'Phá băng' thị trường, kích cầu phát triển

Quang Ngọc 19/02/2020 08:00

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh khẳng định công tác phòng dịch là quan trọng. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp sẽ làm gì để kéo lại ngành du lịch? Sở Du lịch TP HCM đã tập hợp ý kiến tham mưu xoay quanh vấn đề thuế, phí, gói tín dụng và các chính sách khác để hỗ trợ doanh nghiệp khi mà Covid-19 đang gây ra những tác động tiêu cực.

'Phá băng' thị trường, kích cầu phát triển

Sữa là mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong thời gian này. Ảnh: Quang Vinh.

Phối hợp nhiều giải pháp

Trong tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến, dẫn đến sụt giảm doanh thu của ngành du lịch, chiều 17/2, Sở Du lịch TP HCM đã tổ chức buổi họp lấy ý kiến của các doanh nghiệp (DN) du lịch, lữ hành, dịch vụ lưu trú để tìm giải pháp ứng phó.

Theo Sở Du lịch TP HCM, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, lượng khách đặt phòng tại các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Riêng các khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ cho nhóm du khách nói tiếng Hoa giảm tới 70%... Khách vắng khiến hoạt động kinh doanh của DN du lịch bị ảnh hưởng nặng.

Thông tin thêm, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng- Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, cho biết lượng khách đặt tour mới đi trong 2-3 tháng tới gần như không có...

Khó khăn là rất lớn đối với ngành du lịch. Vấn đề quan trong nhất lúc này là làm sao “phá băng” để thu hút khách trở lại, không đợi đến khi dịch đi qua. Một trong những giải pháp quan trọng chính là tăng cường quảng bá. Được biết, ngay trong tháng 2 này Sở Du lịch TP HCM sẽ phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Sức ép và phương thức khắc phục thiệt hại của DN du lịch do tác động của dịch Covid-19”. Cuối tháng, lại phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại TP HCM, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn tổ chức hội thảo về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch TP ứng phó với dịch Covid-19. Việc đẩy mạnh xúc tiến du lịch nước ngoài, tăng cường khai thác những thị trường tiềm năng như Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản; các thị trường xa như Bắc Mỹ, Canada… cũng đã được tính đến.

Về phía các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhiều ý kiến đã được đưa ra. Trong đó nổi lên vấn đề Nhà nước sớm có chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế thu nhập DN; giảm giá một số dịch vụ công do cơ quan nhà nước quản lý, đồng thời hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến. Cùng đó, các DN du lịch từ vận chuyển (hàng không, đường sắt, đường thủy và đường bộ); các cơ sở lưu trú du lịch; cơ sở ăn uống và mua sắm; điểm tham quan; doanh nghiệp lữ hành… có chính sách khuyến mại, giảm giá mạnh hoặc ưu đãi đặc biệt cho du khách đến TP HCM. Các chương trình giảm giá để kích cầu với mức giảm từ 30% trở lên có thể thu hút du khách, giúp “phá băng” thị trường đang khó khăn.

Đáng chú ý, nhiều DN cho rằng một trong những điểm nhấn để thu hút du khách là cần tuyên truyền Việt Nam, trong đó có TP HCM là điểm đến an toàn, đang kiểm soát dịch tốt nhằm tạo sự yên tâm với du khách quốc tế. Cùng đó, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa- Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, sẽ tăng cường công tác kích cầu du lịch nội địa bên cạnh việc tìm cách thu hút khách quốc tế.

Như vậy, cho dù hiệu quả còn ở phía trước nhưng việc không khoanh tay chiụ trận mà chủ động, năng động tìm giải pháp vượt khó là rất đáng ghi nhận.

Thoát khỏi biến cố Covid-19, trong “nguy” có “cơ”

Không tránh khỏi những thiệt hại do dịch Covid-19 nhưng Việt Nam được đánh giá cao trong việc linh hoạt ứng phó, dự phòng các phương án chuyển đổi để tìm ra cơ hội phục hồi sau dịch bệnh.

Theo một báo cáo phân tích của Deutsche Bank vừa công bố cho thấy, tác động của dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều so với dịch viêm phổi SARS hồi năm 2003 bởi quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã gấp 4 lần và độ kết nối cao hơn với phần còn lại của thế giới. Báo cáo này cũng cho rằng, tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay giảm khoảng 0,5%. Còn theo các chuyên gia Oxford Economics, dịch bệnh kéo dài sẽ kéo giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 từ mức 2,5% trong dự báo trước đó, xuống còn 2,3%, mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Trong nước, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 0,53% so với mục tiêu hoặc xấu hơn (nếu hết quý 2 mới dập được dịch Covid-19) là 0,71%-1% xuống tương ứng còn 6,27% và 6,09%-5,96%.

Việt Nam là nước láng giếng của Trung Quốc, nên sẽ chịu tác động không nhỏ. Đó là điều dễ hiểu. Với lĩnh vực cụ thể là phụ kiện cho các đồ điện tử nhập từ Trung Quốc- theo FT Research (bộ phận nghiên cứu thuộc Financial Times)-Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi nhập khoảng 38-39%. Tuy nhiên, đây là mức thấp hơn trung bình của thế giới (40%). Vẫn theo FT Research, nhiều nhóm ngành tại Việt Nam chịu ảnh hưởng, trong đó có du lịch, dệt may, bán lẻ... Nhưng một số ngành không chịu ảnh hưởng, thậm chí sẽ tăng như ngành sữa hay là thương mại điện tử, dược phẩm.

Còn theo ngân hàng lớn nhất của Mỹ J.P. Morgan, “cú sốc” Covid-19 cũng được xem là cơ hội để nhiều quốc gia thay đổi để phát triển, trong đó có Việt Nam nếu đa dạng hóa sản xuất, tránh một sự gián đoạn về các chuỗi cung ứng.

Nhìn chung, Việt Nam luôn được đánh giá cao trong ứng phó với dịch bệnh và với sự linh hoạt và chủ động chuyển hướng, có nghĩa là trong “nguy” có “cơ” khi mà nhiều ý kiến tin rằng nền kinh tế Việt Nam đang có cơ hội thay đổi và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Phá băng' thị trường, kích cầu phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO