Thị trường lao động thiếu nhân lực có kỹ năng nghề

Lan Hương 05/07/2019 07:00

Đây là đánh giá của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mẫu Diệp về bức tranh đào tạo và dạy nghề 6 tháng đầu năm 2019.

Theo ông Diệp, từ đầu năm đến nay các trường, trung tâm trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tuyển sinh được hơn 1 triệu người, đạt 48% kế hoạch; trong đó trình độ cao đẳng (CĐ), trung cấp tuyển được khoảng 112.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đào tạo cho khoảng 969.000 người, chiếm tới hơn 90%.

Thị trường lao động thiếu nhân lực có kỹ năng nghề

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đào tạo nghề là mục tiêu được ngành LĐTBXH ưu tiên hàng đầu Ảnh: TL.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo

Năm 2018, các cơ sở GDNN đã tuyển mới 2 triệu 210 ngàn người, trong đó trình độ CĐ và trung cấp là 440.000 người. Năm 2019, các cơ sở GDNN phấn đấu tuyển sinh đạt 2 triệu 260 ngàn người, trong đó, tuyển sinh trình độ CĐ và trung cấp là 560.000 học sinh, sinh viên.

Để đạt được mục tiêu này Bộ LĐTBXH đã có kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hoàn thành các thủ tục triển khai đào tạo thí điểm theo các chương trình chuyển giao từ CHLB Đức. Đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN; chuẩn bị xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN giai đoạn 2021 - 2030. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tuyên truyền tuyển sinh GDNN; có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công tác tuyển sinh GDNN.

Bên cạnh đó có các hoạt động nhằm tăng cường tổ chức các hoạt động gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững năm 2019, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Nhờ đó, theo tổng hợp sơ bộ, ước tuyển sinh 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 1.081 nghìn người, đạt 48% kế hoạch; trong đó trình độ CĐ, trung cấp khoảng 112 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 969 nghìn người. Cũng trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 200.000 lao động nông thôn, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số... được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Năng suất lao động còn thấp

Mặc dù đạt được kết quả trên xong ông Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực vẫn chủ yếu là trình độ sơ cấp. Tình trạng này cũng phản ánh bức tranh thị trường lao động đang thiếu lao động kỹ năng nghề, năng suất thấp.

Thực tế cho thấy dù đã có những thay đổi tích cực tuy nhiên GDNN vẫn còn tồn tại không ít thách thức. Hệ thống GDNN vẫn chưa thực sự là công cụ tạo nên những thay đổi tích cực cho thị trường lao động. Đáng chú ý dù đã có nhiều chính sách, cơ chế mở song việc huy động xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực còn nhiều bất cập, chưa thu hút được đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước, dẫn đến khó khăn trong giám sát và quản lý chất lượng. Bên cạnh đó trong bối cảnh mới của đất nước, xu hướng già hóa dân số, xu hướng phát triển khoa học công nghệ đặc biệt là làn sóng cuộc cách mạng 4.0, vấn đề hội nhập quốc tế đã tạo ra không ít thách thức trong công tác đào tạo và dạy nghề.

“Đứng trước thực trạng này nhằm đáp ứng yêu cầu mới, định hướng đến năm 2030, Bộ LĐTBXH xác định: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả GDNN là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Theo đó sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế để nâng cao năng lực quản lý GDNN, tập trung tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp; rà soát sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô, mở rộng ngành nghề đào tạo, tập trung hình thành mạng lưới trường nghề chất lượng cao…” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

* Tháng 9 tới đây sẽ diễn ra Hội thảo giáo dục 2019 với chủ đề “Phát triển GDNN trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”. Hội thảo sẽ tập trung vào 3 nội dung: Thể chế GDNN; doanh nghiệp và GDNN; chất lượng GDNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường lao động thiếu nhân lực có kỹ năng nghề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO