Thi THPT quốc gia 2019: Nhiều nỗ lực để tăng tính minh bạch

Triết Giang 13/05/2019 08:00

Thời điểm này, học sinh THPT trên cả nước đang bước vào giai đoạn ôn nước rút, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019. Vào cuối tuần qua (11/5), Bộ GDĐT đã có thông tin toàn cảnh xung quanh việc đăng ký nguyện vọng (NV) dự thi của thí sinh (TS); cũng như những thay đổi trong quy chế và công tác chuẩn bị trước một kỳ thi đang được xã hội đặt nhiều kỳ vọng về tính công khai, minh bạch.

Thi THPT quốc gia 2019: Nhiều nỗ lực để tăng tính minh bạch

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Thí sinh đăng ký xét tuyển sư phạm giảm

Thông tin về công tác tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết: Tổng số TS đăng ký xét tuyển ĐH- CĐ năm 2019 là 653.278, giảm 5,14% so với năm 2018. Số lượng NV trung bình của một TS là 3,94 NV. Trong đó, có 1 TS ở Hà Nội đăng ký nhiều nhất là 50 NV.

Theo bà Phụng, hiện các trường trên cả nước tuyển sinh 138 tổ hợp các môn nhưng 5 tổ hợp truyền thống (D01, A00, A01, C00, B00) vẫn được đa số các trường sử dụng để tuyển sinh cũng như đa số các TS lựa chọn, chiếm 90% số NV đăng ký. Như vậy, có thể thấy, các trường vẫn chọn những môn cốt lõi làm điều kiện xây dựng tổ hợp tuyển sinh. Những tổ hợp môn thi “lạ” năm nay không còn, do những năm trước, số lượng TS đăng ký xét tuyển các tổ hợp này rất ít. Hiện nay, các trường vẫn tuyển sinh dựa trên cơ sở chất lượng, yêu cầu ngành nghề. Phần lớn học sinh chọn các trường có chất lượng để đăng ký.

Bà Phụng cũng cho hay, qua tổng hợp số lượng NV đăng ký xét tuyển ĐH năm 2019 của thí sinh trong thời gian từ ngày 1 – 20/4, cả nước có 115.311 NV đăng ký xét tuyển ngành Sư phạm, trong đó có 39.789 NV1 ngành sư phạm. So với năm 2018, tổng số NV đăng ký xét tuyển ngành này giảm gần 8%.

Đáng chú ý, trong khi số lượng NV đăng ký xét tuyển ngành Sư phạm giảm, thì tổng chỉ tiêu đào tạo ngành Sư phạm năm 2019 lại tăng 30% so với năm 2018. Cụ thể, năm 2019, tổng chỉ tiêu đào tạo của các trường trên cả nước là 46.285 sinh viên (trong khi năm 2018, tổng chỉ tiêu ngành này là 35.590 SV). Số chỉ tiêu xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 29.690 SV (tăng gần 22% so với năm 2018); số chỉ tiêu còn lại dành cho các phương thức xét tuyển khác của các nhà trường.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2019, tổng chỉ tiêu đào tạo của các trường ĐH trên cả nước là hơn 467.000 SV, tăng gần 6% so với năm 2018. Tổng chỉ tiêu của các trường CĐ, trung cấp năm 2019 cũng tăng mạnh so với năm 2018, trong đó các trường CĐ có tổng chỉ tiêu hơn 16.000 SV, tăng 54%; các trường trung cấp có tổng chỉ tiêu hơn 5.500 sinh viên, tăng hơn 108%.

Quyết liệt siết coi thi, chấm thi

Đề cập về những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay, các trường có thủ tục sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia phải thực hiện quy trình xét tuyển chung trên hệ thống tuyển sinh. Đối với các ngành đào tạo giáo viên, y khoa, nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển với điểm thi THPT quốc gia thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế.

Theo ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), cho dù giải pháp kỹ thuật, quy trình tổ chức thi có chặt chẽ đến đâu thì việc đảm bảo an toàn, khách quan cho kỳ thi vẫn lệ thuộc vào yếu tố con người. Vì thế nên ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ sẽ tăng cường vai trò của trường ĐH-CĐ bằng cách điều động các trường ĐH-CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH-CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Trong từng khâu của công tác tổ chức thi, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên trường ĐH-CĐ được tăng cường và quy định cụ thể hơn.

Đại diện Bộ GDĐT cũng cho hay, quy định về tập huấn, thanh tra, giám sát năm nay được quan tâm. Trong đó Bộ GDĐT sẽ mời cơ quan công an tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi, kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là gian lận công nghệ cao.

Đáng lưu ý nhất là quy trình chấm thi có nhiều điều chỉnh. Bộ GDĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Hiện Bộ GDĐT đã sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi (bao gồm cả dữ liệu quét ảnh, các dữ liệu trung gian và kết quả chấm thi cuối cùng). Ông Mai Văn Trinh cũng cho biết, về chấm tự luận (bài thi Ngữ văn) vẫn phải giao cho sở GDĐT vì hầu hết các trường ĐH-CĐ không đủ điều kiện về giám khảo chấm thi. Năm nay Bộ GDĐT sẽ chủ động tiến hành phân tích, đánh giá các chỉ số thống kê kết quả thi của các Hội đồng thi và của cả nước để kịp thời phát hiện và chủ động có phương án xử lý các sai sót hay gian lận (nếu có) trước khi công bố kết quả thi. Căn cứ kết quả phân tích dữ liệu thống kê kết quả thi của các địa phương, trong trường hợp cần thiết sẽ chấm thẩm định các bài thi.

Nhằm giúp sĩ tử an tâm ôn luyện thi, ông Trinh khẳng định: Theo quy định của Bộ GDĐT, đề thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi tiếp tục theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi mở, câu hỏi có tính ứng dụng để phát huy sáng tạo của học sinh chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn. Các câu hỏi được sắp xếp theo độ khó tăng dần, giúp TS thuận lợi khi làm bài. Việc tăng tỉ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT (70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của TS sử dụng để xét tốt nghiệp THPT, thay vì tỉ lệ 50:50 như trước đây), không ngoài mục đích tăng ý nghĩa, tính chất của một kỳ thi THPT quốc gia, vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH-CĐ.

* Liên quan đến việc rà soát kiểm tra và xử lý các cơ sở đào tạo vi phạm việc tuyển sinh quá chỉ tiêu, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, thực tế khoảng 3 năm gần đây, tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh chỉ đạt hơn 80%, nên số trường vượt chỉ tiêu rất ít. Tại thời điểm thanh tra, kiểm tra, vì nhiều nguyên nhân mà một số TS đã không còn theo học nên hầu như các trường không đào tạo quá chỉ tiêu đã xác định. Hiện nay, để thực hiện tự chủ tuyển sinh và đào tạo, Bộ GDĐT đang xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục ĐH, trong đó có cơ sở dữ liệu tuyển sinh, công khai danh sách các TS đã nhập học để giám sát trong suốt quá trình đào tạo và cấp bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi THPT quốc gia 2019: Nhiều nỗ lực để tăng tính minh bạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO