Thi THPT Quốc gia 2018: Yêu cầu chuẩn hóa đề thi

Lam Nhi 27/09/2017 07:45

Sau khi đưa ra hai phương án thi để các trường ĐH, CĐ cho ý kiến, Bộ GD&ĐT đã chính thức chốt phương án thi năm 2018 là giữ ổn định như kỳ thi năm 2017.

Tuy nhiên, khác với năm trước, đề thi THPT quốc gia sẽ bao gồm cả kiến thức lớp 11 thay vì chỉ riêng lớp 12, đòi hỏi các thí sinh cần có kế hoạch chuẩn bị ôn luyện kiến thức cân đối, tránh học lệch.

Ảnh minh họa.

Nội dung thi bao gồm lớp 11 và 12

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, cơ sở quan trọng để Bộ quyết định phương án thi/tuyển sinh trong những năm tới được giữ ổn định như năm 2017 là do sau 3 năm thực hiện đổi mới, phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình đánh giá cao.

Kết quả của kỳ thi đã giúp cho việc đánh giá chất lượng dạy, học ở bậc phổ thông ngày càng chuẩn xác hơn. Mặt khác, hầu hết các trường ĐH, CĐ đã tin cậy sử dụng kết quả của Kỳ thi để xét tuyển, không tổ chức thi riêng, hạn chế tối đa tình trạng học thêm, dạy thêm, luyện thi tràn lan.

Theo ông Sái Công Hồng- cục phó Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Thông tư ban hành quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT mà bộ ban hành từ ngày 25/1 đã quy định rõ từ năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình cả lớp 11 và lớp 12 THPT.

Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi THPT nằm trong chương trình cấp THPT. Điều này hướng đến việc học sinh tập trung kiến thức toàn cấp học THPT chứ không chỉ riêng lớp 12.

Như vậy, kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ có các môn bắt buộc và tổ hợp môn tự chọn giữa Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi minh họa để các thầy cô và học sinh tham khảo, định hướng dạy và học, ôn luyện đạt hiệu quả cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Cần chuẩn hóa đề thi

Theo PGS TS Nguyễn Văn Nhã- nguyên trưởng phòng Đào tạo, ĐHQG Hà Nội, việc Bộ GD&ĐT chốt phương án thi năm 2018 cho thấy Bộ GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến các trường cũng như các chuyên gia giáo dục, dư luận xã hội.

Ảnh minh họa.

Khi Bộ đưa ra hai phương án thi để các trường cho ý kiến cách đây gần 1 tháng, mặc dù nhiều ý kiến cho rằng phương án 2 (tổ chức bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi) mang tính khá hiện đại tiếp cận theo những thông lệ tốt.

Cụ thể, khi tính một đầu điểm cho cả bài thi tổ hợp thì sẽ giảm được tình trạng thí sinh học lệch và cũng không gây khó cho việc xét tuyển của các trường.

Tuy nhiên, mỗi khi chúng ta chuẩn bị một phương án mới thì cũng phải cân đối giữa các bên liên quan. Ở đây, là người học sẽ bị xáo trộn tâm lý, gây khó khăn cho việc học và ôn tập của các em nếu vừa công bố đã áp dụng ngay. Vì vậy, quyết định giữ nguyên phương án thi như năm 2017 và công bố sớm để thí sinh yên tâm ôn tập của Bộ là rất phù hợp.

“Vấn đề hiện nay là Bộ cần tiếp tục xây dựng ngân hàng đề thi với các câu hỏi chuẩn hóa, mang tính phân loại cao hơn để đánh giá chính xác trình độ và phân loại thí sinh, nhất là tăng mức độ khó và đòi hỏi tư duy cao hơn đối với câu hỏi ở mức độ vận dụng cao. Từ đó, tránh được “cơn mưa điểm 10” như năm 2017 và các trường sẽ dễ dàng hơn trong khâu xét tuyển khi điểm số của các thí sinh có sự chênh lệch rõ, chỉ những thí sinh thực sự xuất sắc mới đạt điểm cao” - ông Nhã đề xuất.

Chung quan điểm này, GS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc giữ nguyên 3 đầu điểm của 3 môn thi thành phần trong thời gian tới cũng không làm khó các trường đại học sử dụng kết quả thi để xét tuyển khi không kịp xây dựng phương án tuyển sinh dựa trên kết quả toàn bài thi KHTN, KHXH.

Thực tế tuyển sinh 2017 cho thấy, có một số trường có tổ hợp này hầu như không đáng kể, đặc biệt là những trường có tính cạnh tranh cao hầu như không có trường nào sử dụng tổ hợp xét tuyển gồm điểm các bài thi tổ hợp mà đều sử dụng điểm của các môn thi thành phần.

“Sắp tới chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được ban hành. Được biết, theo thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới thì học sinh cấp THPT ngoài các môn bắt buộc được chọn học các môn trong các nhóm khoa học xã hội, nhóm khoa học tự nhiên, nhóm công nghệ và nghệ thuật. Việc xây dựng phương thức thi trong giai đoạn 3 năm tới cũng cần hướng tới sự phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới”- GS Phạm Minh Hạc nêu quan điểm.

Điều chỉnh điểm ưu tiên phù hợp

Cũng trong công văn gửi Sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ đào tạo giáo viên, Cục Nhà trường thuộc Bộ Quốc phòng, Cục Đào tạo thuộc Bộ Công an về tổ chức kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2018, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ rà soát, qui hoạch lại hệ thống các trường sư phạm; đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường; đồng thời triển khai các giải pháp đồng bộ khác để nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp bậc học.

Đồng thời rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.

PGS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc mức cộng điểm ưu tiên sao cho hợp lý. Cụ thể, hiện nay có quá nhiều điểm cộng, cần giới hạn nếu không sẽ dẫn đến việc đào tạo kém chất lượng. Thay vì cộng gộp tất cả các điểm ưu tiên như hiện nay, nên cộng 1 điểm ưu tiên cao nhất.

Riêng đối với các học sinh vùng sâu, vùng xa tốt nhất nên cho vào các trường dự bị để bồi dưỡng kiến thức, thay vì cộng nhiều điểm ưu tiên.

Các trường đại học cũng cần mở rộng thêm các học bổng, hỗ trợ cho các sinh viên để tránh bỏ dở giữa chừng vì gia đình không kham nổi.

Trước tình trạng những thí sinh được 29 - 30 điểm vẫn không thể đỗ vào ngành học ở trường mình yêu thích hoặc có những trường lấy điểm trúng tuyển tới… 30,5 như kỳ xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT nên xem xét lại mức điểm ưu tiên.

Cần đưa điểm cộng về mức hợp lý, đúng đối tượng, phân chỉ tiêu cụ thể số lượng thí sinh được điểm cộng để tạo ra công bằng giữa các thí sinh.

Về phía các trường, cần đưa ra các tiêu chí phụ ưu tiên kết quả kỳ thi THPT quốc gia thay vì tính cả điểm cộng dẫn đến có những thí sinh được lợi 2 lần trong khi có thí sinh khác điểm thi cao nhưng không có điểm ưu tiên đành ngậm ngùi chấp nhận bị trượt.

Đề thi sẽ được thiết kế có 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân hóa. Vì số câu hỏi phân hóa ít nên mức độ phân hóa đề thi có phần hạn chế so với đề thi chỉ dùng với mục đích tuyển sinh.

Để cải thiện việc này, ngay từ đầu năm học mới, Bộ đã giao Cục Quản lý chất lượng tiếp tục triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, tăng cường mức độ phân hóa cho đề thi- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi THPT Quốc gia 2018: Yêu cầu chuẩn hóa đề thi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO