Hướng tới nền kinh tế chia sẻ

Minh Phương 13/07/2018 01:00

Mở ra nhiều cơ hội đầu tư, tiết kiệm tài nguyên, giảm các chi phí trung gian, tạo thêm nhiều việc làm… đó là những lợi thế mà nền kinh tế chia sẻ mang lại. Tuy nhiên, nền kinh tế này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro - Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo “Kinh tế chia sẻ: Các xu thế lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, sáng 12/7 tại Hà Nội.

Nhận định về những lợi ích mà nền kinh tế chia sẻ mang lại, TS.Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết: Nền kinh tế chia sẻ đang mở ra cơ hội đầu tư, việc làm cho người lao động, giảm chi phí trung gian trong các hoạt động kinh doanh. Tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất tài sản dư thừa. Đặc biệt, theo TS. Tuệ Anh, đây là cơ hội cải cách bộ máy hành chính theo hướng Chính phủ số và thúc đẩy cải cách thể chế nhằm phát triển nền kinh tế số và tham gia cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, cơ hội khởi nghiệp cho các DN, thương nhân mới chập chững vào nghề là rất lớn.

Mặc dù vậy, bà Tuệ Anh cũng thừa nhận, bên cạnh những cơ hội có thể sẽ đến với Việt Nam, cũng tiềm ẩn nhiều thách thức lớn. Đó là nền kinh tế này sẽ làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, quan hệ 3 bên (thay vì 2 bên) trong hợp đồng kinh tế. Đặc biệt là xung đột lợi ích với mô hình kinh doanh truyền thống. Đó còn chưa kể hàng loại những bất cập khác luôn tiềm ẩn như việc cạnh trạnh không công bằng, cơ sở hạ tầng thông tin yếu kém (kết nối thông tin, đổi mới sáng tạo, hóa đơn điện tử)… Năng lực đổi mới sáng tạo yếu kém dẫn đến hạn chế các ý tưởng đổi mới và startups.

Loại hình kinh tế chia sẻ hiện nay được coi là mới mẻ nên khi thâm nhập vào nước ta, việc điều hành quản lý loại hình này vẫn đang khiến các cơ quan chức năng khá bối rối. Bởi vậy, câu hỏi được quan tâm hiện nay đó là: Nhà nước phải làm gì để quản lý được nền kinh tế chia sẻ với một mục đích chung là các bên cùng có lợi? Đây là câu hỏi đang gây khá nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Nêu lên quan điểm của mình, bà Tuệ Anh cho rằng, các chính sách phải hết sức linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN gia nhập thị trường nhưng bên cạnh đó cũng không làm khó DN khi muốn rút khỏi thị trường.

Nhận định về xu hướng của Việt Nam trước thời kỳ của kinh tế số, kinh tế chia sẻ, TS. Lucy Cameron, Chuyên gia tư vấn nghiên cứu cao cấp tại Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) cho rằng, Việt Nam muốn tham gia vào nền kinh tế chia sẻ cần phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Theo TS Lucy Cameron, từ năm 2010, Việt Nam đã đạt được ngưỡng thu nhập trung bình, tuy nhiên, Việt Nam cần phải tránh “vết xe đổ” của nhiều quốc gia.

“Việc cần làm của các bạn là phải dịch chuyển từ lao động giá rẻ sang lao động thông minh để thâm nhập được vào nền kinh tế số. Khi đó, các bạn sẽ vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để chuyển sang thu nhập cao, đó là bước đi rất cần thiết để Việt Nam vươn lên tham gia vào kinh tế chia sẻ” – TS Lucy Cameron nhấn mạnh.

Đứng ở vai trò quản lý, ông Phạm Hoàng Mai – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, ngoài thách thức về nền tảng công nghệ, môi trường pháp lý, một thách thức rất lớn của Việt Nam hiện nay trước xu hướng của nền kinh tế chia sẻ chính là nguồn nhân lực. “Bởi vậy, chính sách đào tạo cần hướng đến các ngành đào tạo có tính chất công nghệ cao để tạo ra cú hích mới cho Việt Nam bắt kịp xu thế kinh tế chia sẻ” – ông Mai nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tới nền kinh tế chia sẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO