Cầu nối để doanh nghiệp vươn xa

H.Vũ (thực hiện) 09/07/2018 07:01

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011; trong đó có sự đóng góp tích cực từ xuất khẩu. Trao đổi với Đại Đoàn kết, ông Vũ Hồng Nam-Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, cần tìm hiểu thị trường cần gì để xuất khẩu, đồng thời gắn với cơ cấu lại sản xuất trong nước.

Cầu nối để doanh nghiệp vươn xa

Ông Vũ Hồng Nam.

PV:Thưa ông, trong bối cảnh xuất khẩu nông, thủy sản ra các thị trường truyền thống đã có dấu hiệu đi xuống, việc tìm kiếm thị trường mới là vô cùng cấp thiết nhưng tại sao Bộ Ngoại giao lại đưa ra hướng xuất khẩu sang thị trường Trung Đông-Châu Phi?

Ông Vũ Hồng Nam: Sản xuất nông sản, thực phẩm của nước ta tăng rất mạnh trong khi đó những thị trường truyền thống cơ bản đã bão hòa. Trong mấy năm qua, chúng tôi thấy tăng trưởng ở thị trường truyền thống không tăng nhiều, sản phẩm sản xuất bị dư thừa. Nhiệm vụ của ngoại giao kinh tế là phải hỗ trợ các doanh nghiệp để xuất khẩu nông, hải sản. Chúng tôi chọn Châu Phi vì đây là thị trường rộng lớn, có sức mua lớn song chúng ta cung cấp cho thị trường này với tỷ lệ chưa đáp ứng được 1% nhu cầu của bạn.

Vì thế chúng tôi hướng tới mục tiêu kết nối các doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, kết nối các DN, các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện tại các nước. Bên cạnh đó chúng tôi cũng cung cấp nhiều thông tin hỗ trợ cho các DN, và ngược lại thông tin của các doanh nghiệp cũng rất bổ ích cho cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, Bộ Ngoại giao thấy được yêu cầu của các DN là gì để thay đổi mô hình cũng như cơ chế để hỗ trợ cho các DN.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã bày tỏ những khó khăn vướng mắc trong tiếp cận thông tin, và làm sao tiếp cận với nước sở tại hay những hỗ trợ về mặt pháp lý. Vậy thời gian tới Bộ Ngoại giao sẽ có hướng hỗ trợ như thế nào nhằm giúp cho các doanh nghiệp của ta xuất khẩu sang nước ngoài, thưa ông?

- Hiện chúng tôi hỗ trợ DN ở trên 2 địa tầng. Ở góc độ vĩ mô, Bộ có Vụ Tổng hợp kinh tế; Vụ Trung Đông-Châu Phi; Vụ Hợp tác kinh tế đa phương để tiếp nhận các yêu cầu của DN cần thông tin gì thì chúng tôi sẽ thẩm định để hỗ trợ. Bên cạnh đó, có một website cung cấp thông tin và tiếp nhận các yêu cầu qua email của Vụ Tổng hợp kinh tế.

Ngược lại, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài hiện có 15 cơ quan đại diện ở Trung Đông và Châu Phi cũng có bộ phận thương vụ tiếp nhận các yêu cầu của doanh nghiệp để hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các DN về thị trường cũng như về nguồn cung. Đồng thời các cơ quan đại diện cũng hỗ trợ trực tiếp cho các DN khi đi sang những thị trường đó. Khi DN sang sẽ được hỗ trợ cung cấp thông tin, kể cả hỗ trợ liên quan đến thủ tục, hoặc kết nối với các DN đối tác của bạn, hướng tới làm sao môi trường hỗ trợ cho các DN được tốt hơn và thuận tiện hơn.

Vấn đề đặt ra là làm sao phát huy được vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giúp DN trong nước làm ăn, xuất khẩu, tìm kiếm thị trường, nhất là vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thưa ông?

- Thực ra chúng tôi có rất nhiều thông tin nhưng cái khó nhất là các thông tin tới được các DN cụ thể. Thông tin về thị trường, nhu cầu hàng hóa đối tác rất nhiều nhưng chuyển về thì hệ thống để giúp DN trong nước tiếp nhận là chưa có. Bây giờ phải cải thiện làm sao để kết nối hạ tầng, các DN Việt Nam có nhu cầu và các thông tin ở phía bạn làm sao kết nối trực tiếp được với nhau. Và hiện chúng tôi đang làm và đẩy mạnh vấn đề này.

Hầu hết các DN vẫn xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, nhưng hiện các thị trường này đang gặp nhiều khó khăn. Vậy theo ông làm sao thay đổi được thói quen này cho các DN bởi nếu không xuất khẩu được hàng hóa của ta sẽ bị dư thừa?

- Mở một thị trường mới sẽ có rất nhiều rủi ro cho các DN. Nhưng nếu chúng ta không chấp nhận rủi ro, thách thức thì sẽ không bao giờ mở được thị trường cả. Để hỗ trợ cho DN, chúng tôi có câu cửa miệng là “ngoại giao đi trước, đón đầu”. Chúng tôi sẽ là người tìm hiểu thị trường, tìm hiểu khó khăn và tìm cách hóa giải những cái khó, nhằm tạo ra khoảng an toàn để cho các DN vào thị trường bạn. Trong quá trình doanh nghiệp sang để tìm kiếm thị trường, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, kết nối với các DN. Khi DN đứng chân trên thị trường, nghĩa là hàng hóa đã xuất khẩu được rồi thì DN sẽ tự đứng trên đôi chân của mình.

Hiện chúng ta chỉ tập trung xuất khẩu vào những thị trường lớn có giá trị xuất khẩu lớn nhưng gặp phải rất nhiều rào cản, trong khi có nhiều thị trường có tiềm năng, yêu cầu tiêu chuẩn đặt ra cũng thấp hơn EU hay Mỹ giờ chúng ta mới đẩy mạnh. Vậy làm sao để xuất khẩu tăng trưởng trong thời gian tới, thưa ông?

- Để đẩy được tăng trưởng phải đồng bộ nhiều hệ thống từ tài chính, ngân hàng, kinh tế. Như Bộ Ngoại giao hỗ trợ thông tin, kết nối với DN về cung và cầu. Nhưng để có một sản phẩm xuất sang thị trường nào đó lại phải kèm theo hệ thống ngân hàng thanh toán. Anh không thể bán hàng khi anh không lấy được tiền về. Ví dụ hiện nay hệ thống ngân hàng của ta tại Châu Phi hầu như chưa có hệ thống kết nối các ngân hàng đại lý cũng như hợp tác trực tiếp giữa các ngân hàng với nhau. Cho nên khó khăn lớn nhất của DN là xuất hàng sang đó và chuyển ngoại tệ về nước.

Chúng tôi đã nghĩ đến cơ chế “hàng đổi hàng”, nghĩa là DN A xuất hàng sang có tiền, thì DN B sử dụng tiền đó để nhập hàng về. Đó là mô hình hàng đổi hàng nhưng hiện nay cũng chưa mở rộng được nhiều mô hình như thế. Thứ hai là rủi ro của đối tác khi họ không có khả năng thanh toán, nếu DN của ta kết nối với các doanh nghiệp như vậy sẽ dẫn đến đổ bể. Do đó công tác thẩm định rất quan trọng nên các cơ quan thương vụ phải làm sao đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp khi ký kết được các hợp đồng hợp tác, hay thương mại với các đối tác ở phía bên bạn.

Thưa ông, thời gian tới làm sao đưa được nhiều sản phẩm nông sản của ta ra thị trường thế giới vì nước ta là nước nhiệt đới có rất nhiều nông sản?

- Chúng ta có khó khăn là phụ thuộc vào khoảng cách địa lý và giá vận tải. Nếu xử lý được 2 cái đó sẽ giải quyết được khó khăn. Muốn xử lý giá trị vận tải thì phải xuất khẩu với số lượng lớn để giá trị vận tải chia đều cho các đơn vị nhỏ, lúc đó giá trị sản phẩm sẽ giảm đi.

Nhưng muốn xuất khẩu với số lượng lớn thì lại phải có hệ thống phân phối. So với các nước khác chúng ta kém họ về hệ thống đại lý phân phối, các cửa hàng tiếp nhận sản phẩm. Các tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước về hoa quả rất là lớn vì nước nào họ cũng có hoa quả. Khi đưa hoa quả của ta vào bao giờ họ cũng có xu hướng bảo hộ ở góc độ giá trị sản phẩm, làm sao giá trị sản phẩm mà ta xuất sang không rẻ hơn nhiều so với cái họ đang trồng trong nước, hoặc sản xuất trong nước.

Thứ hai về mặt vệ sinh dịch tễ, họ dùng kỹ thuật để hạn chế vì họ rất sợ đi kèm theo các sản phẩm nông nghiệp là các vi khuẩn có hại gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của họ. Đó là những khó khăn chúng ta cần phải vượt qua, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của họ thì mới xuất khẩu được.

Nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là tìm thị trường, tìm kiếm đối tác. Ví dụ gạo đã xuất được rồi thì phải làm sao xuất được nhiều hơn nữa. Tuy nhiên phải thay đổi cơ cấu sản xuất. Đơn cử như nhiều nước dùng gạo nhưng gạo là loại khác chứ không giống như ta. Do đó, bây giờ phải thay đổi cơ cấu, sản xuất loại gạo hay những sản phẩm mà họ cần thì lúc đó mới xuất khẩu được. Hay có những nước không ăn gạo, mỳ mà ăn ngô thì ta phải xuất khẩu ngô. Do đó thay đổi cơ cấu sản xuất cũng là cách để đẩy xuất khẩu lên.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cầu nối để doanh nghiệp vươn xa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO