Thi cử và căn bệnh gian lận

H.Vũ (thực hiện) 06/08/2018 08:00

Những sai phạm trong kỳ thi THPT vừa qua xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... đã cho thấy nhiều những sai phạm. Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên mà gian lận tiêu cực trong thi cử đã xảy nhiều năm nhưng vẫn không được ngăn chặn hiệu quả. Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng đã đến lúc phải tổ chức lại thi cử.

Thi cử và căn bệnh gian lận

GS Phạm Minh Hạc.

PV: Thưa GS, với những vụ sai phạm trước đây và sai phạm trong kỳ thi THPT năm 2018 xảy ra tại một số địa phương, cá nhân ông có suy nghĩ gì?

GS Phạm Minh Hạc: Những sai phạm trong kỳ thi THPT năm 2018 đang được các cơ quan chức năng điều ra, làm rõ và xử lý. Nhưng theo tôi, chúng ta phải tổ chức lại cách thi tốt nghiệp THPT dưới sự chỉ đạo của Bộ GDĐT và các Sở GDĐT tại các tỉnh, thành. Còn thi tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) cũng như các trường khác thì để cho các trường tự tổ chức.

Chúng ta đã có Chỉ thị 77 tự chủ của đại học do Thủ tướng Chính phủ quyết định rồi. Đây cũng là một bước tự chủ. Việc tự tuyển sinh đã có quy chế tuyển sinh. Số lượng được tuyển sinh do Bộ GDĐT quyết định, mỗi trường được số lượng bao nhiêu học sinh và điểm chuẩn do Bộ quy định. Còn Bộ thì chỉ đạo, thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Ở các nước khác cũng như vậy. Do đó theo tôi, kỳ thi THPT do Bộ GDĐT lãnh đạo, chỉ đạo các Sở GDĐT các tỉnh/thành tiến hành làm. Còn thi ĐH,CĐ và các trường chuyên nghiệp thì do các trường tự tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ theo các văn bản của Nhà nước. Như vậy, sẽ chặt chẽ, không có sự thả lỏng, không có chuyện điểm thấp mà vào được ĐH vì mỗi trường đều có những chỉ tiêu.

Với những sai phạm thi cử thời gian qua, ông có nghĩ rằng phải chăng “bệnh thành tích” trong xã hội đã khuyến khích cho việc gian lận?

-Bệnh thành tích đã có từ lâu rồi nhưng theo tôi trong những sai phạm trên, chủ yếu là động cơ để vào đại học và cao đẳng.

Nó là động cơ khác chứ không phải là động cơ “bệnh thành tích” nữa. Bây giờ cần một sự phân tích đầy đủ. Sơ hở chính là ở chỗ chúng ta kết hợp tuyển ĐH,CĐ và các trường chuyên nghiệp với tốt nghiệp THPT.

Nhưng mục đích sai phạm không phải là để tốt nghiệp THPT với số điểm cao nhất, nhì cả nước để lấy thành tích như trước đây nữa, mà là để cho vào đại học vì điểm cho đến 9 điểm, hay 9,5 điểm.

Cho vào ĐH,CĐ để sau này ra trường có được nghề, được tuyển vào cơ quan nhà nước, có việc làm, và có lương. Ở đây “bệnh thành tích” chỉ là cái mác bên ngoài.

Với nhiều nước vào ĐH không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Nhưng ở ta có tâm lý buộc phải vào ĐH để làm công chức, có được việc làm tốt. Ông có cho rằng có cần phải thay đổi cách nghĩ này trong giáo dục cũng như thi tuyển công chức?

-Chỉ có 2 người ở trong căn phòng rộng chỉ 18 m2 nhưng Bill Gates đã sáng tạo ra sự vĩ đại của thời đại. Sau đó Trường Đại học Harvard đã trao cho ông này bằng ĐH. Còn ở ta, tư tưởng bằng cấp còn rất là nặng nề, cho nên mới có hơn 200 ngàn cử nhân thất nghiệp vì các trường ĐH có tuyển sinh theo cơ cấu nhân lực, hay lao động đâu?

Các nước khác, họ tuyển theo cơ cấu nhân lực, và cơ cấu lao động. Tất nhiên, tình trạng tốt nghiệp ĐH nhưng thất nghiệp là tình hình chung của các nước trên thế giới chứ không chỉ có Việt Nam. Như Mỹ có tới 5 triệu người thất nghiệp nhưng tiêu chuẩn lao động và thất nghiệp của họ là rõ ràng.

Ở ta, ngồi bán nước ở vỉa hè, chạy xe ôm cũng coi là có việc làm là không đúng. Khi tuyển dụng vào một vị trí nào đó, bằng tốt nghiệp là tối thiểu, sau đó họ phỏng vấn để tuyển. Người phỏng vấn có trình độ chuyên môn, có trình độ tâm lý học về phỏng vấn, có trình độ về lao động và tuyển theo yêu cầu của từng ngành. Thậm chí tuyển theo yêu cầu của nhà máy hay cơ sở.

Còn ở ta, có khi người không có trình độ nhưng quen biết, hay họ hàng thì được đưa vào, người giỏi bị loại ra, còn người kém được nhận vào. Đó là do chưa có những quy định thật rõ ràng, ràng mạch chặt chẽ. Cho nên giữa đào tạo và cơ chế tuyển dụng đòi hỏi rất đồng bộ.

Trong cải cách giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta vẫn loay hoay, trong đó có chuyện thi cử. Ý kiến của ông về vấn đề này?

-Hiện Bộ GDĐT đang làm: Một là, chương trình tổng thể; hai là, chương trình bộ môn ở phổ thông; và ĐH cũng có tiêu chí. Tuy nhiên chúng ta mới đạt được một số kết quả bước đầu, còn nhiều cái chưa ưng ý, trục trặc.

Theo tôi, thời gian qua chúng ta vội vàng mở quá nhiều trường ĐH. Đã mở ra rồi thì phải tuyển sinh. Chính việc tuyển sinh không theo cung cầu của xã hội cho nên thừa hơn 200 ngàn cử nhân ra trường nhưng không có việc làm là như vậy.

Cái này cần đồng bộ, tức là ĐH, và trung học chuyên nghiệp... cũng phải theo hệ thống lao động và nhân lực của đất nước xem cần bao nhiêu, làm gì, thì phải có tính toán. Vì hiện nay, nhiều bộ có trường ĐH,CĐ và trung cấp chuyên nghiệp, chưa kể có Tổng cục Dạy nghề. Do đó phải có một sự điều hành chung.

Tôi rất mừng khi Thủ tướng đã quan tâm đến thi tốt nghiệp THPT. Tại phiên họp Chính phủ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã dành thời gian để bàn riêng về chuyện thi tốt nghiệp THPT năm 2018, và Thủ tướng chỉ đạo sẽ kiểm điểm việc này.

Tôi nghĩ đây là việc đại sự. Nhiều người coi đó là việc của ngành GD là không phải. Vì thi tốt nghiệp THPT, ĐH,CĐ, trung học chuyên nghiệp quan hệ trực tiếp tới từng gia đình, từng con người, từng địa phương, và cả nước, thậm chí là cả vấn đề lao động quốc tế nữa. Cho nên tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm và phải cùng vào cuộc, cùng tham gia.

Trân trọng cảm ơn ông!

GS Phạm Minh Hạc: Theo tôi, kỳ thi THPT do Bộ GDĐT lãnh đạo, chỉ đạo các Sở GDĐT các tỉnh/thành tiến hành làm. Còn thi ĐH,CĐ và các trường chuyên nghiệp thì do các trường tự tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ theo các văn bản của Nhà nước. Như vậy, sẽ chặt chẽ, không có sự thả lỏng, không có chuyện điểm thấp mà vào được ĐH vì mỗi trường đều có những chỉ tiêu. Sơ hở chính là ở chỗ chúng ta kết hợp tuyển ĐH,CĐ và các trường chuyên nghiệp với tốt nghiệp THPT. Ở đây “bệnh thành tích” chỉ là cái mác bên ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi cử và căn bệnh gian lận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO