Nghịch lý thịt gia cầm

Hạnh Nhân 29/04/2020 08:00

Giá thịt gia cầm và các loại trứng gà, vịt rớt giá liên tục khiến người chăn nuôi rơi vào tình cảnh lao đao. Thậm chí có thời điểm giá gà công nghiệp còn rẻ hơn giá rau xanh bán ngoài chợ.

Nghịch lý thịt gia cầm

Thịt gia cầm đang giảm sâu.

Tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), giá trứng, giá gia cầm thịt giảm mạnh, ế thừa. Nếu như trước trứng gà được bán với giá 2.000 đồng/quả, trứng vịt 2.200 đồng/quả, thì hiện chỉ bán hơn 1.000 đồng/quả nhưng vẫn không ai hỏi mua. Người chăn nuôi gia cầm thương phẩm cũng đang “đứng ngồi không yên” khi giá vịt hơi 25.000 đồng/kg.

Tình trạng tương tự tại một số địa phương: Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc... giá vịt thịt đang ở mức từ 32.000 đồng đến 34.000 đồng/kg. Giá gà gà lai chọi bán ra tại trại có giá trên dưới 60.000 đồng/kg; gà thịt công nghiệp dao động từ 26.000 đồng đến 28.000 đồng/kg; giá ngan thịt ở mức trên dưới 48.000 đồng/kg; gà mía Sơn Tây có trại bán được 75.000 đồng/kg...Giá trứng gà tại trại vẫn ở mức thấp, chỉ đạt từ 900 đồng đến 1.300 đồng/quả, giá trứng vịt bán buôn khoảng trên dưới 2.000 đồng/quả.

Một chủ trại gà Ai Cập đẻ trứng quy mô 1 vạn con ở Tân Tiến (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, 3 tháng nay, các trang trại phải bán trứng gà ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Nuôi 1 vạn gà đẻ thay vì thu lãi thì giờ mỗi ngày lỗ 2 triệu đồng. Hay hiện xã Phú Thành (Lạc Thuỷ, Hoà Bình) cả vạn con gà ri thả vườn đến lứa xuất chuồng, trọng lượng đã đạt 1,6-2 kg/con, giá giảm mạnh từ 100 nghìn đồng/kg xuống còn 75 nghìn đồng/kg nhưng vẫn khó bán.

Theo các hộ chăn nuôi, chưa bao giờ giá gà thành phẩm và trứng lại giảm mạnh và kéo dài tới cả vài tháng như vậy. Trang trại đầu tư chăn nuôi càng lớn, thì lỗ vốn càng nhiều.

Lý giải về tình trạng trên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, do dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể phải đóng cửa, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm giảm nên các trang trại khó tiêu thụ. Bên cạnh đó người đi chợ và siêu thi cũng ít hơn. Mặt khác, ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi từ trước đó nên nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi gà, vịt khiến nguồn cung gia cầm tăng mạnh.

Còn theo ông Trần Duy Khanh- Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, để xảy ra tình trạng ứ thừa quá nhiều gia cầm như hiện nay là do vì dịch tả lợn châu Phi nên không kịp tái đàn mà chuyển sang chăn nuôi ồ ạt đàn gia cầm. Ông Khanh cũng đặc biệt lo ngại hiện nay mặt hàng tạm nhập tái xuất, dù theo nguyên tắc các doanh nghiệp nhập về sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là mặt hàng gia cầm và phụ phẩm của gia cầm. Thế nhưng khi Trung Quốc cấm hàng tạm nhập tái xuất thì gần như các mặt hàng đó lại được tuồn ra tiêu thụ và cạnh tranh với hàng hóa trong nước.

Tuy nhiên, dù gia cầm trong nước ế thừa, giá giảm sâu kỷ lục thì theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 13/4, lượng thịt gia cầm và các sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu về trong hơn 3 tháng đầu năm vẫn tăng tới 150% so với cùng kì năm 2019, lên tới hơn 78.376 tấn, chủ yếu từ các nước Hoa Kỳ 65,09%, Hàn Quốc 14,07%, Brazil 9,90%, Ba Lan 3,56%, Hà Lan 4,44%, Liên bang Nga khoảng 0,35%... Đây không phải là đầu tiên gia cầm trong nước ế thừa mà nhập khẩu vẫn tăng, câu chuyện này đã tái diễn nhiều lần, gần đây nhất là 6 tháng đầu năm 2019 khi lượng gà nhập khẩu lên tới 142.000 tấn, khi đó giá bán ra thị trường cũng rất rẻ khiến người chăn nuôi gà công nghiệp trong nước lâm vào cảnh khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghịch lý thịt gia cầm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO