nhân vật hung hăng và thích khiêu khích là Chim Cắt, Võ sỹ Bọ Ngựa, Nhện chúa và tay sai. Hay nhóm các nhân vật Dế cũng được khắc họa chi tiết từ hành động, ngôn ngữ đến tính cách: Dế Mèn mạnh mẽ, Dế Trũi chân thành, Dế Choắt yếu đuối, anh Dế Cả ham chơi, bạc nhược, Dế Mẹ tần tảo, yêu thương hết lòng các con của mình …

Những điều này vốn là sức hấp dẫn lớn của truyện, và cũng là điểm tựa để tác giả tạo ra cho kịch bản một sức cuốn hút lớn. Bám sát những chương truyện nhưng ngôn ngữ kể chuyện mang đậm ngôn ngữ của thời @... tác giả Lê Chí Trung đã phóng tác, lấy những lát cắt đặc trưng nhất để mang lại không khí vui tươi, rộn rã trong một kịch bản cho thiếu nhi.

Nhưng thành công của vở diễn phải nhờ vào đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng. Bản lĩnh của một đạo diễn từng dàn dựng rất nhiều vở Rối thành công vang dội như “Thân phận nàng Kiều”, “Vũ điệu hoa Quỳnh”… đầy bản sắc và hàng chục những tác phẩm rối đủ thể loại cho thiếu nhi đã giúp anh nhận rõ những yêu cầu đối với một vở diễn cho đối tượng khán giả này để cho ra đời một bữa tiệc mãn nhãn, đủ độ, hấp dẫn và màu sắc.

Dàn dựng tác phẩm sân khấu đã khó, làm sân khấu cho thiếu nhi lại càng khó hơn nữa. Đạo diễn cùng với diễn viên luôn tìm kiếm những ngôn từ chắt lọc, gần gũi đời thường, dễ hiểu với thiếu nhi, lại dí dỏm và đặc biệt phải có tính tương tác cao giữa diễn viên và các khán giả nhí. Có sự tương tác tích cực, giúp cho khán giả thiếu nhi tham gia vào các tình huống kịch, tạo nên sự sinh động cho vở diễn, tăng thêm tính hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý của đối tượng là thiếu nhi vốn hiếu động, ít khả năng tập trung cao nếu không có sự linh hoạt, liên tục hành động.

Hạn chế thoại, mở ra hướng để kết hợp vào đó những màn múa hiện đại của các cô Bướm, Chuồn chuồn hay cảnh cô Bọ Ngựa khiêu chiến với múa Tuồng, hát Chèo, ca Cải lương… Hành động liên tục, tính sân khấu, tính biểu diễn rất rõ, sự hào hứng, các bài ca ngọt ngào kết hợp với những đoạn Ráp, nhảy múa của nhân vật… đã làm cho các em thiếu nhi thích thú.

Tuy nhiên, vở diễn có thời lượng gần hai giờ đồng hồ vẫn là quá dài với các khán giả nhí. Được dàn dựng trong bối cảnh quá gấp rút, nên vẫn có đôi chỗ cần tiếp tục được gọt sửa như lời thoại vẫn bị lặp lại khá nhiều, âm thanh còn khó nghe rõ lời, sự phối kết hợp giữa các diễn viên chưa thật nhuần nhuyễn…

Hi vọng, qua một vài đêm diễn nữa, sân khấu Việt lại có thêm một phiên bản “Dế Mèn phiêu lưu ký” thật sự hấp dẫn, thật sự là điểm đến đáng mơ ước của các em nhỏ và các bậc phụ huynh mong muốn được một vé về tuổi thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm một trải nghiệm cùng ‘Dế Mèn phiêu lưu ký’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO