Giảm thủ tục hành chính: Khó nhưng vẫn phải làm

Nguyên Khánh 27/05/2020 06:50

Chiều 26/5 hội nghị trực tuyến “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19” do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức, đã nhận được nhiều ý kiến bổ ích.

Giảm thủ tục hành chính: Khó nhưng vẫn phải làm

Đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh Quang Vinh.

Loại bỏ tư duy không quản được thì cấm

Tại Hội nghị, rất nhiều ý kiến đóng góp cho công cuộc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp (DN).

Ông Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng, cải cách TTHC giai đoạn tới sẽ rất khó. Khó vì muốn cải cách phải động chạm đến quyền lợi của nhiều người nhất là cán bộ công chức (CBCC), trong khi mô hình quản lý CBCC không còn tương thích với sự quản lý theo mô hình mới của Chính phủ và cần thay đổi để quản lý hiệu quả hơn. Cải cách TTHC cần căn cứ vào quy định pháp luật, nhưng hiện nay xử lý xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật còn rất lớn và dù chúng ta có ban hành chính sách 1 văn bản xử lý nhiều văn bản nhưng chưa nhiều. Đặc biệt, theo ông Nam hiện nay chúng ta dùng CNTT để xử lý các TTHC là đúng đắn, nhưng để phát huy hết không thể một phía làm được, mà cộng đồng DN phải số hóa DN của mình.

Vậy cải cách theo hướng nào? Ông Nam cho rằng, cải cách TTHC phải theo tinh thần làm sao tăng tính chủ động, linh hoạt sáng tạo cho tất cả các cơ quan. Muốn thế phải điều chỉnh mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương, giữa Chính phủ và bộ ngành theo hướng cấp trên phân quyền nhiều hơn cho cấp dưới. Cấp dưới chủ động họ mới sáng tạo, sáng tạo mới tạo ra đột phá. Do đó, cấp trên chỉ can thiệp khi cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ thôi. Muốn cải cách TTHC đúng hướng cần thường xuyên kiểm tra đôn đốc với chế tài đủ mạnh để tạo áp lực làm việc cho CBCC.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, cải cách TTHC thời gian tới sẽ không hề dễ vì sẽ tiếp tục đụng chạm đến lợi ích nhóm của nhiều bộ ngành bởi không ít cơ quan vẫn muốn giữ lại điều kiện dễ cho mình mà khó cho người, với lý do lỏng về thủ tục không khác chuyện “thả gà ra đuổi”. Không đồng tình với cách quản lý kiểu cũ vị chuyên gia này đề xuất, không thể tiếp tục đưa ra những quy định kiểu không quản được thì cấm.

Giảm thủ tục hành chính: Khó nhưng vẫn phải làm - 1

Doanh nghiệp cần giảm tối đa thủ tục hành chính để thông thoáng môi trường sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Quang Vinh.

Gỡ khó về lãi suất, thuế, phí

Đại diện DN ở Hải Phòng và Đà Nẵng cùng đề xuất giảm một phần chi phí cho DN, tiếp tục hỗ trợ gói tín dụng lãi suất thấp cho DN. Chỉ đạo DN mua sắm cộng ưu tiên dùng hàng trong nước nếu chúng ta sản xuất được.

Đại diện BIDV kiến nghị, hiện khung pháp lý còn chưa cho phép những sản phẩm số hóa, như thủ tục giải ngân cho khách hàng online điều này sẽ tạo ra các rào cản. Đại diện này đề nghị cho phép phát hành thư bảo lãnh bằng dữ liệu điện tử, giải ngân vay trực tuyến để thực hiện các dịch vụ nhanh chóng, kịp thời hơn. Về các khoản tín dụng cho DN, đại diện này thông tin BIDV đã sẵn sàng chuẩn bị nguồn vốn, gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ DN.

Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị, việc cần làm lúc này từ Chính phủ chính là tiếp tục đẩy mạnh niềm tin cho người dân, DN bằng các chính sách hỗ trợ, nhất là tạo sinh kế cho người dân. Cần làm quyết liệt hơn với các gói cho DN vay để trả lương cho người lao động. Đặc biệt phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, sớm tháo gỡ những quy định gây khó cho DN như quy định in mã số mã vạch lên hàng xuất khẩu.

Đại diện cho DN ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Bắc Bình kiến nghị, cần tiếp tục cập nhật các thông tin lên Cổng dịch vụ công quốc gia, thêm nhiều dịch vụ với mức độ 3, 4 đáp ứng yêu cầu của người dân, DN. Mấu chốt của những sự cải cách này đại diện Đà Nẵng cho rằng, CBCC phải vào cuộc quyết liệt làm lợi cho người dân, DN nhiệt tình hướng dẫn người dân DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới đáp ứng được yêu cầu số hóa hiện nay. Đại diện Đà Nẵng thông tin, trước khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ hàng hóa, Chính phủ cần tính toán thay đổi nguồn cung hàng và thị trường tiêu thụ hàng hóa. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định FTA thế hệ mới, tuy nhiên không phải DN nào cũng tự mình tìm được thị trường tiêu thụ hay xuất khẩu sản phẩm. Do vậy, họ cần nhận được sự hỗ trợ bằng hình thức tư vấn trực tuyến hoặc trực tiếp.

Ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương đề xuất, cần đưa tinh thần của phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua áp vào việc cải thiện môi trường kinh doanh chúng ta mới thành công ở mặt trận thứ hai này. Lý giải về việc cần thiết giành thắng lợi trên mặt trận kinh tế bằng các chính sách hỗ trợ kịp thời ông Hiếu cho biết, việc thực thi các gói giải pháp rất quan trọng nhưng hiện nay DN tìm các thông tin hỗ trợ không hề dễ. Do vậy, gỡ khó thì phải dễ thực hiện mới gỡ được cho DN.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, rất nhiều vướng mắc nhất là liên quan đến vấn đề thực thi chính sách hay một số chính sách không vào thực tiễn đã được DN nêu ra. Văn phòng Chính phủ tập hợp một cách nghiêm túc các kiến nghị này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời gỡ khó cho DN. Với chính sách chưa bao phủ hết sẽ tiếp tục xem xét, tháo gỡ.

Liên quan đến cải cách TTHC, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, không phải ngẫu nhiên mà Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC tiếp tục đưa ra con số cắt giảm 20% chi phí tuân thủ cho DN trong thời gian tới. Việc đưa ra những chỉ tiêu cụ thể như vậy theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là để tạo sức ép, để các bộ ngành thực hiện, làm căn cứ để kiểm soát các bộ, ngành có liên quan có thực thi đúng như kế hoạch đề ra hay không, các TTHC được cắt giảm có thực sự gỡ khó cho DN hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thủ tục hành chính: Khó nhưng vẫn phải làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO