Thí sinh ‘ngóng’ đề án tuyển sinh

Hàn Minh 10/03/2021 06:44

Mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) 2021 đang đến gần. Bên cạnh các thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, nhiều thí sinh và gia đình quan tâm đến đề án tuyển sinh riêng của các trường để sớm có sự chuẩn bị tốt nhất.

Cân nhắc các phương thức tuyển sinh

Thông tin từ Phòng Đào tạo Trường ĐH Công đoàn cho biết, hiện tại Bộ GDĐT vẫn chưa phê duyệt Đề án tuyển sinh năm 2021 của nhà trường nên chưa có thông tin chính thức. Tuy nhiên, về chủ trương, nhà trường cơ bản sẽ vẫn giữ nguyên phương thức tuyển sinh truyền thống của năm 2020 bao gồm xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Cụ thể, những thí sinh tham gia thi và có kết quả thi THPT năm 2021 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Trường ĐH Công đoàn (Nhà trường sẽ thông báo khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021). Nhà trường sẽ ưu tiên xét tuyển thẳng theo Quy định của Bộ GDĐT.

Sau 5 năm ngừng tổ chức thi đánh giá năng lực, năm nay ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện trở lại kỳ thi này. ĐH này dự kiến tổ chức 4 - 5 đợt thi trải đều trong nhiều tháng. Các trường thành viên và đối tác có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.

ĐH Quốc gia TP HCM thông tin sẽ tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực. Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP HCM) dự kiến cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong năm 2021 để tuyển sinh sau khi không tổ chức năm 2020.

Một số trường ĐH ngoài công lập như Hồng Bàng, Nguyễn Tất Thành cũng sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh năm nay. Năm 2020, các trường này đều hủy kỳ thi riêng do dịch bệnh.

Vì vậy, bên cạnh các phương thức tuyển sinh như năm 2020, nhiều trường có thể bổ sung thêm phương án xét tuyển từ kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do các trường tổ chức. Điều này làm tăng cơ hội xét tuyển cho các thí sinh.

PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Thương cho biết, nhà trường sẽ sớm công bố Đề án tuyển sinh năm 2021 trong thời gian tới. Dự kiến, nhà trường cơ bản sẽ vẫn giữ 5 phương thức tuyển sinh của năm 2020. Đối với việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, đại diện nhà trường cho biết khi có đầy đủ thông tin sẽ nghiên cứu một cách thận trọng về sự phù hợp, thời gian và cách sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực cho xét tuyển để đảm bảo lựa chọn được thí sinh phù hợp cũng như thí sinh có sự chuẩn bị về kiến thức và tâm lý.

“Trong trường hợp Trường sử dụng kết quả của kỳ thi này cho xét tuyển chúng tôi sẽ có thông báo sớm cho thí sinh để có thời gian chuẩn bị phù hợp”, bà Hương thông tin. Dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 Trường ĐH Ngoại thương bắt đầu mở hệ thống dành cho đăng ký xét tuyển riêng. Thí sinh có thể tham gia xét tuyển ở cả 5 phương thức nếu đáp ứng điều kiện xét tuyển.

Năm 2020, Trường dành khoảng 50% chỉ tiêu cho xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT. Dù phương thức này thực hiện sau cùng, thí sinh cũng không cần lo lắng vì nhà trường giữ đúng cam kết về chỉ tiêu khi xét tuyển ở tất cả các phương thức.

Dự kiến được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần

Thời gian từ nay đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 chỉ còn hơn 3 tháng nữa, tùy theo diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Hiện Bộ GDĐT đang soạn thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2021. Dự kiến có một số thay đổi về kỹ thuật, quy định so với trước đây.

Theo đó, thí sinh có thể sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển; sử dụng kết quả thi, tuyển sinh riêng của một số trường, nhóm, khối trường; xét học bạ THPT và sử dụng một số kết quả chứng chỉ quốc tế (SAT/ICT); kết quả thi HS giỏi quốc gia, quốc tế để tuyển sinh.

Năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH,CĐ sư phạm bằng hình thức trực tuyến, không sử dụng phiếu đăng ký như các năm trước. Với những địa bàn khó khăn về thiết bị, đường truyền, các trường THPT, ĐH,CĐ trên địa bàn sẽ tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh về kỹ thuật khi đăng ký.

Một trong những thay đổi quan trọng đó là khi đăng ký xét tuyển, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm bằng hình thức trực tuyến, không sử dụng phiếu đăng ký như các năm trước. Với những địa bàn khó khăn về thiết bị, đường truyền, các trường THPT, ĐH,CĐ trên địa bàn sẽ tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh về kỹ thuật khi đăng ký.

Từ năm 2020 trở về trước, sau khi có kết quả thi THPT thí sinh chỉ có 1 lần điều chỉnh nguyện vọng. Sau khi điều chỉnh, nếu muốn thay đổi, bổ sung, thí sinh không thể thực hiện. Năm nay Bộ GDĐT dự kiến cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần để tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, hạn chế tối thiểu những sai sót không đáng có. Về phía các trường, điều này cũng không làm ảnh hưởng đến việc lọc ảo của hệ thống.

Tuy nhiên, để chủ động hơn cho thí sinh nhất là với các phương thức xét tuyển bằng học bạ hay hình thức tuyển sinh riêng, nhiều thí sinh và phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn Bộ GDĐT sớm ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2021, các trường sớm công bố đề án tuyển sinh. Như vậy, thí sinh sớm có sự chuẩn bị và tận dụng được các phương thức xét tuyển khác nhau để tăng cơ hội đỗ vào trường yêu thích.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng nội dung đề thi phải gắn rất sát với hoạt động dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, đồng thời gắn với chuẩn đầu ra chương trình phổ thông. Cấu trúc đề thi giữ ổn định để thuận lợi cho việc dạy học, ôn tập của giáo viên và HS, trong đó chú trọng tới chất lượng, độ tin cậy của đề thi để phân loại HS. Dự kiến đề thi tham khảo sẽ được công bố trong tháng 3/2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thí sinh ‘ngóng’ đề án tuyển sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO