Gần 5,95 triệu con lợn phải tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi

Bích Hồng 17/12/2019 06:00

Tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch công tác năm 2020” do Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 16/12, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tốc độ chăn nuôi sẽ tiếp tục phát triển và yêu cầu Cục Thú y phải nhận dạng những khó khăn để tập trung các giải pháp ngay từ đầu năm 2020, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Cục Thú y không chỉ có nhiệm vụ là phòng, chống dịch bệnh mà còn phải xúc tiến thương mại.

Từ tháng 2/2019, dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện và lây lan trên phạm vi cả nước, gây thiệt hại rất lớn. Đến ngày 11/12/2019, bệnh dịch này đã xảy ra tại 8.553 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy gần 5,95 triệu con; với tổng trọng lượng trên 340.000 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước.

Tình hình dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay. Dự báo, hết tháng 12, số lợn buộc phải tiêu hủy khoảng 50.000 con, giảm 67% so với tháng 11 và giảm 96% so với tháng 5 – tháng cao điểm của dịch.

Hiện cả nước có 2.802 xã thuộc 528 huyện của 62 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày; có 5.751 xã (chiếm 67,2 tổng số xã có dịch) thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày. Hiện tỉnh Hưng Yên đã hết dịch và tỉnh Hải Dương đã có 100% xã đã qua 30 ngày; 16 tỉnh, thành phố có trên 85% số xã đã qua 30 ngày. Tuy nhiên, có 599 xã thuộc 249 huyện của 47 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.

Ông Bạch Đức Lữu- Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh; vi rút tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền bệnh rất phức tạp, chăn nuôi hộ gia đình khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Thời gian tới, thời tiết thay đổi bất lợi, gia tăng vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ lợn vào dịp Tết Nguyên đán năm 2020... nên nguy cơ dịch bệnh tái phát cao, ảnh hưởng đến việc nuôi tái đàn; kể cả các trang trại chăn nuôi công nghiệp cũng có nguy cơ bị bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Phạm Văn Đông- Cục trưởng Cục Thú y thông tin, từ giữa năm 2018, nhiều địa phương thực hiện sắp xếp, sát nhập hệ thống thú y các cấp nên việc phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc dự báo dịch bệnh, báo cáo dịch, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn từ Trung ương đến địa phương…

Năm 2019 việc kiểm dịch động vật xuất khẩu tăng với gần 9.400 con, tăng 96% so với năm 2018. Kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đạt gần 55.600 tấn, tăng gần 55%; đặc biệt, trong số đó, kiểm dịch thịt gà đã chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản năm 2019 tăng gần 44%.

Đóng góp vào thành công trên là nhờ cả nước đã có 221 cơ sở, chuỗi sản xuất và vùng chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh; 32 vùng an toàn dịch bệnh (31 vùng cấp quận/huyện và 1 vùng cấp toàn tỉnh/thành phố), 138 cơ sở cấp xã và 1.662 cơ sở cấp trang trại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Tổ chức Thú y thế giới (OIE) hỗ trợ Việt Nam xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh; trong đó có chuỗi chăn nuôi lợn tại Bình Thuận, chuỗi chăn nuôi gia cầm tại Bình Phước để xuất khẩu.

Trong năm 2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra ở 24 tỉnh thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133.000 con. Hiện cả nước có 2 ổ dịch cúm gia cầm tại Tuyên Quang và Vĩnh Long chưa qua 21 ngày. So với năm 2018, năm 2019, dịch lở mồm long móng xảy ra ở phạm vi rộng hơn, tuy nhiên số gia súc mắc bệnh, chết và tiêu hủy đã giảm tại 114 huyện, 39 tỉnh, thành phố với số gia súc bệnh là 18.865 con. Trong năm nay, cả nước không xảy ra dịch tai xanh trên lợn.

Cục Thú y nhận định, các loại dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do thời tiết thay đổi, số lượng gia cầm nuôi cao, việc vận chuyển giữa các địa phương tăng mạnh vào cuối năm, việc tổ chức tiêm phòng chưa triệt để…

Với thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng bị thiệt hại hơn 23.670 ha, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2018. Cả nước đã có 44/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Theo ông Phạm Văn Đông, thời gian tới, ngành tiếp tục kiện toàn hệ thống các cơ quan thú y theo quy định của Luật Thú y, từ đó mới có thể tổ chức tốt việc phòng, chống dịch bệnh, bởi đây là cơ sở để xây dựng vùng, chuỗi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần 5,95 triệu con lợn phải tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO