Rào cản doanh nghiệp xuất khẩu

Minh Phương 15/08/2018 00:20

Với câu hỏi tại sao các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam không quá mặn mà đối với việc xuất khẩu sang thị trường EU? Ông Nguyễn Ngọc Sơn (Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan) cho rằng, trong số muôn vàn những rào cản từ mặt pháp lý đến rào cản về thị trường vẫn còn rào cản rất lớn về tâm lý.

“Mọi người đều suy nghĩ rằng, xuất khẩu sang EU có khoảng cách quá xa về địa lý cũng như sự khác biệt về văn hóa nên chi phí cho việc tiếp cận thị trường cao khiến cho lợi nhuận về lâu dài của DN không cao”- theo ông Sơn.

Hiện phần lớn các DN xuất khẩu của Việt Nam vẫn chú trọng nhiều hơn đến những thương vụ, đối tượng khách hàng cụ thể và trước mắt, mà thiếu một bức tranh toàn cảnh về tiềm năng thị trường. Điều này dẫn đến việc các DN khó xác định được các nguồn lực cũng như thời gian để dành cho quá trình xúc tiến xuất khẩu. Trên thực tế, các DN xuất khẩu gặp rất nhiều chi phí để có thể áp dụng, tuân thủ một cách có hệ thống và bài bản các quy chuẩn trong toàn bộ hệ thống sản xuất hoặc trong chuỗi cung ứng mà bên nhập khẩu đưa ra.

“Câu chuyện phổ biến thời gian qua là nhiều DN đã tuân thủ được các quy trình xuất khẩu, trong năm nay sản phẩm đã có thể xuất khẩu được nhưng đến năm sau, khi phải đánh giá quy trình DN lại không tuân thủ được. Đây chính là rào cản lớn nhất của các DN xuất khẩu”- vẫn theo ông Sơn.

Do đó, để giúp cho DN có thể phát huy được lợi thế xuất khẩu bền vững, ông Sơn cho rằng các DN cần chỉ rõ được xuất khẩu sản phẩm nào là chủ lực, xuất khẩu sang thị trường nào, có phù hợp với các thế mạnh và lợi thế của DN hay không… trên cơ sở đó chọn cách định vị và cách tiếp thị sản phẩm hiệu quả. Đặc biệt, DN cần hiểu được nhu cầu của khách hàng về sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có chứng chỉ chất lượng, từ đó đưa ra định vị phù hợp với những sản phẩm mang tính ngôi sao, phục vụ cho các phân khúc khách hàng phù hợp.

Để xuất khẩu được bền vững, vươn ra thị trường quốc tế, DN cần lập kế hoạch xuất khẩu và đưa ra được các hành động triển khai, sau đó rà soát và điều chỉnh kế hoạch cho những kỳ tiếp theo. Chu trình này nên được thực hiện liên tục và lặp đi lặp lại để đảm bảo các hoạt động, các định hướng của mỗi DN luôn theo kịp với sự năng động của thị trường cũng như bắt kịp các yêu cầu mới của khách hàng. Có như vậy, hoạt động kinh doanh nói chung, xuất khẩu nói riêng mới bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rào cản doanh nghiệp xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO