Đóng cửa hàng quán chặn dịch Covid-19

Nhóm PV 27/03/2020 23:50

Ngày 27/3, theo ghi nhận của nhóm PV báo Đại Đoàn kết, các cơ sở dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành đều đã đóng cửa, ngừng hoạt động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhằm kiên quyết ngăn chặn, không để nguồn dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

Đóng cửa hàng quán chặn dịch Covid-19

Hàng quán đóng cửa, phố phường Hà Nội trở nên vắng vẻ trong ngày 27/3. Ảnh: Quang Vinh.

Hà Nội: Hàng loạt các cửa hàng ăn uống, dịch vụ đóng cửa

Những ngày này, xung quanh khu vực bệnh viên Bạch Mai (quận Đống Đa) nơi được coi như một ổ dịch, tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh Covid -19 ra cộng đồng, các cửa hàng ăn uống cũng đã đồng loạt đóng cửa. Chỉ những cửa hàng thuốc, siêu thị là dịch vụ thiết yếu được mở cửa để phục vụ nhu cầu của người dân.

Ông Võ Nguyên Phong, Chủ tịch UBND quận Đống Đa thông tin: Ngay khi nhận được thông báo, để đảm bảo các yêu cầu không gian xung quanh bệnh viện, quận đã chỉ đạo phường xem xét đóng cửa các cửa hàng ăn uống quanh bệnh viện và chuẩn bị các suất ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhu cầu của bệnh viện.

Từ trưa 26/3, chính quyền phường Phương Mai đã đi từng ngõ, từng phố vận động người kinh doanh đóng cửa hàng và khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà, nếu ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang.

Đóng cửa hàng quán chặn dịch Covid-19 - 1

Ở khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm, sầm uất nhất là khu phố Tây Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, phố Nhà Thờ, xung quanh hồ Gươm như: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tượng đài Lý Thái Tổ, phố Tràng Tiền… thời điểm này đều trong cảnh vắng lặng. Các hộ kinh doanh đồ ăn uống, thời trang, hàng lưu niệm và công ty du lịch tư nhân đều “cửa đóng, then cài” và treo biển “tạm ngừng kinh doanh vì dịch bệnh Covid – 19” bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Cơ quan chức năng của các phường nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng đến từng hộ kinh doanh vận động ký cam kết tạm dừng hoạt động. Ở một vài con phố, có thể bắt gặp những người già chỉ dám mở cửa sổ nhìn ra ngoài đường.

Cũng cảnh đìu hiu này, nhiều con phố nổi tiếng ngột ngạt, tắc đường như: Thái Hà, Láng Hạ, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Khâm Thiên, Cát Linh,… giờ cao điểm cũng có thể đếm được số xe chạy trên đường. Những cửa hàng thời trang lớn, nội thất, vật liệu xây dựng, nhà hàng khách sạn, nằm trên những tuyến phố này cũng tạm ngưng hoạt động.

Đóng cửa hàng quán chặn dịch Covid-19 - 2

Các hàng quán đồng loạt đóng cửa, Hà Nội không còn vẻ sôi động hàng ngày.

Các địa phương nhanh chóng vào cuộc

Sau khi chính quyền TP HCM có quyết định tạm dừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, cơ sở làm đẹp... UBND các quận huyện đã nhanh chóng chỉ đạo các lực lượng triển khai quyết định trên địa bàn của mình. Hiện tại, hầu hết nhà hàng, quán nhậu, phòng tập thể hình (gym), tiệm hớt tóc… trên địa bàn TP HCM đã đóng cửa. Một số quán kinh doanh cà phê, dù không nằm trong danh mục bị buộc phải ngưng kinh doanh nhưng cũng ghi biển xin lỗi không phục vụ. Một số khu vực như đường Trường Sa, Hoàng Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đi qua nhiều quận trung tâm vẫn được coi là “con đường ăn nhậu” của TP HCM giờ đây cũng rất im ắng. Đoạn đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), một trong những khu ăn uống sầm uất của thành phố cũng đã phải ngừng kinh doanh.

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM cũng đã gửi văn bản tới UBND 24 quận huyện trên địa bàn đề nghị triển khai hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Theo đó, các cửa hàng, quầy hàng, quán ăn, nhà hàng, thức ăn đường phố, căngtin cơ quan, bệnh viện chỉ phục vụ tối đa 30 người ăn uống cùng thời điểm. Đồng thời phải nghiêm túc thực hiện việc hạn chế tụ tập đông người, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và các nguyên tắc phòng chống dịch...

Trước đó, TP Dĩ An (Bình Dương) là địa phương giáp ranh với TP HCM cũng yêu cầu các nhà hàng, tiệm hớt tóc, phòng tập gym… tạm dừng hoạt động. Theo đó, các khu vui chơi giải trí, các địa điểm hát với nhau, nhà hàng, quán bar, club, các cơ sở kinh doanh ăn uống (từ 30 người trở lên), CLB bida, phòng tập gym, các cơ sở uốn tóc, hớt tóc (từ 10 người trở lên) bắt đầu tạm dừng hoạt động từ 18 giờ từ ngày 25/3 đến hết ngày 31/3.

Bình Thuận - một trong 15 tỉnh, thành còn dịch Covid-19, cũng là nơi có khá đông khách du lịch nước ngoài đang lưu trú cũng đã nhận được chỉ đạo từ UBND tỉnh tạm dừng kinh doanh nhà hàng, quán bia, quán ăn, cà phê, giải khát (công suất phục vụ 30 người trở lên); tạm dừng hoạt động các cơ sở hớt tóc máy lạnh, các cơ sở vui chơi, giải trí dành cho thanh - thiếu niên, các câu lạc bộ thể thao… từ 17h ngày 26/3 cho đến khi có chỉ đạo mới của UBND tỉnh.

UBND tỉnh Khánh Hòa tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết, trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, mặt hàng thiết yếu từ 0h ngày 26/3. Cùng với đó, UBND tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ cũng có công văn yêu cầu chủ các doanh nghiệp tạm thời đóng cửa các cơ sở massage, karaoke... và tránh tập trung quá 50 người.

Gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19. Dự thảo Nghị định quy định áp dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong nhiều ngành nghề, trong đó các ngành như dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống đều được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất. Riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế cho biết Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho gia hạn thuế giá trị gia tăng mà không phân biệt ngành nghề kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đóng cửa hàng quán chặn dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO