Thi THPT quốc gia 2017: Thanh tra Bộ sẽ giám sát công tác chấm thi

Hàn Minh 28/06/2017 08:35

Thông tin từ Bộ GD-ĐT ngày 27/6, bắt đầu từ ngày 25/6, các địa phương đã đồng loạt tổ chức chấm thi. Được biết, trong suốt quá trình chấm thi, các đoàn thanh tra của Bộ sẽ tới các điểm chấm thi của các tỉnh để giám sát công tác chấm thi, đảm bảo kết quả thi trung thực, khách quan, công bằng cho thí sinh. Ngoài ra, các trường ĐH cũng sẽ tham gia công tác chấm thi.

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi vào chiều tối 24/6, Hội đồng ra đề thi tiến hành in sao các đáp án và đóng dấu treo để đảm bảo tính pháp lý của các đáp án khi chuyển các Hội đồng thi của các địa phương để tổ chức chấm thi. Bắt đầu từ ngày 25/6, các địa phương đã đồng loạt tổ chức chấm thi.

Chấm đúng từng ý, từng câu

Trao đổi với báo chí về quy trình chấm thi, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, các bài thi trắc nghiệm được chấm hoàn toàn bằng phần mềm máy tính. Để đảm bảo không xảy ra các trục trặc kỹ thuật, không nhận biết được những câu thí sinh tô chì mờ, gây thiệt thòi cho thí sinh, khi phát hiện những lỗi như vậy, máy tính sẽ báo lỗi và cán bộ chấm thi, giám sát chấm thi sẽ điều chỉnh bằng tay để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Sau khi có kết quả, nếu thí sinh cảm thấy điểm thi lệch quá nhiều so với dự đoán của mình có thể làm đơn phúc khảo.

Đối với bài tự luận (môn Ngữ văn) sẽ thực hiện chấm 2 vòng độc lập, song song với đó là chấm kiểm tra cùng tiến độ với chấm độc lập tối thiểu 5% bài thi để kịp thời phát hiện những sai sót nhằm điều chỉnh. Trong điều kiện cần thiết sẽ tiến hành chấm thẩm định lại với quy trình chặt chẽ.

Cụ thể, theo quy định của Bộ GD&ĐT, khi chấm bài thi tự luận phải tiến hành nghiên cứu, thảo luận kỹ về đáp án, biểu điểm và thực hiện nghiêm túc khâu chấm chung ban đầu theo quy định của quy chế thi. Bố trí cán bộ chấm thi chấm lần thứ nhất và lần thứ hai ngồi ở 2 phòng chấm khác nhau. Mỗi bài thi tự luận được 2 cán bộ chấm thi chấm độc lập.

Điểm mới của việc chấm bài thi tự luận năm nay là sau 2 vòng chấm thi độc lập, dù bài thi có tổng điểm bằng nhau nhưng điểm thành phần chênh lệch cũng phải đưa ra để xử lý lại. Trong khi đó, mọi năm điểm thành phần chênh lệch nhưng tổng điểm bằng nhau vẫn được bỏ qua. Điểm mới này sẽ giúp quá trình chấm thi chính xác hơn với từng ý, từng câu.

Kết thúc việc chấm thi tất cả môn, Chủ tịch Hội đồng thi sẽ duyệt kết quả thi và nộp toàn bộ dữ liệu kết quả về Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) để lưu giữ và đối chiếu.
Trong suốt quá trình chấm thi, các đoàn thanh tra của Bộ sẽ tới các điểm chấm thi của các tỉnh để giám sát công tác chấm thi, đảm bảo kết quả thi hoàn toàn trung thực, khách quan, đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh. Ngoài ra, các trường ĐH cũng sẽ tham gia công tác chấm thi.

Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Lỗi kỹ thuật ở đáp án môn Lịch sử

Ở câu hỏi số 22 ở mã đề 302 môn Lịch sử (tương đương câu hỏi số 14 ở mã đề 316) hiện có sự thay đổi về đáp án so với đáp án ban đầu Bộ GD&ĐT công bố ngay sau khi kết thúc kỳ thi gửi cho các báo. Cụ thể, câu hỏi được đưa ra là: “Mỹ chính thức tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất trong khi thực hiện chiến lược chiến tranh nào ở miền Nam Việt Nam?”.

Đáp án được công bố ngay sau khi kết thúc là phương án A (chiến tranh cục bộ). Nhưng đáp án hiện tại đang được công khai trên cổng thông thông tin của Bộ GD&ĐT lại có sự thay đổi, trở thành phương án D (chiến tranh đặc biệt).

Trao đổi với báo chí, ông Sái Công Hồng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), Trưởng Ban đề thi quốc gia năm nay khẳng định không có chuyện đổi đáp án môn Lịch sử so với ban đầu. Cụ thể, đáp án chính thức của các môn thi là bản cứng có chữ ký của Tổ trưởng tổ ra đề thi của các môn thi và có ký duyệt của Chủ tịch hội đồng ra đề thi.

Sau khi kết thúc kỳ thi (chiều tối 24/6) Hội đồng ra đề thi tiến hành in sao các đáp án và đóng dấu treo để đảm bảo tính pháp lý của các đáp án khi chuyển các Hội đồng thi của các địa phương để tổ chức chấm thi. Khi sao chép từ phần mềm trộn câu hỏi thi ra đĩa thì bị nhảy đáp án và khi cung cấp bản mềm các đáp án bằng đĩa CD cho các báo rất có thể do lỗi kỹ thuật, nên đáp án bị nhảy từ D sang A (một số đề thi được sao chép cùng với các đáp án của các môn thi trong cùng đĩa CD này khi mở ra cũng bị mất không còn trong dữ liệu).

Do đó, ông Hồng khẳng định: “Đáp án đúng chỉ có một nên nếu thí sinh nào chọn phương án D trong câu 22 của mã đề 302 em đó sẽ được tính điểm, không có bất cứ ảnh hưởng nào trong quá trình chấm thi và kết quả bài làm của học sinh”.

Đây cũng là kinh nghiệm để những năm sau khi công bố đáp án chính thức thì nên dùng bản gốc có dấu đỏ của Bộ GD&ĐT để đảm bảo tính pháp lý và tính chính xác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi THPT quốc gia 2017: Thanh tra Bộ sẽ giám sát công tác chấm thi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO