Chuẩn bị cho một mùa vải thiều

Hạnh Nhân 28/04/2020 08:00

Hiện 2 vựa vải lớn nhất nước là Bắc Giang và Hải Dương đang lên các kịch bản tiêu thụ sản phẩm mùa vải thiều 2020. Đặc biệt, nhằm tránh phụ thuộc vào một thị trường, giải pháp xuất khẩu vải tươi sang Nhật Bản đang được chuẩn bị rất kỹ, đồng thời việc khai thác thị trường nội địa cũng được các địa phương tích cực kết nối.

Chuẩn bị cho một mùa vải thiều

Mùa vải thiều ở Thanh Hà (Hải Dương).

Năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, vải sớm thu hoạch từ ngày 20/5 đến ngày 5/6 đạt 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đạt trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Bắc Giang là 15.000 ha, sản lượng ước đạt 110.000 tấn. Vải chứng nhận GlobalGAP với 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn sẽ phục vụ các thị trường cao cấp. Trong đó, có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103 ha.

Còn tại Hải Dương, hiện có khoảng 10.000 ha vải, tập trung ở huyện Thanh Hà và TP Chí Linh. Trong đó, trên 300 ha vải được chứng nhận VietGAP và trên 80% diện tích vải Hải Dương được sản xuất theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 13 vùng trồng với diện tích gần 132 ha vải được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu vải đi các thị trường Mỹ, Australia, EU. Những năm gần đây, có khoảng 10% sản lượng vải đi các thị trường khó tính như Anh, Pháp, Australia, Hàn Quốc và thậm chí đã xuất khẩu vải cấp đông sang thị trường Nhật Bản. Sản lượng vải của Hải Dương năm nay dự kiến đạt 45.000 tấn (tăng 20.000 tấn so năm 2019). Trà vải sớm đạt khoảng 20.000 tấn, vải thiều đạt khoảng 25.000 tấn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường vừa đi kiểm tra tình hình sản xuất cũng như tìm hướng đi mới cho quả vải tươi của tỉnh Bắc Giang sang thị trường Nhật Bản.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng các kịch bản cụ thể đối với tiêu thụ vải tươi. Đối với kịch bản thuận lợi nhất, đó là xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và thị trường mới. Kịch bản thứ hai là khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được. Kịch bản thứ ba là khó khăn nhất là không xuất khẩu được. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt coi trọng thị trường nội địa, tỉnh sẵn sàng khởi động cả 3 kịch bản này trong mọi tình huống, chủ động tốt nhất để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất, tiêu thụ được sản phẩm. Thị trường trong nước là thị trường tiềm năng với khoảng 100 triệu dân, khai thác tốt thị trường trong nước thì sản lượng vải của Bắc Giang hoàn toàn không phải lo lắng về đầu ra.

Về kế hoạch xuất khẩu vải tươi sang Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải thống nhất giao cho các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT, Sở NNPTNT Bắc Giang thường xuyên phối hợp, trao đổi với nhau để cùng giải quyết các thủ tục kỹ thuật, kiểm dịch, thị trường một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất. Bộ trưởng đánh giá cao về cơ cấu mùa vụ vải của Bắc Giang với 30% diện tích vải vụ sớm cùng với 3 kịch bản cho sản xuất, xuất khẩu. “Tuy nhiên, tỉnh cần tiếp tục rà soát kỹ hơn các kịch bản. Bắc Giang cần chú ý kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ thực vật để đảm bảo năm nay tiếp tục có vụ vải được mùa, được giá”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Với tỉnh Hải Dương, để chuẩn bị các điều kiện cần thiết đưa quả vải xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản trong năm 2020, Sở NNPTNT tỉnh đã đề nghị UBND huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh là 2 địa phương trồng vải trọng điểm của tỉnh thực hiện việc rà soát, đăng ký mới vùng trồng vải xuất khẩu năm 2020. Theo đó, tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát lại các vùng đã được cấp mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Mỹ, Australia và Liên minh châu Âu (EU) trong những năm trước. Đồng thời, phối hợp với Chi cục và Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, rà soát, chuẩn hóa lại những vùng trồng đã có mã số.

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Nhật, Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương cũng đã gửi thông báo tới các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ hỗ trợ tối đa cho những doanh nghiệp nào xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản một cách thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, tổ chức kết nối doanh nghiệp với các vùng trồng, quản lý kiểm dịch thực vật cho vải trước khi xuất khẩu, hỗ trợ giám sát vùng trồng và các điều kiện cần thiết khác cho việc xuất khẩu vải sang Nhật Bản.

Theo đó, quả vải tươi sẽ là mặt hàng hoa quả tươi thứ 4 của Việt Nam sau thanh long, xoài và chuối được phép nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe nhất thế giới.

Tại Hải Dương, hiện có khoảng 10.000 ha vải, tập trung ở huyện Thanh Hà và TP Chí Linh. Trong đó, trên 300 ha vải được chứng nhận VietGAP và trên 80% diện tích vải Hải Dương được sản xuất theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 13 vùng trồng với diện tích gần 132 ha vải được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu vải đi các thị trường Mỹ, Australia, EU. Những năm gần đây, có khoảng 10% sản lượng vải đi các thị trường khó tính như Anh, Pháp, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn là thị trường tiềm năng với khoảng 100 triệu dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuẩn bị cho một mùa vải thiều

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO