Thi vào lớp 10 THPT: Giảm áp lực từ phía phụ huynh

Minh Quang 02/06/2019 07:00

Hôm nay (2/6), gần 86 nghìn học sinh tại Hà Nội chính thức tham gia cuộc đua vào các trường THPT công lập năm học 2019-2020. Dù lượng thí sinh dự thi giảm hơn năm trước khoảng 4.000 em, song lại có nhiều quy định mới được áp dụng (thi 4 môn thay vì 2 môn như mọi năm; bỏ cộng điểm rèn luyện ở bậc THCS, bỏ cộng điểm nghề), nên áp lực tuyển sinh vào lớp 10 đang đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của các em. Để giải tỏa những áp lực ấy trước hết hãy bắt đầu từ chính phụ huynh.

Thi vào lớp 10 THPT: Giảm áp lực từ phía phụ huynh

Thí sinh làm thủ tục dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Lắng nghe nguyện vọng của con trẻ

Câu chuyện dưới đây từ một nam sinh hiện đang học lớp 11 Trường THPT tư thục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội. Em từng phải sống trong những tháng ngày áp lực khủng khiếp sau khi biết điểm thi vào lớp 10. Điều đáng nói, em là lớp trưởng trong suốt 9 năm bậc THCS và cũng từng ấy năm thuộc diện “top” các học sinh có thành tích xuất sắc trong trường. Nhưng trớ trêu thay, lớp có 46 bạn thì 45 người đỗ, chỉ một mình em là lớp trưởng lại không đạt nguyện vọng trường công…

Những ngày tháng ấy với em nó giống như chiếc xe đang lên đến gần đỉnh núi thì tụt dốc xuống hẳn vực thẳm, và lúc đó em nghĩ 9 năm học tập của mình gần như bỏ đi… Sau những căng thẳng trong gia đình, em đã suýt không được tiếp tục học lên bậc THPT bởi bố dường như mất hoàn toàn niềm tin vào em và cho rằng em không thể theo được con đường học vấn. Vì quá áp lực, em chỉ muốn thu mình lại và chẳng muốn giao tiếp với ai.

Nhưng may thay có mẹ động viên chia sẻ, đăng ký cho em vào học tại trường hiện nay. Được sự quan tâm, giúp đỡ từ giáo viên chủ nhiệm và bạn bè, giờ đây em đã dần dần lấy lại được thăng bằng, bắt đầu có cảm giác tìm lại được sự tự tin ở chính mình.

Một câu chuyện cụ thể, nhưng cũng đã phản ánh đúng thực trạng bấy lâu về kỳ vọng và áp lực trước ngưỡng cửa vào lớp 10 của những cô cậu học trò 15 tuổi. Trong khi nhiều học sinh lớp 9 tại Hà Nội chia sẻ rằng, trong kỳ thi vào lớp 10, mỗi học sinh được đăng ký tới 7 NV vào các trường THPT (kể cả công lập và ngoài công lập), như vậy thì không thể nói là các em đã bị… trượt. Nếu có thể, hãy nói cho đúng là các em đã không vào được ngôi trường như mong ước.

Phân tích từ các chuyên gia giáo dục cho hay, việc xã hội hóa giáo dục với mục đích hướng tới là nhằm tạo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi người. Nhưng thời gian qua cách làm, cách nghĩ của chúng ta khiến cho hệ thống giáo dục phổ thông ngoài công lập có khoảng cách lớn với các trường công lập. Đơn cử như trong cuộc chạy đua vào lớp 10 hàng năm, chính người lớn, đặc biệt là các phụ huynh đã tạo áp lực rất lớn lên những đứa con của mình. Không ít phụ huynh cũng cho rằng, việc con trượt lớp 10 công lập chẳng khác nào là dấu chấm hết. Thậm chí còn làm xấu mặt cha mẹ chúng…

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) - nhận định: Cơn sốt vào lớp 10 trường công sẽ còn dai dẳng nếu như những giải pháp đổi mới giáo dục làm không đến nơi đến chốn. Bây giờ nếu đặt vấn đề phổ cập giáo dục bậc THPT thì khó, nhà nước phải bao cấp. Nhưng nhà nước lấy tiền đâu ra. Cho nên phải hạn chế vào các trường công, và sinh ra chuyện phải chen nhau để có suất vào học. Song, cách làm của trường tư hiện cũng tồn tại 2 vấn đề. Thứ nhất là chất lượng giáo dục còn thấp. Thứ hai, bởi trường công học phí thấp, còn trường tư học phí cao. Do không có quy định ngưỡng học phí với trường tư, nên họ thu thế nào là do họ. Trên thực tế có tâm lý phân biệt, thậm chí kỳ thị trường tư là có thật, bởi đa phần (chứ không phải tất cả) những học sinh không vào được trường công mới… bất đắc dĩ phải học trường tư. Chỗ này cho thấy, nhà nước cần có sự đối xử rất công bằng với hai hệ thống giáo dục công - tư. Có nghĩa là nhà nước phải trợ giúp cho cả công và tư, tạo điều kiện vận hành công – tư phải công bằng. Chỉ có như thế thì mới dần khắc phục được tâm lý học sinh không thích học trường tư.

Giảm áp lực bằng nhiều lựa chọn

Theo thống kê của Sở GDĐT, sau khi kết thúc năm học 2018-2019, toàn thành phố có hơn 101 nghìn em xét tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ có hơn 67 nghìn em được vào học lớp 10 trong các trường THPT công lập và công lập tự chủ. Như vậy, số học sinh có cơ hội vào các trường THPT công lập chỉ chiếm khoảng 66%. Hơn 34 nghìn em còn lại phải học tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giáo dục thường xuyên (GDTX) hoặc học nghề.

Nhằm tạo điều kiện cho các em có cơ hội tiếp tục học tập sau bậc THCS, năm học 2019-2020, ngoài chỉ tiêu 67.235 học sinh được vào các trường THPT công lập, công lập tự chủ, Hà Nội sẽ tuyển 7.875 học sinh lớp 10 hệ BTVH tại 29 trung tâm GDNN- GDTX trên địa bàn thành phố. Như vậy, trong trường hợp học sinh không đủ điều kiện hoặc không có NV theo học lớp 10 tại các trường THPT công lập, THPT ngoài công lập, trường THPT công lập tự chủ, các em có thể đăng ký thêm NV dự tuyển lớp 10 tại các trung tâm GDNN-GDTX. Các trung tâm GDNN-GDTX áp dụng thống nhất một phương thức tuyển sinh lớp 10 là xét tuyển theo học bạ cấp THCS của học sinh. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở 4 năm học cấp THCS sẽ được quy ra điểm cụ thể, tối đa cho mỗi năm học là 10 điểm (dành cho học sinh có hạnh kiểm tốt và học lực giỏi). Học sinh có NV dự tuyển lớp 10 hệ BTVH làm thủ tục xác nhận nhập học trực tiếp tại các trung tâm từ ngày 20 - 22/6/2019.

Ngoài việc học BTVH, hướng học nghề để lập nghiệp cũng là một lựa chọn với phụ huynh và học sinh. Đây vừa là một cách giảm áp lực vào lớp 10 trường công, giảm tải cho hệ thống trường công và giúp các em có tương lai tốt hơn nếu như các em không đạt được NV như mong ước.

Xung quanh sức “nóng” tuyển sinh lớp 10 THPT tại các thành phố lớn hiện nay, ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) - phân tích: vài năm trở lại đây, có khoảng 30% học sinh THCS không học lên THPT mà chọn cho mình con đường khác như học nghề hoặc GDTX. Đây là một xu hướng tốt trong phân luồng giáo dục phổ thông. Vì thực tế trong khung đào tạo của các trường nghề đều có phần kiến thức phổ thông bắt buộc, khi tốt nghiệp, nếu đáp ứng đủ điều kiện và kiến thức, học sinh có thể học lên CĐ... mà không nhất thiết vào học THPT. Tâm lý chung của phụ huynh là luôn luôn mong con mình học hành tấn tới, muốn con mình đỗ cấp 3, ĐH hoặc cao hơn nữa. Nhưng rõ ràng phụ huynh phải nhìn nhận vào thực tế xem con/em mình có khả năng ở lĩnh vực gì, sở trường, hứng thú thế nào, từ đó có đánh giá đúng về năng lực của con. Dứt khoát không nên áp đặt con phải học lên THPT, lên ĐH... Như vậy vô hình chung sẽ gây ra áp lực cho con, dẫn tới việc định hướng sai, vừa mất thời gian, tiền bạc và phí sức lực của các em.

Còn theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan - Viện Khoa học Giáo dục (Bộ GDĐT) - phụ huynh nên bỏ định kiến đi học nghề là thấp kém, đừng lo con đường lên THPT rồi lên ĐH là duy nhất, vì hiện nay có rất nhiều con đường khác nữa mà vẫn đi đến đích nếu mong muốn đạt được học vấn cao hơn. Để định hướng tốt cho các con ngay từ khi chuẩn bị kết thúc bậc THCS, phụ huynh phải xem con mình có năng lực, sở trường thế nào rồi tìm hiểu các cơ sở GDNN để tư vấn cho con. Làm sao đưa ra được những lựa chọn phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện gia đình và nhu cầu của xã hội. Phụ huynh cần tỉnh táo, thận trọng và không nên theo đám đông, vì hiện nay con đường học tập rất mở, có nhiều lựa chọn.

Trước việc ngày càng có xu hướng nhiều học sinh từ cấp THCS đã đăng ký, lựa chọn học nghề, GS.TS Đào Trọng Thi (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng: Đây là điều phù hợp với chủ trương phân luồng giáo dục nghề nghiệp của nước ta. Chủ trương này đã có từ lâu, tuy nhiên vẫn phải mất một thời gian rất dài nhận thức của phụ huynh và học sinh mới có những thay đổi và chuyển biến.

Điều này có thể minh chứng bằng kết quả khảo sát tình hình phân luồng học sinh sau THCS năm học 2017-2018 do Bộ GDĐT công bố. Những số liệu cho thấy, có tới 79,6% học sinh học lên THPT; 5,6% học hệ GDTX, 7,8% học các trường nghề và 4,6% đi làm. Tại Hà Nội, những năm gần đây, nhiều trung tâm GDNN-GDTX chỉ tuyển sinh đạt 50% chỉ tiêu được giao, thậm chí có nơi chỉ 30%. Như thế, việc thay đổi nhận thức của xã hội, trong đó có băn khoăn của các bậc phụ huynh về việc học văn hóa hay học nghề… vẫn còn là bài toán khó, đòi hỏi nỗ lực của ngành giáo dục phải nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như cam kết đầu ra của các trường nghề. Đặc biệt, hệ thống GDNN phải thật sự chất lượng, việc liên thông giữa các bậc học phải được thông thoáng, huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo với nhà trường.

Quan trọng hơn là cần phải thay đổi nhận thức, để nhiều người hiểu rằng, việc học sinh lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT nhằm giúp tạo ra cho xã hội lực lượng lao động có tay nghề, có kỹ thuật, và người lao động vẫn có thu nhập cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi vào lớp 10 THPT: Giảm áp lực từ phía phụ huynh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO