Doanh nghiệp tìm chỗ đứng trên thị trường nội

Minh Phương 03/06/2019 08:00

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tiêu dùng của người dân cũng như tư duy, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp (DN) trong nước. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của nhiều DN cho thấy, không phải DN cứ muốn đưa hàng Việt đến tay người Việt là được, còn phải phụ thuộc nhiều vào năng lực tài chính cũng như chiến lược kinh doanh của mỗi DN.

Doanh nghiệp tìm chỗ đứng trên thị trường nội

Doanh nghiệp Việt từng bước chinh phục thị trường nội bằng chất lượng.

Thách thức từ thị trường nội

Nhiều DN cho biết, đồng hành cùng với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” 10 năm qua, các DN đã ngày càng gây dựng được niềm tin nơi người tiêu dùng trong nước. Thông qua Cuộc vận động, các DN cũng tự tin hơn trong việc mở rộng quy mô, đẩy mạnh phát triển sản xuất bởi đứng sau họ là cả một cộng đồng, cả một xã hội ủng hộ sản phẩm, từ đó các DN sẽ có trách nhiệm hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Dệt may là một trong những ngành đang từng bước ghi được nhiều dấu ấn trên cả thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế. Theo ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thời gian qua, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được những thành tích nổi bật trong công tác xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã tăng lên tới trên 36 tỷ USD, đứng vào nhóm 2 nước dẫn đầu thế giới về quy mô xuất khẩu.

Với thị trường trong nước, ngành dệt may cũng ngày càng chinh phục được 90 triệu dân với những sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, để có thể phát triển được tại thị trường nội địa, theo vị Giám đốc Tập đoàn Dệt may, đôi khi còn thấy nhiều rào cản hơn cả khi xuất khẩu ra thế giới. Sở dĩ nói như vậy, là bởi, theo ông Trường, các DN ngành may mặc muốn chinh phục được thị trường nội địa phải luôn trả lời được 3 câu hỏi, đó là: Bán ra thị trường với thương hiệu nào? Thiết kế ra sao, màu sắc kiểu dáng thế nào, quy mô bao nhiêu? Thứ hai là DN sẽ phân phối sản phẩm ở đâu và thứ ba là nguồn tài chính cho việc phát triển thị trường nội địa.

Trên thực tế, ông Trường cho biết, DN khi làm xuất khẩu, hàng hóa đưa ra các thị trường quốc tế thì chỉ trong vòng 90 ngày là tiền đầu tư sẽ quay trở về với DN. Song, tại thị trường nội địa lại khó khăn hơn nhiều. Với thị trường nội địa, DN từ lúc chuẩn bị thiết kế, lựa chọn sản phẩm và cung cấp ra thị trường đòi hỏi thời gian tối thiểu trên 12 tháng. Trong khi phần lớn các DN Việt hiện nay là DN nhỏ và vừa, năng lực tài chính còn hạn chế, cho nên những thách thức nói trên thực sự là rào cản lớn đối với các DN. Nếu không có các bước tính toán thật phù hợp với năng lực của mình, DN sẽ rất khó tồn tại được trên thị trường, lúc đó mục tiêu đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng Việt coi như bị phá sản.

Những thuận lợi từ cuộc vận động

Mặc dù vậy, vị Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may vẫn nhận thấy nhiều thuận lợi khách quan khi DN muốn đưa hàng Việt tiếp cận thị trường nội địa. Trong đó, thuận lợi căn bản chính là sức ảnh hưởng tích cực của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cuộc vận động đã tạo ra không khí hết sức tích cực, giúp người tiêu dùng ưu tiên tìm kiếm, mua sắm hàng hóa Việt. Bên cạnh đó, trong 10 năm qua, hệ thống phân phối trong nước với hàng loạt siêu thị thương mại phát triển rất nhanh chóng, trong bối cảnh tăng trưởng GDP của cả nước đồng đều và ở mức cao, thu nhập trung bình trong nhân dân đã khá lên làm tăng sức cầu.

Và để giải quyết bài toán phát triển hàng Việt tại thị trường nội địa, ông Trường cho biết, trong 10 năm qua, Tập đoàn đã tập trung đầu tư mạnh vào khâu thiết kế, đưa ra những sản phẩm may mặc phù hợp với thị hiếu, sở trường của người Việt. Với chiến lược có sự đầu tư, tính toán kỹ, các DN ngành dệt may đang ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam. “Đến thời điểm này, hàng dệt may của các DN Việt chiếm thị phần trên 70% tại các trung tâm mua sắm, các đô thị lớn và nếu tính thị phần trong khu vực hàng hóa tiêu dùng, sản phẩm dệt may đã chiếm xấp xỉ 100%” – ông Trường khẳng định.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những kết quả rõ rệt khi tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Cuộc vận động cũng đã khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế.

Chia sẻ về “chiến dịch” xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng Việt, ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc thường trực Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho hay, thời gian qua, Saigon Co.op luôn xây dựng tạo nên nhiều sân chơi khác nhau cho hàng Việt bằng việc đa dạng hóa các mô hình kinh doanh, tạo ra những phân khúc riêng cho hàng Việt để mỗi DN cung ứng có thế mạnh tự chọn cho mình một sân chơi phù hợp. Các DN phân phối luôn đồng hành và hợp tác với các nhà cung cấp hàng Việt thông qua các hoạt động bình ổn thị trường; bình ổn giá; đưa hàng Việt về nông thôn… chung tay với nhà quản lý và cộng đồng DN tạo cho người tiêu dùng Việt cái nhìn khác hơn về hàng Việt, ngày càng tin dùng hàng Việt hơn so với trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp tìm chỗ đứng trên thị trường nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO