Cấp bách xây dựng thương hiệu Việt

Thanh Giang 09/07/2019 08:00

“Khách hàng trong và ngoài nước rất quan trọng thương hiệu sản phẩm. Sản phẩm không có tên tuổi, không thương hiệu thì người tiêu dùng không biết sản phẩm như thế nào. Thương hiệu tạo ấn tượng, niềm tin đối với khách hàng” – TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nhận định.

Cấp bách xây dựng thương hiệu Việt

Sản phẩm Việt nỗ lực xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng, mẫu mã.

Cạnh tranh bằng thương hiệu

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thời gian tới hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn hơn. Sản phẩm trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt về chất lượng, giá cả với sản phẩm ngoại nhập. Vấn đề mà doanh nghiệp (DN) cần quan tâm nhất hiện nay là nên xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm cho tốt. Nếu không có thương hiệu, sản phẩm có nguy cơ đứng ngoài “cuộc chơi”. Ngoài ra, dự báo đến năm 2022, giá trị hàng giả bán trên thị trường toàn cầu đạt khoảng 3.000 tỷ USD. Lợi dụng thương mại điện tử, hàng giả len lỏi khắp nơi.

Mới đây, tại diễn đàn Thương hiệu Việt kết nối đầu tư, xúc tiến thương mại phát triển kinh tế DN, TS Lê Đăng Doanh đã đưa ra nhận định: “DN phải xây dựng thương hiệu. Bởi vì, khách hàng trong và ngoài nước rất quan trọng thương hiệu sản phẩm. Sản phẩm không có tên tuổi, không thương hiệu người tiêu dùng không biết sản phẩm như thế nào. Thương hiệu tạo ấn tượng, niềm tin đối với khách hàng”.

Nhắc đến Mỹ người ta nghĩ đến máy bay Boeing, phần mền Microsoft; ô tô Toyota, máy ảnh Canon là đại diện của Nhật Bản; Alibaba là hình ảnh đại diện nền kinh tế Trung Quốc, Hàn Quốc có Samsung,… Vậy thương hiệu của Việt Nam là sản phẩm gì? TS Lê Đăng Doanh cho rằng, năm 2018 Việt Nam có 97 sản phẩm/dịch vụ được công nhận đạt thương hiệu quốc gia. Còn theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất thế giới năm 2018 được tổ chức Brand Finace công bố, thương hiệu của Việt Nam được định giá 235 tỷ USD, nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.

Thế nhưng, bất cập ở chỗ 47% giá trị thương hiệu của Việt Nam lại đến từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều quan điểm cho rằng, không nên thấy giá trị thương hiệu được các tổ chức nước ngoài định giá vậy mà vui mừng, do có quá nhiều thương hiệu của nhà đầu tư ngoại. Đơn cử, Samsung đặt nhà máy tại Việt Nam nhưng không thể nói điện thoại Samsung là của Việt Nam. Phải nghĩ đến chuyện nhà máy Samsung không thể đầu tư mãi tại Việt Nam, có thể nhà đầu tư này sẽ dịch chuyển sang nước khác. Lo ngại cho sản phẩm Việt, TS Lê Đăng Doanh băn khoăn: “Việt Nam có không ít nông lâm, thủy sản, xuất khẩu tiểu ngạch giá thấp, không thương hiệu. Điển hình như vải, thanh long,… xuất khẩu tiểu ngạch và được đóng gói dưới thương hiệu khác. Tỷ lệ lớn hàng may mặc, da giày của Việt Nam là gia công cho công ty nước ngoài”.

Nỗ lực phát triển thương hiệu Việt

Theo kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, trên toàn quốc có hơn 800 sản phẩm nông-lâm-thủy sản có uy tín. Tuy nhiên, hiện chỉ có 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu, một số ít đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam từng nói, Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đứng top đầu thế giới trong thời gian qua, thế nhưng việc xây dựng thương hiệu lại có nhiều bất cập. Công ty Global Home Visa LLC – California Mỹ cho hay, lượng hàng hóa Việt xuất khẩu sang thị trường Mỹ ngày càng tăng theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, để có thể phát triển thương hiệu thành công ở thị trường Mỹ buộc DN phải đầu tư nhiều công sức, tiền của. Trong đó, cần thiết phải đăng ký bảo hộ thương hiệu trước khi hàng hóa được nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Song song đó, phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nội dung ghi trên nhãn mác sản phẩm cho phù hợp với theo quy định.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long nhận định, xu thế thị trường ngày càng đòi hỏi hàng hóa phải đáp ứng các tiêu chí cao về mẫu mã, chất lượng. Việc xây dựng thương hiệu cần theo lộ trình, định hướng cụ thể. Trong khi đó, bà Cao Thị Thanh - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, cho hay: “Chất lượng của nông sản Lâm Đồng ngày càng được nâng cao. Các đơn vị sản xuất ứng dụng quy trình chuẩn vào quá trình sản xuất để kiểm soát chất lượng. Hiện nay Lâm Đồng đang xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh”.

Thực tế cho thấy, do hạn chế về nhân lực tài chính nên việc xây dựng thương hiệu trong cộng đồng DN chưa đạt kết quả khả quan. Cũng vì khó khăn về tài chính mà nhiều DN chấp nhận bán thương hiệu hoặc không duy trì được “đứa con tinh thần”. Yêu cầu đặt ra hiện nay, cần tái cơ cấu sản xuất hướng đến sản phẩm đạt chất lượng ổn định, mẫu mã bắt mắt, từng bước xây dựng thương hiệu. Trong đó, chú ý đến kinh tế hộ gia đình. Khu vực kinh tế hộ gia đình đang đóng góp khoảng 32% GDP nhưng chưa đăng ký thương hiệu, năng lực cạnh tranh thấp. Thậm chí, còn tình trạng lơ là đăng ký thương hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấp bách xây dựng thương hiệu Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO