Thêm vaccine '5 trong 1' mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng

Đức Trân 05/05/2019 08:00

Bắt đầu từ tháng 5/2019, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia sẽ được đưa thêm một loại vaccine “5 trong 1” mới vào tiêm chủng cho trẻ.  Theo Bộ Y tế, việc đưa thêm vaccine “5 trong 1” nhằm đảm bảo an ninh vaccine, chủ động không để thiếu nguồn cung ứng vaccine góp phần đảm bảo sức khoẻ cho trẻ nhỏ.

Thêm vaccine '5 trong 1' mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng

Nỗ lực đảm bảo an toàn vaccine trong tiêm chủng

Được biết, vaccine “5 trong 1” được đưa thêm vào Chương trình tiêm chủng mở rộng trong tháng 5/2019 là vaccine SII do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, có thành phần kháng nguyên tương tự hai loại vaccine “5 trong 1” (vaccine Quinvaxem và vaccine ComBe Five) đã và đang được sử dụng tại nước ta. Vaccine SII có tác dụng phòng ngừa 5 bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib). Vaccine SII chứa thành phần ho gà toàn tế bào và đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới.

Vaccine “5 trong 1” mới đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, tính an toàn chung, an toàn đặc hiệu và hiệu quả bảo vệ với từng thành phần kháng nguyên của vaccine. Giống như vaccine Combe Five, vaccine SII cũng được thử nghiệm trên chuột, với liều tiêm tương đương cho người. Được biết, vaccine mới này đang được sử dụng tại 79 quốc gia với hiệu quả bảo vệ trên 80%.

PGS. TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết, trước khi đưa vaccine mới này vào sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc Gia, Bộ Y tế sẽ tiến hành thí điểm vaccine 5 trong 1 mới ở quy mô nhỏ. Theo đó, loại vaccine 5 trong 1 mới sẽ được thí điểm triển khai tại 5 tỉnh, thành phố thuộc 4 khu vực địa lý, riêng miền Bắc sẽ có 2 tỉnh. Sau khi triển khai ở quy mô nhỏ, Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá, triển khai tiêm đại trà vào cuối năm 2019.

Về vaccine SII được đưa thêm vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng, GS. TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - chia sẻ: Do vaccine Combe Five không đủ nên việc đưa thêm vaccine SII vào chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ giúp chủ động về nguồn cung ứng vaccine, đảm bảo an ninh, an toàn vaccine trong tiêm chủng, góp phần bảo vệ sức khoẻ của trẻ em. Nhà cung cấp vaccine SII là Viện Huyết thanh Ấn Độ từng cung cấp 20 triệu liều vaccine sởi - rubella cho Việt Nam trong chiến dịch tiêm chủng năm 2014.

Theo đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc đưa vaccine mới vào Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia không liên quan đến một số ca phản ứng nặng sau tiêm vaccine ComBe Five, mà là để đảm bảo an ninh vaccine. Do lượng vaccine ComBe Five được cung cấp gần đây chưa đảm bảo về số lượng so với nhu cầu (mới đạt khoảng 60-70%) nên việc đưa thêm một vaccine mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ giúp chủ động về nguồn cung ứng phục vụ cho tiêm chủng. Vaccine 5 trong 1 ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib bắt đầu được đưa vào sử dụng tại Việt Nam khoảng 10 năm trước bằng vaccine Quinvaxem và từ tháng 12/2018 thay thế bằng vaccine ComBe Five.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ em cần tiêm đủ 3 mũi vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, tương đương khoảng 5,1 triệu liều vaccine 5 trong 1.

Chủ động tiêm chủng để phòng bệnh

Tiêm chủng đầy đủ là vô cùng cần thiết để phòng bệnh và thể hiện hiệu quả phòng bệnh của vaccine trong tiêm chủng đối với sức khoẻ của con người. Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc từ chối tiêm chủng là một hiện tượng được ghi nhận trong thời gian gần đây ở nước ta. Nhiều bậc phụ huynh chưa đưa con đi tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đủ mũi với suy nghĩ khi trẻ bị bệnh chỉ cần điều trị tại nhà thì trẻ sẽ tự khỏi bệnh hay lo ngại ảnh hưởng và phản ứng trẻ sẽ gặp phải sau tiêm vaccine… So với hàng triệu gia đình đưa con đi tiêm chủng mỗi năm thì số người từ chối tiêm chủng là thiểu số, song ảnh hưởng của hiện tượng này đến cộng đồng là không hề nhỏ bởi nó gây ra những hiểu nhầm và nhận thức không đúng đắn về tiêm chủng.

PGS. TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết: Vaccine là một trong những thành tựu y học vĩ đại nhất của loài người để cứu sống nhân loại trong phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm. Hơn 100 năm kể từ khi ra đời, vaccine đã chứng minh được hiệu quả cực kỳ to lớn trong việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, cứu sống hàng triệu người mỗi năm. Nếu không tiêm chủng, hàng rào miễn dịch sẽ bị phá vỡ. Nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp, không đủ người có miễn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh sẽ dễ dàng lây lan và bùng phát trên diện rộng. Khi đó, tất cả những người chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh, bất kể những người “sống theo tự nhiên” hay không. Những đứa trẻ chưa đủ điều kiện để tiêm chủng sẽ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Tiêm chủng chưa đầy đủ hay bài xích tiêm chủng sẽ khiến những dịch bệnh đã từng được khống chế trước đây có nguy cơ quay trở lại, đe doạ đến sức khoẻ của cộng đồng.

TS Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế - khẳng định: Vaccine có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng thì vaccine mới phát huy được hết tác dụng và có hiệu quả cao; gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng.

Trong cộng đồng, tỷ lệ đạt tiêm chủng cao trên 90-95% thì cho dù mầm bệnh xâm nhập nhưng do có ít đối tượng nhiễm nên bệnh sẽ không thể lan rộng. Khi đó có thể thấy một số ít các trường hợp chưa tiêm chủng hoặc chưa bị mắc bệnh nhờ những người đã có miễn dịch khi tiêm vaccine ở xung quanh che chắn, bảo vệ. Tuy nhiên, nếu không có nền tảng miễn dịch vững chắc thì điều này sẽ không thể xảy ra.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đang có xu hướng tăng cao và lây lan nhanh trong cộng đồng, điển hình là bệnh sởi. Mặc dù thời tiết đã bắt đầu chuyển sang mùa hè nhưng bệnh sởi không có dấu hiệu thuyên giảm, các ca mắc sởi liên tục phải nhập viện để điều trị khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát cao. Để ngăn chặn nhiều dịch bệnh có nguy cơ lây lan và bùng phát thì tiêm chủng đầy đủ là một giải pháp hiệu quả góp phần khống chế sự lây lan của dịch bệnh và bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, việc tiêm chủng được triển khai rộng rãi đã trang bị khả năng đối phó hữu hiệu để phòng, chống các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm. Bản chất của việc tiêm chủng là sử dụng vaccine để kích thích cơ thể sản sinh ra miễn dịch chủ động chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Tính đến nay, trên thế giới có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine để phòng bệnh. Nhờ vaccine, mỗi năm đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng tại một số địa phương vẫn còn thấp, nguyên nhân là do lo ngại phản ứng sau tiêm chủng. Theo các chuyên gia y tế, phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ là không thể tránh khỏi vì đây là phản ứng gây ra do một hoặc nhiều thành phần của vaccine. Nó cũng là phản ứng của từng cá thể với đặc tính vốn có của vaccine, có thể xảy ra ngay cả khi vaccine đã được sản xuất, bảo quản và vận chuyển an toàn, chỉ định một cách chính xác. Các phản ứng sau tiêm ở trẻ chủ yếu là đau, sưng, đỏ ở chỗ tiêm, sốt, phát ban, viêm kết mạc… chiếm khoảng từ 5-10% và hầu hết các phản ứng vaccine là nhẹ và tự khỏi.

Để chủ động phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, các gia đình có trẻ trong độ tuổi tiêm chủng cần thực hiện đúng hướng dẫn của các bác sĩ về tiêm vaccine phòng bệnh, chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm. Đặc biệt là thường xuyên theo dõi trẻ tại nhà trong từ một đến hai ngày sau tiêm chủng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm vaccine '5 trong 1' mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO