Giá thịt lợn phi mã: Loay hoay giải pháp bình ổn

Minh Phương 22/12/2019 08:00

Mặc dù nỗ lực vào cuộc nhằm bình ổn, điều tiết giá đối với mặt hàng thịt lợn, song dường như nhà quản lý đang rất lúng túng khi giá mặt hàng này phi mã. Giá thịt lợn leo thang từng ngày khiến nhiều mặt hàng khác cũng “té nước theo mưa”.

Giá thịt lợn phi mã: Loay hoay giải pháp bình ổn

Thị trường tiếp tục chứng kiến giá thịt lợn tăng cao. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Giá thịt lợn tăng gấp bội

Bắt đầu từ đầu tháng 11, giá thịt lợn có xu hướng tăng vọt và hầu như không có biểu hiện sẽ chững lại. Càng về cuối năm, nhu cầu thịt lợn càng tăng cao tiếp tục đẩy giá mặt hàng này cao hơn. Khuyến cáo này được Bộ Công thương và cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra, đồng thời hai Bộ cũng đã “tung ra” nhiều giải pháp nhằm bình ổn, điều tiết giá. Tuy nhiên, dường như các giải pháp đưa ra đều bất lực trước cơn tăng giá khủng của thịt lợn.

Khảo sát trên địa bàn Hà Nội, tại các chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, chợ Hôm, chợ Ngã Tư Sở, Nhân Chính (Hà Nội)… cho thấy, các sản phẩm từ thịt lợn đã tăng mức khủng. Tại chợ Nhân Chính, giá sườn non vọt lên mức 250.000 đồng/ kg, thịt ba chỉ có mức 170.000 đồng/ kg, thịt thăn lên trên mức 180.000 đồng/ kg, thịt chân giò dao động quanh mức 180.000-210.000 đồng/ kg, đặc biệt, giá tim lợn tăng trên 300.000 đồng/ kg… Tương tự, tại các chợ khác giá thịt lợn cũng “neo” ở mức cao, ngang và thậm chí cao hơn cả giá thịt bò. Mức giá này đã lên gần 300% so với thời điểm tháng 5, tháng 6 năm 2019.

Thịt lợn là món ăn chính trong các bữa ăn của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng tăng giá đã khiến nhiều người tiêu dùng quyết định đổi món, hạn chế dần thịt lợn trong các bữa ăn gia đình. Bà Nguyễn Thị Huế (phố Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, khoảng một tháng trở lại đây, trong bữa ăn của gia đình không có những món chế biến từ thịt lợn. “Tim cật xào là món ưa thích của bọn trẻ con nhà tôi nhưng giờ giá tim cật lên đến trên 300.000 đồng/ kg nên giờ bọn trẻ con phải “nhịn” thôi. Giờ bữa ăn thường có món chính là thịt gà và cá, – bà Huế than thở và cho biết - Giá thịt tăng còn đẩy theo giá các loại sản phẩm khác cũng tăng theo. Giá các loại cá giờ cũng tăng gấp đôi so với trước, nhiều loại thực phẩm khác cũng ở tình trạng té nước theo mưa”.

Giá thịt thành phẩm tăng mức chóng mặt có nguyên nhân từ nguồn cung thịt lợn khan hiếm do cơn bão dịch tả lợn châu Phi “càn quét” gần một năm qua. “Bão dịch” đã khiến cho tổng số lợn bị tiêu hủy trên cả nước lên tới gần 6 triệu con, giảm 22% so với cùng thời điểm năm trước. Cho tới thời điểm này, mặc dù dịch tả lợn châu Phi đã lắng xuống nhưng những tổn thất mà bão dịch để lại cho ngành chăn nuôi nước nhà là quá lớn. Gần hai tháng nay, chứng kiến cảnh giá thịt lợn tăng với tốc độ chóng mặt trên thị trường, các cơ quan quản lý đã ngồi với nhau để bàn nhiều giải pháp bình ổn song chưa thấy hiệu quả.

Nhà quản lý bất lực?

Tại TPHCM, các DN cung cấp thịt lợn cũng đang đau đầu vì giá tăng quá nhanh và quá cao. Nhiều DN cho biết, DN thực hiện chương trình bình ổn giá của Sở Công thương Thành phố nên phải ghìm giá, nhưng hiện giá thịt lợn hơi đã tăng lên đến 92.000 đồng/kg, dự báo đến hết tháng 12 sẽ tăng lên 100.000 đồng/ kg, nên gây ra nhiều khó khăn cho DN. Đại diện Vissan cho biết, công ty đã có ý kiến đề xuất với Sở Tài chính TP được tăng giá, nhưng không được chấp thuận. Theo Vissan, với tình hình giá thịt tăng mạnh như vậy và còn có xu hướng tiếp tục tăng vào tháng Tết Nguyên đán nên sẽ có thể đẩy đến nguy cơ các đầu nậu găm hàng để đẩy giá. Tuy nhiên, theo Sở Công thương TPHCM, dù một số DN đã đề xuất tăng giá bán do giá thu mua lợn hơi tăng, nhưng theo kiến nghị của Sở Tài Chính gửi TPHCM, lượng cung thịt lợn cho thị trường TPHCM vẫn bảo đảm, trong khi lượng tiêu thụ giảm, giá bán có xu hướng tiếp tục tăng.

Giá thịt lợn phi mã: Loay hoay giải pháp bình ổn - 1

Tại một cuộc họp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, một ông Thứ trưởng thừa nhận rằng: Thực tế, giá thịt lợn hơi từ chính các DN thực hiện bình ổn giá vẫn liên tục được điều chỉnh giá, mức tăng cao nhất lên đến 10.000 đồng/ kg. Mặc dù trước đó, nhà quản lý đã kêu gọi các DN đồng hành, bàn giải pháp bình ổn giá theo hướng có lợi cho người tiêu dùng, không để giá thịt tăng quá cao. Giá thịt lợn hơi tại các DN chăn nuôi như DABACO được “rao” ở mức 91.000-92.000 đồng/ kg, giá thịt lợn hơi của công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cũng luôn giữ giá 80.000 đồng/ kg… Bộ NN&PTNT cho biết, đã có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị chủ động cho nhập khẩu thịt lợn để ổn định tình hình giá trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý.

Về phía Bộ Công thương cũng cho biết, tại Kết luận số 399/TN-VPCP ngày 19/11/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Bộ NN&PTNT “Phần thiếu hụt còn lại, phối hợp với Bộ Công thương để tính toán, đề xuất cụ thể khối lượng cần nhập khẩu từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta”. Bộ Công thương cho hay, hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam. Các DN có nhu cầu nhập khẩu hoàn toàn căn cứ vào nhu cầu thực tế để thực hiện việc nhập khẩu và sẽ chịu sự kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm và kiểm dịch của Bộ NN&PTNT. “Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong việc nhập khẩu chủ yếu nằm ở hạ tầng logistics (kho lạnh) để dự trữ, bảo quản thịt lợn đông lạnh sau nhập khẩu và nhu cầu của người dân đối với mặt hàng thịt lợn đông lạnh vẫn khiêm tốn, – Bộ Công thương nêu rõ, đồng thời cũng nhấn mạnh: Lượng thịt nhập khẩu hiện nay vẫn chưa thể bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Và để có thông tin chính xác về việc nhập khẩu thịt lợn, đề nghị liên hệ với Bộ NN&PTNT – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với mặt hàng này”.

Với những diễn biến nói trên, có thể thấy, tình hình nguồn cung thịt lợn vẫn còn đang rất nan giải khi mà hai cơ quan chịu trách nhiệm chính về nguồn cung thịt lợn vẫn đang “đá quả bóng” trách nhiệm cho nhau. Trong khi Tết Nguyên đán đang đến rất gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá thịt lợn phi mã: Loay hoay giải pháp bình ổn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO