Không lo thiếu gạo!

Quốc Trung 24/04/2020 08:00

Chỉ còn gần 50 ngày nữa là tới thời điểm thu hoạch vụ hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi đó lượng gạo rất lớn từ vụ đông xuân, chưa kể trước đó đang tồn trong kho sẽ khiến cho lượng gạo tiếp tục ùn ứ. Lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL cũng như giới chuyên gia nông nghiệp cho rằng cần đẩy mạnh xuất khẩu gạo, không lo thiếu dù cả nước đang tập trung chống dịch Covid-19.

Không lo thiếu gạo!

Lượng gạo tồn từ các vụ trước còn nhiều.

Ghi nhận từ các địa phương ĐBSCL, đến thời điểm này đã gần kết thúc gieo sạ vụ hè thu 2020, dự kiến 1,5 triệu ha, trong khi đó lượng lớn lúa gạo đông xuân đến nay vẫn chưa xuất khẩu được. Các địa phương lo lắng vụ chồng vụ sẽ khiến cho DN xuất khẩu lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn, theo đó giá lúa sẽ giảm mạnh khi vụ hè thu bước vào thu hoạch.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, vụ đông xuân ở Cần Thơ thu hoạch được ước đạt trên 572 ngàn tấn lúa. Vụ hè thu 2020 dự kiến xuống giống trên 75 ngàn ha, ước sản lượng lúa thu hoạch sẽ trên 459 ngàn tấn. Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, lượng gạo hàng hoá còn tồn kho các DN trên địa bàn thành phố dự trữ phục vụ kinh doanh là rất lớn. Đến nay số lượng gạo đã chuyển đến cảng tính khoảng trên 76 ngàn tấn (trong đó trên 30 ngàn tấn chưa mở tờ khai Hải quan, trên 46 ngàn tấn đã mở tờ khai hải quan nhưng chưa xuất đi được).

Xuất phát từ tình hình thực tế, trên cơ sở cân đối nguồn lúa gạo trong nước đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời hỗ trợ DN kinh doanh sản xuất lúa gạo vượt qua khó khăn và tránh giảm giá lúa khi vụ hè thu sắp tới. Sở Công thương đã đề nghị Bộ Công thương, Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo trên tinh thần kiểm soát về số lượng để đảm bảo an ninh lương thực. Tạo điều kiện để các DN xuất khẩu gạo tiếp tục thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đang có hiệu lực, hàng phải giao còn tồn đọng tại các cảng…

An Giang đã từng kiến nghị với Chính phủ tiếp tục cho xuất khẩu còn tồn đọng ở các cảng với hơn 48 ngàn tấn gạo để ổn định giá lúa trên thị trường. Trong khi chỉ hơn 1,5 tháng tới vụ hè thu dự kiến An Giang sẽ tiếp tục tồn đọng trên 82 ngàn tấn gạo. Trong khi đó năm 2020 An Giang dự kiến sản xuất trên 4 triệu tấn lúa với trên 2 triệu tấn gạo.

Ông Lê Văn Nưng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết vừa ký kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục cho xuất khẩu gạo, năm 2020 toàn tỉnh An Giang xuống giống lúa, nếp đạt trên 616.420ha, sản lượng ước đạt trên 4 triệu tấn lúa, nếp/năm, dự kiến sẽ xuất khẩu trên 462.000 tấn gạo. Sau khi trừ giống, để ăn, bán tiêu dùng nội địa và xuất khẩu thì số lượng còn tồn gần 271.000 tấn gạo. Nếu tạm dừng xuất khẩu đến hết tháng 4 thì toàn tỉnh có trên 48.000 tấn gạo không giao hàng theo hợp đồng đã ký, tương đương trên 23,6 triệu USD của 16/18 DN. Trường hợp tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 thì tiếp tục có khoảng 115.000 tấn gạo không xuất được và không giao hàng theo hợp đồng đã ký.

Theo TS Trần Hữu Hiệp- chuyên gia kinh tế cho biết, nguồn gạo của Việt Nam không thể thiếu. Cụ thể theo báo cáo của Bộ NNPTNT cân đối nhu cầu gạo tiêu dùng đảm bảo dư thừa, bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu thế giới về chỉ số này. Tính đến năm 2018 cả nước đã sẵn sàng xuất 30,79 triệu tấn quy gạo, để ăn 9,14 triệu tấn, chênh lệch thừa 21,64 triệu tấn nếu trừ lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 6 triệu tấn, vẫn còn thừa hơn 15 triệu tấn gạo. Đó là trong điều kiện sản xuất bình thường. Trường hợp xảy ra sự cố hạn hán, mất mùa, lấy mốc năm hạn mặn lịch sử năm 2016 vừa qua ĐBSCL thiệt hại khoảng 1 triệu tấn lúa, tương đương với 500 ngàn tấn gạo, cho là mức thiệt hại lên đến 1 triệu tấn vẫn đảm bảo chênh lệch thừa. Đó là chưa kể lượng gạo dự trữ nhà nước và dự trữ bắt buộc 5% theo quy định đối với DN xuất khẩu gạo. Mới đây tại cuộc họp về việc kiểm tra đánh giá nguồn cung và xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng nguồn cung trong nước và tại kho các DN khá dồi dào, đủ để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.

TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, việc thận trọng trước tình hình bất ổn do dịch bệnh, hạn mặn gây ra là rất cần thiết, nhưng cần phải làm rõ Việt Nam đã hay đang đứng trước nguy cơ thiếu gạo chưa? Trong tình huống gạo vẫn còn dư thừa, bán được giá, xuất khẩu gạo vẫn là kênh giải quyết đầu ra cho người nông dân vì vậy cắt đứt luôn kênh tiêu thụ này sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngành lúa gạo và người nông dân.

Không lo thiếu gạo! - 1

Bốc gạo tại cảng Mỹ Thới (An Giang).

Đẩy mạnh xuất khẩu

Theo UBND tỉnh Long An hiện nay nguồn cung tốt, sản lượng dư xuất khẩu. Tỉnh này đề xuất Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường không cần phải cấp hạn ngạch.

Ông Trương Quang Hoài Nam- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Các tỉnh đã báo cáo đầy đủ với Bộ NNPTNT. Các DN đã mở tờ khai hơn 43.000 tấn gạo từ tháng 3, thiệt hại rất lớn, hiện TP Cần Thơ đã giao tới cảng là 76.000 tấn gạo. Trước hết mở cho tờ khai thông quan trong tháng 3 và sắp tới các tờ khai đã giao tại cảng.

Lo lắng vụ hè thu sắp tới sẽ khiến cho lượng gạo ùn ứ, giá gạo sẽ giảm mạnh thiệt hại người dân trồng lúa, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, hiện số lượng gạo các DN của tỉnh tồn tại cảng lên tới 12.000 tấn. Trước mắt, cần cho xuất khẩu ngay gạo tồn tại cảng, sau đó cho xuất lại bình thường không cần hạn ngạch.

Một DN xuất khẩu gạo ở Bình Định có chi nhánh tại tỉnh An Giang cho biết: Hiện nay công ty có gần 10 ngàn tấn gạo đã đưa đến cảng Mỹ Thới An Giang trước ngày 24/3, nhưng vẫn chưa thể xuất khẩu vì tờ khai hải quan bỗng nhiên bị mất trên hệ thống. Theo DN, đồng nghĩa với việc các lô gạo này của Bidifood không được thông quan. Do hàng hóa bị “ngâm” từ ngày 23/3 tới nay, doanh nghiệp này đã bị thiệt hại nặng, với chi phí phải chi ra lên tới 200 triệu đồng/ngày.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết, ông Phạm Văn Quang- Chủ tịch HĐQT Cty xuất khẩu gạo Trung Thạnh ở Cần Thơ cho biết: “Mong muốn Chính phủ tính toán sớm mở đường cho DN xuất khẩu, trong khi mùa vụ mới khoảng 1,5 tháng nữa là tới rồi. Việc hạn chế xuất khẩu lúc này thực sự không quá cần thiết, chỉ cần đến mùa vụ mới thì lượng gạo dự trữ quốc gia và lượng gạo khác còn tồn đọng có thể dùng đến sang năm còn chưa hết. Trong khi vụ hè thu nhiều nơi đang trổ bông rồi, có nơi chắc chỉ khoảng 1 tháng 10 ngày nữa là thu hoạch, lo gì chuyện an ninh lương thực nữa. Nếu hạn chế tình trạng xuất khẩu như này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho DN. DN chúng tôi sống nhờ vào sản xuất xuất khẩu mà viễn cảnh như này rất khó khăn. Giai đoạn này giá gạo đang cao, nhiều nơi cố găm lại để được giá tốt nhất, nếu mở xuất khẩu thì giá mới tăng nếu hạn chế như này giá sẽ từ từ giảm xuống, chỉ cần đến hết tháng 5 vụ mới thu hoạch giá lúa sẽ tụt xuống rất mạnh…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không lo thiếu gạo!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO