Chỉ số PCI 2017: Niềm tin vào môi trường kinh doanh tăng lên

23/03/2018 02:15

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành ấn tượng của các địa phương. Đặc biệt, chi phí không chính thức có xu hướng được cải thiện tích cực, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là nội dung của báo cáo PCI năm 2017 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 22/3 tại Hà Nội.

Chỉ số PCI 2017: Niềm tin vào môi trường kinh doanh tăng lên

Thủ tục cấp phép đầu tư kinh doanh tại nhiều địa phương đã được cải thiện đáng kể.

Quảng Ninh lần đầu quán quân

Trong bảng xếp hạng PCI 2017, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7/100 điểm. Quảng Ninh cũng là địa phương liên tục đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước kể từ năm 2013. Theo nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã tập trung cải cách hành chính qua việc vận hành mô hình Trung tâm hành chính công và thành lập Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, từ đó, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho các nhà đầu tư, DN. Điều này thể hiện qua việc Quảng Ninh đứng đầu chỉ số thành phần gia nhập thị trường PCI 2017, với chỉ 6% DN phải chờ đợi trên 1 tháng cho việc có đủ giấy phép để đi vào hoạt động và trên 80% DN đánh giá thủ tục niêm yết công khai, cán bộ am hiểu chuyên môn… Đặc biệt, việc triển khai xây dựng và công bố thường niên Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, huyện và thành phố (DDCI) từ năm 2015 của Quảng Ninh được các chuyên gia PCI đánh giá cao.

Đứng thứ hai là Đà Nẵng - nơi các doanh nghiệp dân doanh tiếp tục đánh giá tương đối tích cực về việc giải quyết thủ tục hành chính. Trong các chỉ số thành phần năm 2017, chỉ số môi trường cạnh tranh bình đẳng có điểm số thấp nhất. Qua các năm, chỉ số thành phần này của Đà Nẵng có xu hướng sụt giảm.

Là khởi nguồn của mô hình cà phê doanh nhân đang được áp dụng rộng rãi, Đồng Tháp xếp thứ ba trong bảng xếp hạng – lập kỷ lục 10 năm liên tiếp trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu. Trong khi đó, hai địa phương lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xếp lần lượt ở vị trí 13 và 8. Báo cáo của VCCI cho biết, điều tra PCI 2017 ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành rất ấn tượng của chính quyền các địa phương trên cả nước. So với những năm trước, các chính quyền giải quyết kịp thời hơn khó khăn, vướng mắc cho DN.

Chỉ số PCI 2017: Niềm tin vào môi trường kinh doanh tăng lên - 1

Niềm tin của cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy.

Chỉ số chi phí không chính thức đã được kéo giảm

Điểm nổi bật của chỉ số PCI 2017 phải kể đến chỉ số về chi phí không chính thức đã giảm đáng kể so với năm 2016. Báo cáo của VCCI nêu rõ, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã rất quyết liệt trong chống tham nhũng trong 2 năm qua. Theo đó, một loạt các vụ án tham nhũng lớn được điều tra, xét xử. Dù ít được biết đến hơn nhưng việc điều tra, xét xử các vụ án này chính là một phần trong chương trình cải cách hành chính tổng thể nhằm ngăn ngừa hành vi tham nhũng, trong đó tăng cường minh bạch thông tin và cải cách dịch vụ công với mục đích nâng cao tính chịu trách nhiệm của cán bộ công quyền.

Sau nhiều năm liên tục tăng, năm 2017 ghi nhận có sự giảm trông thấy ở 3 chỉ tiêu đo lường tham nhũng, đó là: tỷ lệ DN cho rằng phải chi trả chi phí không chính thức là phổ biến; tỷ lệ phần trăm trong tổng thu nhập mà DN bỏ ra hàng năm để chi các khoản không chính thức; và chi trả “hoa hồng” là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu. Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), việc tỷ lệ DN chi trả chi phí không chính thức dù giảm xuống còn hơn 59% nhưng đây vẫn là một tỷ lệ khá cao và việc giảm loại chi phí này vẫn là một hành trình dài.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, niềm tin của cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy: 52% DN tư nhân trong nước và 60% DNFDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây. Đáng chú ý là, trong hành trình cải thiện môi trường kinh doanh, các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều bứt phá, rút ngắn một cách ngoạn mục khoảng cách với các tỉnh/thành phố thuộc nhóm tiên phong. Tác động cải cách đã lan tỏa từ 5 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Đây là những địa phương có sự cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành, và lần đầu tiên đã góp mặt đầy đủ trong trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong năm qua.

Nhấn mạnh về những điểm tích cực do việc điều tra PCI mang lại, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daiel Kritenbrink cho rằng: Báo cáo PCI có tác động to lớn trong việc thúc đẩy tính minh bạch và cải thiện chất lượng điều hành kinh tế tại Việt Nam và điều này góp phần quan trọng vào việc tăng cường các cơ hội đầu tư và thương mại tại Việt Nam, từ đây mở ra những kỳ vọng mới cho đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Tuy nhiên, PCI 2017 cũng chỉ ra việc tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất có chiều hướng khó khăn hơn. Báo cáo của VCCI cho biết, khoảng 1/3 DN đánh giá quy hoạch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của DN; 1/4 DN nhận định việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai chưa thuận lợi và còn khá mất thời gian.Theo chia sẻ của các DN, họ càng gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh. Bên cạnh đó là gia tăng mức độ rủi ro bị thu hồi đất. Tỷ lệ DN có đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm nhẹ so với năm 2016 và thấp hơn nhiều mức kỷ lục từng ghi nhận năm 2012 và năm 2013. DN cho biết, sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, họ gặp phải rất nhiều phiền hà trong các thủ tục về giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân hay các thủ tục, quy định khác của tỉnh.

Báo cáo chỉ số PCI 2017 nhấn mạnh: “Các DN mong muốn, chính quyền các cấp tiếp tục duy trì đà cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian tới, cụ thể trong một số lĩnh vực như thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành... Việt Nam cần có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, nhất là nhân lực trình độ cao. Việc nâng cao chất lượng quản lý là giải pháp quan trọng để cải thiện hiệu quả hoạt động của các DN trong nước, giúp gia tăng quy mô sản xuất kinh doanh cũng như tạo cơ hội cho các DN tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.”

Minh Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ số PCI 2017: Niềm tin vào môi trường kinh doanh tăng lên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO