Gian lận xuất xứ: Ngăn chặn từ đâu?

An Bình 11/08/2019 08:00

Có cầu ắt có cung, người mua có thể mua hàng tá nhãn mác giả thương hiệu bất kỳ nếu họ muốn.

Gian lận xuất xứ: Ngăn chặn từ đâu?

Người mua rất khó phân biệt đâu là nhãn thật, đâu là nhãn “nhái”. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Nhãn mác giả hàng hiệu được bán theo… cọc

Đi dọc phố Hàng Bồ (Hà Nội), sà vào bất kỳ cửa hàng nào cũng có thể mua được cả “đại đội” nhãn mác các loại, từ thương hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Levis, Chanel… cho đến những nhãn hiệu sản xuất trong nước “Made in Vietnam”.

Dư luận từ lâu đã biết đến phố Hàng Bồ là thủ phủ của các loại nhãn mác “nhái”. Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thanh Lan (một chủ shop quần áo thời trang trên phố Chùa Bộc, Hà Nội) đang ôm một bịch các loại nhãn mác đủ các tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng, nhưng nhiều nhất vẫn là nhãn “Made in Vietnam”. Chị Thanh Lan cho hay, chỉ với 250.000 – 300.000 đồng là có thể mua được một cọc 200 chiếc nhãn mác theo ý mình thích. Nhưng theo chị Lan, gần đây, người dân mình tìm mua các sản phẩm thời trang do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất nên chị mua nhãn “Made in Vietnam” với số lượng nhiều hơn gấp đôi các nhãn mác có thương hiệu nước ngoài. “Trước đây, dân mình thích mua đồ có thương hiệu trên thế giới nên chúng tôi lấy nhiều nhãn mác nước ngoài như hiệu Chanel hay Levis hoặc Gucci, nhưng bây giờ, sản phẩm thời trang trong nước được khách chọn nhiều hơn nên chúng tôi lấy nhãn “made in Vietnam” với số lượng nhiều hơn hẳn so với trước” – chị Lan cho hay. Cũng theo tiết lộ của vị chủ shop quần áo này, nhiều năm trở lại đây, hàng hóa nội địa được người dân chọn mua nhiều hơn, nên bao giờ số lượng hàng gắn mác “Made in Vietnam” cũng áp đảo so với các sản phẩm gắn mác khác.

Trong vai khách mua, chúng tôi tìm đến một hàng trên phố Hàng Bồ. Tại đây, chủ cửa hàng cho biết, tùy từng chất liệu cũng như tùy từng loại nhãn mác mà giá cao thấp khác nhau. Với những loại mác bình thường, đặt theo đơn của khách hàng, hoàn toàn không có thương hiệu thì giá khoảng 300-400 đồng/ chiếc. Còn những nhãn hàng có thương hiệu lớn như Gucci, D&G, Chanel giá 500 đồng – 1.000 đồng/ chiếc. Vị chủ cửa hàng cũng đưa cho chúng tôi xem một cọc nhãn “Made in Vietnam” và không quên quảng cáo: Bây giờ loại nhãn này được ưa chuộng hơn trước, rất nhiều khách hàng hỏi mua, giá trung bình 300.000 - 350.000 đồng/ bộ 200 chiếc. Theo tiết lộ của vị chủ cửa hàng, riêng nhãn “Made in Vietnam” được in cách điệu để khác đi so với nhãn mác thật của một số thương hiệu ngoài thị trường. Tuy nhiên, phải để ý kỹ mới thấy được còn thông thường người tiêu dùng sẽ không “soi mói” nên không thể phân biệt đâu là nhãn thật, đâu là nhãn “nhái”.

Không chỉ dễ dàng tìm mua các loại nhãn mác giả tại phố Hàng Bồ, hiện nay theo xu hướng phát triển của thương mại điện tử, trên mạng xã hội cũng xuất hiện tràn lan các địa chỉ in nhãn mác, đặc biệt là các sản phẩm nhãn mác cho quần áo thời trang. Việc tìm kiếm rất đơn giản. Chỉ gõ dòng chữ “tìm mua nhãn mác” trên Google, lập tức hàng loạt các trang in nhãn mác được phơi bày với đầy đủ các mẫu mã nhãn mác đẹp, đa dạng phong phú. Khách hàng có thể gọi điện đặt in nhãn theo ý mình hoặc in bất kỳ thương hiệu nào theo ý muốn.

Chúng tôi bấm máy gọi đến một số điện thoại quảng cáo trên một cửa hàng in nhãn mác online, đầu dây bên kia rất nhẹ nhàng tư vấn “thích mác kiểu gì cũng có, bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào, giá thì chị cứ yên tâm, rẻ nhất Hà Nội, không đẹp không lấy tiền”.

Bóng dáng nhà quản lý ở đâu?

Việc đặt mua một cọc nhãn mác giả các thương hiệu nổi tiếng hay nhãn mác nhái xuất xứ “Made in Vietnam” với giá quá rẻ và cũng quá đơn giản cho thấy: Lỗ hổng pháp lý ngày càng lớn dần. Có cầu ắt có cung và một nơi như phố Hàng Bồ vẫn bán các loại nhãn mác “nhái” tồn tại bao nhiêu năm nay đủ để chứng minh rằng, việc kiểm soát của cơ quan quản lý hầu như bị buông lỏng. Chính một chủ trang shop in nhãn mác online chia sẻ: “Người ta vẫn bày bán tràn lan trên thị trường và cũng rao bán đầy trên mạng mà không thấy nhà quản lý vào cuộc, cũng không thấy có điều lệ nào cấm đoán, nên người bán cứ bán, người mua cứ mua, có người cần thì thị trường vẫn có nguồn cung thôi”.

Câu hỏi đặt ra là: Người tiêu dùng đã và đang tiếp tục bị đánh lừa khi mua và sử dụng những sản phẩm in mác sản xuất một nơi mà xuất xứ thì một nẻo, vậy bóng dáng nhà quản lý ở đâu?

Với việc người bán có thể nhập hàng loạt sản phẩm thời trang rẻ tiền về rồi sau đó thuê in nhãn mác, tùy tiện gắn vào các sản phẩm đó để đánh lừa người tiêu dùng, và tình trạng này đã tồn tại hàng chục năm nay nhưng dường như nhà quản lý vẫn đang “khoanh tay đứng nhìn”? Bởi cả xã hội biết, các cửa hàng nhãn mác, các trang mạng xã hội quảng cáo công khai nhưng hoàn toàn không có bất cứ một ai can thiệp. Chỉ duy nhất sự vụ Khaisilk và gần đây là sự vụ của một doanh nghiệp cung cấp đồ điện tử được phanh phui và có sự vào cuộc của cơ quan chức năng là bởi dư luận xã hội lên án quá gay gắt.

Trong nhiều cuộc họp báo liên quan đến câu chuyện giả nhãn mác, xuất xứ diễn ra gần đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thừa nhận: Hiện tượng gian lận thương mại ngày càng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt, tình trạng gian lận thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều. Cục này cũng cảnh báo rằng: Có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng gắn mác hàng “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.

Một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng giả mạo xuất xứ được giới chuyên gia kinh tế mổ xẻ, là do Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, nhiều dòng thuế được cắt giảm. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có quy định rõ ràng về tiêu chí hàng hóa để được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, khái niệm “hàng hóa Việt Nam”. Hàng hóa Việt Nam có thể được hiểu đó là sản phẩm có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. Chính bởi vậy, nói như Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh, những vụ việc liên quan đến xuất xứ hàng hóa bị phát hiện và vi phạm hầu như đang được “xử vòng” sang các hành vi vi phạm khác.

Hàng giả, hàng nhái nhãn mác không chỉ làm tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng trong nước mà còn gây ra những nguy cơ, rủi ro đối với các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp xuất khẩu. “Đặc biệt, nếu hành vi giả mạo xuất xứ “Made in Vietnam” không được ngăn chặn, việc xuất khẩu đến các nước trên thế giới chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới, trong đó không loại trừ việc các doanh nghiệp Việt có thể bị nước nhập khẩu sẽ nói “không” với hàng hóa Việt Nam” – Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh khi chia sẻ với báo giới về vấn đề gian lận xuất xứ.

Được biết, Bộ Công thương đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Theo Bộ Công thương, Thông tư này sẽ giúp các doanh nghiệp chân chính không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm “đội lốt” hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng: Để có thể dẹp hẳn được tình trạng gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn mác, trước hết nhà quản lý cần phải dẹp được tình trạng in, buôn bán nhãn mác “giả” tràn lan trên thị trường hiện nay. Còn không, sẽ khó có thể dập tắt hoàn toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian lận xuất xứ: Ngăn chặn từ đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO