Gỡ bí nhập khẩu ôtô

Nguyên Khánh 27/02/2018 06:00

Ngày 26/2, trong buổi đối thoại với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ôtô về những quy định liên quan đến Nghị định 116, vốn đang bị xem là rào cản cho nhập khẩu ôtô, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: sẽ báo cáo Thủ tướng để xử lý thấu tình đạt lý.

Gỡ bí nhập khẩu ôtô

Công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp nhập khẩu kêu khó

Nghị định 116/2017 quy định chặt chẽ về xe nhập khẩu như: Yêu cầu có giấy chứng nhận về xuất xứ, kiểu loại được chứng nhận bởi cơ quan nước ngoài; các lô hàng về phải kiểm định với từng lô xe được nhập khẩu; kiểm tra các kiểu loại về khí thải và an toàn giao thông theo quy định; sở hữu hoặc thuê đường thử có tổng chiều dài lên tới 800m… Chiếu theo quy định này, đại diện nhiều DN đang lắp ráp hay nhập khẩu xe tại Việt Nam đã kêu khó.

Ông Toru Kinoshita Chủ tịch VAMA- Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho biết, cá nhân ông bày tỏ quan ngại sâu sắc với Nghị định 116 vì quy định này không tuân thủ thông lệ quốc tế. Hậu quả là từ ngày Nghị định 116 có hiệu lực (ngày 1/1/2018) đến nay chưa có ô tô nào nhập khẩu vào Việt Nam. Nghị định này khiến đội nhiều chi phí, tăng thời gian thông quan, giá ô tô tăng cao. Chủ tịch VAMA mong muốn Chính phủ xem xét những điều kiện tại nghị định này, tạo điều kiện cho DN có đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế.

Nói về những cái khó liên quan đến Nghị định 116, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam Phạm Văn Dũng cho hay, thời gian hiệu lực nghị định rất ngắn, chỉ 2 tháng (Nghị định ban hành vào ngày 17-10- 2017) điều này khiến DN khó xoay sở. Bởi với ô tô muốn thay đổi điều gì đó phải có thời gian khoảng 2 năm. Nếu áp dụng ngay những điều khoản của Nghị định, phải kiểm tra theo lô, rồi có giấy chứng nhận kiểu loại ngay là không kịp.

Ông Dũng cho biết, hiện Công ty đang nhập một lô xe từ Hoa Kỳ về và đã phải báo hủy đơn hàng sau khi có một số điều kiện thay đổi. Hậu quả hiện lô xe này chưa thể nhập vào Việt Nam đang nằm phơi nắng, phơi sương tại Mỹ với chi phí thuê kho bãi là 1.000 USD/1 ngày. Với giấy chứng nhận kiểu loại, Nghị định đưa ra là không hợp thông lệ quốc tế. Theo ông Dũng đối với xe nhập khẩu, tùy từng nước có yêu cầu khác nhau. Chính nước nhập khẩu sẽ đứng ra chứng nhận sản phẩm theo yêu cầu của mình chứ không phải nước xuất khẩu.

Gỡ bí nhập khẩu ôtô - 1

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ôtô kêu khó bởi những quy định trong Nghị định 116 (Ảnh Internet)

“Các nước xuất khẩu chỉ cấp giấy chứng nhận kiểu loại cho xe chạy trong nước mà thôi. Chính phủ cân nhắc theo thông lệ quốc tế, không có quá nhiều khác biệt gây khó cho DN nhập khẩu ô tô. Về quy định kiểm tra theo lô, đề nghị chỉ kiểm tra lô đầu, còn lô sau sẽ kế thừa kết quả lô trước. Nếu kiểm tra quá nhiều sẽ trùng lắp, lãng phí thời gian, tiền của của DN…” - ông Dũng đề nghị.

Chặt chẽ hơn về hành lang pháp lý?

Trong khi các DN nhập khẩu ô tô và DN sản xuất ô tô nước ngoài đang kêu khó thì các DN sản xuất ô tô trong nước lại có ý kiến ngược lại. Chủ tịch HĐQT tập đoàn ô tô Trường Hải ông Trần Bá Dương nói: Nghị định 116 ra đời để đưa ngành sản xuất lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các DN. Chúng tôi không cho rằng Nghị định này là bảo hộ ô tô trong nước mặc dù đây là ngành sản xuất còn rất non trẻ, vì cạnh tranh là phải đảm bảo công bằng.

Thành viên hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, bà Phạm Ngọc Thủy khẳng định, tinh thần Nghị định đang đi đúng hướng tạo điều kiện cho các DN làm ăn lâu dài, giúp ổn định dòng vốn đầu tư. Dù đại diện DN có phản ứng khác nhau nhưng đều công nhận phải có một loại giấy tờ có những thông số cụ thể, chứng nhận nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Đây là yêu cầu bắt buộc, chỉ có điều tên gọi khác thì phải thống nhất để cơ quan chức năng có thể giám sát chất lượng của sản phẩm…

Giải thích về quy định đường thử ô tô, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đường thử chỉ áp dụng với DN sản xuất ô tô và đến tháng 4/2019 mới có hiệu lực chứ chưa áp dụng ngay. Còn theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Nghị định 116 tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cho ngành công nghiệp ô tô, trên tinh thần an toàn, quyền lợi người tiêu dùng là quan trọng nhất, đưa hoạt động sản xuất, nhập khẩu ô tô vào trong khuôn khổ.

Phát biểu tại cuộc họp Bộ Trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, vừa qua có kiến nghị của các cơ quan đại sứ, DN trong việc thực hiện Nghị định 116. Với phương châm Chính phủ hành động, lắng nghe ý kiến của người dân, DN, chúng tôi ghi nhận tất cả mọi ý kiến, kiến nghị và giải quyết trên tinh thần đảm bảo thông lệ quốc tế cũng như các quy định của Việt Nam.

Nêu rõ quan điểm, Việt Nam là nước đang phát triển, chủ trương hội nhập sâu rộng, song Việt Nam cần có bước đi của mình, vừa tạo điều kiện các nước xuất khẩu ô tô sang Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng mong muốn tự chủ sản xuất ô tô. “Ở đây không đặt vấn đề không để Việt Nam trở thành thị trường ô tô của các hãng trên thế giới, không đặt vấn đề bảo hộ tuyệt đa số sản phẩm ô tô trong nước, nhưng chúng tôi cũng sẽ quan tâm tới một số sản phẩm nhất định trong nước” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ bí nhập khẩu ôtô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO