Thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: Thay đổi theo hướng nào?

Thu Hương 10/03/2022 14:26

Theo kế hoạch của Sở GDĐT Hà Nội, môn thi thứ 4 của kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022 sẽ được công bố trong tháng 3/2022. Nhiều ý kiến băn khoăn về số môn thi cũng như về phương án nào cho kỳ thi rất áp lực này những năm tới.

Ảnh minh họa.

Mong giảm áp lực

Năm học 2020-2021, kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội có những thay đổi quan trọng về thời lượng đối với bốn môn thi để phù hợp với việc phòng dịch. Cụ thể, thay vì bài thi 120 phút dành cho môn Toán, Ngữ văn đã chuyển thành 90 phút và đề thi 45 phút của môn Ngoại ngữ, Lịch sử thay vì 60 phút như dự kiến trước đó. Không bỏ môn thi thứ 4 nhưng việc giảm thời lượng từng môn thi và thi dồn từ 4 buổi (1 buổi học quy chế, 3 buổi thi) xuống còn 2 buổi đã khiến các nguy cơ lây nhiễm giảm đi, bớt áp lực hơn so với kéo dài ngày thi.

Tới năm học này, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội vẫn tiếp tục căng thẳng nên có những ý kiến khác nhau xung quanh kỳ thi quan trọng này. Phần nhiều trong số đó là các phụ huynh, học sinh (HS) và cả nhà trường mong muốn giảm bớt môn thi thứ 4 do việc học online kéo dài khiến thầy và trò đều “đuối”, ngày trở lại trường nhiều nơi cũng quay cuồng “on-off” do cả thầy và trò luân phiên trở thành F0. Rồi quy định chỉ học trực tiếp 1 buổi khiến cho nhiều trường, nhiều lớp mới đảm bảo học đúng theo phân phối chương trình năm học. Đa số các thầy cô đều thừa nhận chưa có nhiều thời gian ôn tập hay bổ túc, phụ đạo cho những HS bị hổng kiến thức khi học online mà chủ yếu vừa dạy bài mới, vừa dành thời gian để ôn tập cho cả lớp các kiến thức trước đó nên khá vất vả.

Với HS lớp 9 năm nay có đến 5 học kỳ bị ảnh hưởng của dịch bệnh, học trực tuyến nhiều hơn trực tiếp. Các em được tới trường từ sau Tết Nguyên đán song thời gian cũng không dư dả nên việc ôn tập, củng cố kiến thức song song với việc dạy bài mới.

Chia sẻ của một hiệu trưởng trường THCS ở quận Đống Đa thì để “chạy” hết chương trình không khó vì HS không đến trường nhưng vẫn học trực tuyến, đảm bảo tiến độ nhưng chất lượng chung không thể bằng dạy học trực tiếp. Trong đó có những nhóm HS gặp khó khăn cần được kèm cặp trực tiếp song thời gian học trên lớp cũng rất hạn chế, chưa kể dịch bệnh nên thầy nghỉ, trò nghỉ… ảnh hưởng không nhỏ đến không khí lớp học, tiến độ học tập và đặc biệt là chất lượng học tập. Vì thế, mong muốn của cả thầy và trò là giảm môn thi thứ 4 hoặc công bố sớm để có sự chuẩn bị tốt nhất bởi nếu chẳng may thầy cô, HS trở thành F0, F1 thì nhà trường cũng có kế hoạch linh hoạt.

Chương trình mới đòi hỏi cách thi cử mới

Về phía các nhà trường, ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho HS lớp 9 là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GDĐT quận Tây Hồ Trần Thị Hương, toàn quận có hơn 2.000 HS lớp 9. Công tác hỗ trợ HS luôn được đặt lên hàng đầu, bảo đảm 100% HS có đủ thiết bị học trực tuyến và khi học trực tiếp, các trường cũng sắp xếp thời khóa biểu ưu tiên với khối lớp này, thầy cô cũng được ưu tiên để không một tiết nào bị trống vì thiếu giáo viên, dù trong hoàn cảnh dịch bệnh các trường rất khó khăn về nhân sự. Ngoài 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các trường đều chú trọng dạy học đồng đều các môn học còn lại, giúp các em tự tin với bất kỳ môn thi nào khi có thông báo.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về việc thi 4 môn của Hà Nội trong bối cảnh này có phù hợp? Nhất là từ năm học tới đây, khi chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sẽ bắt đầu triển khai từ lớp 10 với đặc thù là các nhà trường sẽ tăng cường dạy học tự chọn theo năng lực, sở thích của HS, giảm số môn học bắt buộc. Điều này sẽ không còn phù hợp với việc yêu cầu HS học cùng lúc nhiều môn vì lên THPT có những môn các em không chọn.

Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 22 với những thay đổi rất tiến bộ và nhân văn, hướng tới việc đánh giá HS chính xác hơn so với các quy định xếp loại trước đây. Tuy nhiên, nếu không thay đổi cách thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng đánh giá toàn diện thì sẽ khó có thể đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện mà Thông tư 22 hướng đến.

“Nếu thi tuyển sinh vào lớp 10 vẫn chú trọng Toán, Văn, nhân đôi hệ số các môn này thì các em HS có thể sẽ chỉ học đều ở lớp 6, 7, bắt đầu học lệch dần từ lớp 8 và lớp 9 sẽ tập trung vào các môn thi tuyển” – ông Bình nêu quan điểm.

Chia sẻ thêm, ông Bình cho rằng hiện nay một số tỉnh không nhân hệ số môn Toán, Văn khi tính điểm xét tuyển vào lớp 10 là phù hợp, hướng đến giáo dục toàn diện. Còn những địa phương hiện nay thi vào 10 vẫn chỉ có các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ hoặc nhân đôi hệ số môn Toán, Văn sẽ phải thay đổi.

Hà Nội nên thay đổi việc tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học tới để phù hợp với chương trình GDPT mới. Bởi chương trình GDPT 2018 với những điểm khác biệt cơ bản so với chương trình hiện hành là chuyển từ dạy học tiếp cận trang bị kiến thức sang định hướng dạy học phát triển năng lực đòi hỏi phải có những thay đổi một cách hệ thống trong việc đánh giá học sinh, thay đổi các kỳ thi… (Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: Thay đổi theo hướng nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO