Thêm quyền cho cơ quan chống tham nhũng

Hoàng Mai 04/11/2019 07:30

Cuối tuần qua, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị để cho ý kiến về Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) và Ban Nội chính Trung ương. Đây là bước đi cần thiết để tăng cường sức mạnh của Ban Chỉ đạo cũng như Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Việc này cũng cho thấy, quyết tâm chống tham nhũng rất kiên trì của Đảng ta.

Thực tế triển khai Quy định 163 của Bộ Chính trị khóa XI trong hơn 6 năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay cho thấy, Ban Chỉ đạo đã thể hiện quyết tâm rất cao, chỉ đạo quyết liệt, với cách làm khoa học, chặt chẽ, nền nếp, bài bản, phối hợp nhịp nhàng, từng bước chắc chắn, rõ đến đâu xử lý đến đó, công khai, minh bạch. Nhất là, đã phát huy tốt cơ chế chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế; chỉ đạo phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các khâu trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng từ thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, rồi đến điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản tham nhũng. Theo như nhận xét của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Sau hơn 6 năm thực hiện Quyết định 159 của Bộ Chính trị, Ban Nội chính Trung ương đã triển khai nhiều công việc, khá toàn diện, tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính; chủ động, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, kiên trì, quyết liệt trong tham mưu, chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Chỉ tính riêng trong hoạt động của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thì thấy: Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo luôn bám vụ án, vụ việc, đôn đốc, tham mưu kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc để kết thúc điều tra các vụ án. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã góp phần quan trọng nhằm kết thúc điều tra nhiều vụ án, vụ việc quan trọng. Trong 6 tháng cuối năm, theo kế hoạch, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo sẽ khẩn trương tham mưu, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo năm 2019, ban hành quy trình kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Với khối lượng công việc nhiều như vậy, lại toàn những việc nhạy cảm nếu “thượng phương bảo kiếm” không sắc sẽ không thể phòng chống tham nhũng- thực tế ấy có lẽ đã được rút ra sau hơn 6 năm thực hiện Quy định 163 và Quyết định 159. Và thực tế công việc cũng như thực tế hoạt động của Ban Chỉ đạo cũng như Ban Nội chính trong hơn 6 năm qua cho thấy, không phải không có những hạn chế nhất định. Và, để khắc phục những hạn chế, khó khăn sau hơn 6 năm thực hiện Quy định 163 và Quyết định 159 của Bộ Chính trị khóa XI, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã thống nhất cao cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong quy định và quyết định nêu trên theo hướng, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ phân cấp trong cơ quan phòng chống tham nhũng. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Việc sửa đổi, bổ sung Quy định 163 và Quyết định 159 nhằm khẳng định và làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, đề cao quyền hạn, trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Ban Chỉ đạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm; nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương trong tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta trong việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác phòng, chống tham nhũng.

Tới đây, khi ban hành các điều khoản mới, hy vọng rằng, Ban Chỉ đạo cũng như Ban Nội chính Trung ương có thêm niềm tin, có thêm sức mạnh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Và cũng để cơ quan phòng, chống tham nhũng thể hiện quyết tâm kiên quyết, kiên trì thực hiện quan điểm chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, “không dừng, không nghỉ” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng và có đủ sức mạnh để chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng; để đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, sớm kết luận với các cuộc thanh tra, kiểm toán phức tạp, góp phần ổn định xã hội, lấy lại niềm tin trong nhân dân về hoạt động của các cơ quan công quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm quyền cho cơ quan chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO