Tìm lối ra cho cây mía - Bài 1: Ngọt... lại đắng ngắt

Gianh Lam - Quốc Trung 12/09/2018 09:00

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường tồn kho hiện ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay, trong khi vùng nguyên liệu cả nước, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long nơi phải thu hoạch sớm để chạy lũ rất lớn với diện tích hiện tại là 10.500ha, năng suất mía đạt 95 tấn/ha. Nếu các doanh nghiệp không tiếp tục thu mua, người dân sẽ gặp vô vàn khó khăn. Chưa bao giờ cây mía và hạt đường lại ‘bế tắc’ như vậy.

Tìm lối ra cho cây mía - Bài 1: Ngọt... lại đắng ngắt

Người nông dân trồng mía luôn canh cánh nỗi lo đầu ra.

Cây mía là nguồn thu nhập chính của hơn 10 nghìn hộ nông dân Hậu Giang, là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, trên thực tế cây mía đã thăng trầm cùng với cuộc sống của người dân nơi đây hơn 20 năm qua. Nhưng trước thực tế ngày càng bấp bênh của cây mía, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đánh phải tính đến chuyện đổi cây trồng khác để đảm bảo kế sinh nhai cho người dân.

Đường dư tồn đọng, dân tính bỏ mía

Ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất, diện tích hiện tại là 10.500ha, năng suất mía đạt 95 tấn/ha, cao nhất cả nước (bình quân cả nước 64 tấn/ha), chất lượng mía tăng từ 8 chữ đường (CCS) lên 10 CCS. Cây mía là nguồn thu nhập chính của hơn 10 ngàn hộ nông dân, là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh.

Tuy nhiên, trước những khó khăn và bấp bênh của cây mía, ngành đường, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đành tính tới chuyện chuyển đổi cây trồng khác để đảm bảo sinh kế cho người dân, theo đó, dự kiến diện tích mía của tỉnh sẽ giảm dần trong tương lai gần.

Là người trồng mía đã nhiều năm nay, ông Trần Văn Hòa (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết hiện nay mía đã có thể thu hoạch được nhưng giá quá thấp nên vẫn còn “neo”, hy vọng giá lên mới bán. “Giá mía nay chỉ có 800 đồng/kg, giảm 200 - 300 đồng/kg so với vụ trước, bình thường mỗi công (1.000m2) trừ chi phí, nhân công thì lời được 2 - 3 triệu, nhưng với giá như giờ thì chắc không lời nổi” - ông Hòa nói và cho biết thêm bà con nơi đây đang trong hoàn cảnh khó khăn chung, tình hình này kéo dài thì người dân khó lòng “chung thủy” với cây mía...

Phụng Hiệp là địa phương có diện tích trồng mía nhiều nhất của tỉnh Hậu Giang với 7.500 ha, theo kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ giảm xuống còn 6.000ha. Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Phụng Hiệp, cho biết với tình hình giá cả hiện nay, bà con trồng mía sẽ khó khăn. Theo ông Tuấn, chủ yếu bà con vẫn trông chờ các nhà máy đường nhưng hiện đã sắp vào vụ nhưng mới có một DN ký hợp đồng thu mua mía, còn một DN hàng năm đến tháng 5 là đã tới ký nhưng năm nay tới giờ vẫn chưa thấy đâu.

Trong khi chờ đợi chỉ đạo, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang thực hiện các giải pháp trước mắt như tuyên truyền, khuyến khích người dân bán mía nước (bán cho những quầy bán nước mía) - phương án này dự kiến sẽ giải quyết được 1.000 ha... Tất nhiên đó chỉ là các giải pháp tình thế, khó khăn của ngành mía đường đến thời điểm này vẫn chưa thấy “đường ra”.

“Nói chung là tiếp tục vụ mía đắng, đắng nghét luôn”; đây là những tiếng thở dài của người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, khi trao đổi với Đại Đoàn Kết. Theo ông Đồng, hiện đã sắp vào vụ thu hoạch mía nhưng lượng đường tồn kho đang quá tải với hơn 30.000 tấn tại Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ.

Khảo sát tại Công ty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO), ông Phạm Quang Vinh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) CASUCO, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng đường tồn kho nhiều do 3 nguyên nhân chính: Đường dư của vụ trước dồn lại; đường lỏng nhập vào Việt Nam rất nhiều và tình hình buôn lậu đường chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Tìm lối ra cho cây mía - Bài 1: Ngọt... lại đắng ngắt - 1

Thu hoạch mía tại xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

“Bất lực” vì đường lậu

Theo ngành chức năng thống kê, hàng năm lượng đường nhập lậu vào Việt Nam có lúc lên đến 500.000 tấn (bằng 30% sản lượng đường trong nước sản xuất), tuy nhiên đây chỉ là bề nổi, trong khi số lượng chưa xử lý thì không thể đo đếm được.

Ông Phạm Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT CASUCO còn chỉ ra nhiều điểm khiến ngành đường nội địa sống dở, chết dở như: Riêng hai khoản thuế là thuế nhập khẩu và thuế VAT không phải chịu là đường lậu đã rẻ hơn đường nội địa 1.000 đồng/kg, chỉ cần chừng ấy cũng khiến DN gặp nhiều khó khăn, thậm chí là thua lỗ. Trong khi đó, Chính phủ cho thực hiện việc tạm nhập tái xuất đường nhưng kiểm soát không tốt dẫn tới đường tạm nhập mang ra tiêu thụ nội địa gây khó khăn cho công tác tiêu thụ của đường trong nước.

Theo phân tích của ông Vinh, để cạnh tranh với đường lậu, các DN bắt buộc phải hạ giá đường nội địa xuống, mỗi 1 kg giảm 1.000 đồng, cũng đồng nghĩa với việc phải giảm giá mía của nông dân. Mỗi 1kg mía giảm 100 đồng, thì với sản lượng mía ép cả nước hơn 15 triệu tấn, tổng thiệt hại tương đương 1.500 tỷ đồng, theo ông Vinh, đây là thiệt hại rất lớn nhưng chưa ai tính đến.

Tháng Bảy vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang có công văn “cầu cứu” gửi Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường. Theo Sở Công Thương Hậu Giang, đường nhập lậu đang tràn lan nhờ giá rẻ do trốn thuế nhập khẩu, thuế VAT, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với mặt hàng đường, đặc biệt tại các địa phương có biên giới với các nước láng giềng.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), một số nhà máy đang có nguy cơ thua lỗ và nợ tiền mua mía nguyên liệu của nông dân hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do đường lậu từ Thái Lan hoạt động công khai, thách thức dư luận và cơ quan chức năng (vận chuyển bằng xe tải lớn và bày bán công khai. Đường còn nguyên bao, nhãn mác Thái Lan); đường lỏng sản xuất từ tinh bột ngô (HFCS) đang nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn và ngày càng có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất đường mía nội địa.

Sản lượng đường cả nước sản xuất hàng năm đạt 1,4 - 1,5 triệu tấn, trong khi lượng đường nhập lậu lên đến khoảng 500 nghìn tấn, nếu kiểm soát tốt vấn đề nhập lậu thì lượng đường sản xuất trong nước vẫn chưa đủ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa. Do không chịu thuế nên đường nhập lậu rẻ hơn đường trong nước 1.000 đồng/kg, điều này khiến nhà nước thất thu. “Nhưng thiệt hại lớn hơn đó là để bán được đường thì các DN bắt buộc phải hạ giá xuống để cạnh tranh với đường nhập lậu, khi hạ giá đường thì đồng nghĩa với việc phải hạ giá mía của nông dân, thiệt hại này chưa ai tính đến” - ông Vinh nói.

Hiện đường tồn kho của cả nước khoảng 700.000 tấn (riêng Hậu Giang 30.000 tấn). Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay, trong khi vùng mía của Hậu Giang lại phải thu hoạch sớm nhất cả nước. Nếu không có sự hỗ trợ của quyết liệt và hiệu quả từ các cơ quan, bộ, ngành trung ương thì DN không thể sản xuất được do lượng đường tồn kho cao, nguồn vốn sản xuất không đủ và cây mía Hậu Giang sẽ không có nơi tiêu thụ, nông dân trồng mía gặp rất nhiều khó khăn.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm lối ra cho cây mía - Bài 1: Ngọt... lại đắng ngắt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO