Thiên tai chẳng thể coi thường

Kiên Long 05/08/2015 09:30

Thực tế đã cho thấy, nơi đâu, tổ chức, cá nhân nào không tôn trọng, tiếp thu kinh nghiệm truyền thống, không tuân thủ luật pháp, coi thường việc phòng, chống thiên tai, hậu quả, thiệt hại lớn sẽ xảy ra.

Mưa lũ làm sập nhiều nhà dân ở Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Hàng chục người chết, bị thương, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập, hàng ngàn tỷ đồng thiệt hại... mưa lũ những ngày qua đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh miền Bắc và tiếp tục diễn biến phức tạp, khi mà một siêu bão đang hình thành trên biển. Thiên tai thường xuyên đe dọa, không ít gia đình, tài sản tích cóp bao năm bỗng chốc tiêu tan. Chỉ đến khi hậu quả xảy ra, người ta mới thấm thía thế nào là thủy, hỏa, đạo, tặc... Phòng, chống thiên tai là việc phải làm thường xuyên, được pháp luật quy định, là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân.

Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, một trong 5 ổ bão lớn của thế giới. Xưa nay, chúng ta đã phải đối mặt với nhiều loại thiên tai. Nắng lắm, mưa nhiều - hạn hán, lụt lội...

Ngày nay, biến đổi khí hậu với tình trạng trái đất ấm lên ảnh hưởng phạm vi toàn cầu, càng ảnh hưởng trực tiếp với nước ta, một nước giáp biển, có chiều dài hơn 3.260 km bờ biển. Những năm gần đây, diễn biến thiên tai và thời tiết ở nước ta ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường, phức tạp.

Bên cạnh đó, hậu quả của tình trạng phá rừng bừa bãi, thay đổi hệ sinh thái, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa càng làm gia tăng các nguy cơ, hiểm họa của thiên tai. Mỗi năm thiên tai đã làm khoảng 500 người chết và mất tích, hàng ngàn người bị thương, đặc biệt làm thiệt hại nhiều tài sản chiếm khoảng 1-1,5 % GDP...

Phòng, chống thiên tai đã là một yêu cầu tự thân, thiết thực, bắt buộc với mọi địa phương, đơn vị, mọi gia đình, cá nhân, liên quan đến sự sống còn của mọi gia đình, phát triển bền vững của cả xã hội.

Kinh nghiệm từ bao đời cho thấy, để hạn chế tối thiểu sự thiệt hại của thiên tai, vai trò của công tác phòng rất quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa, nhà nhà ở các vùng biển, vùng bão đi qua luôn luôn có một bộ phương tiện, đồ nghề chống bão. Nào dây, nào cọc, nào lưới, cột chống, phên dậu.

Trước khi cơn bão đến, nhà nhà chống bão như chuẩn bị cuộc chiến đấu. Mái nhà ràng lưới, dây chằng níu đất, cột chống mái tôn, phên gia cố cửa. Những ngôi nhà như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua bão lớn. Không ít cây cối cũng được chằng chống, tỉa bớt lá, chặt bớt cành để vượt qua bão gió.

Cũng tương tự, để chống lụt, nhà nhà có thêm, bè, mảng, làm gác mái đề phòng nước dâng. Đồng thời với đó, là việc chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm để chiến đấu với bão, lũ dài ngày... Ngay khi xây dựng, thiết kế, người ta càng phải chú ý đến việc chống đỡ với thiên nhiên, phòng chống thiên tai. Không ít vùng những ngôi nhà yêu cầu trước hết phải xây kiên cố. Chỉ những ngôi nhà trải qua một vài những cơn dông, bão hàng năm, người ta mới thực sự yên tâm.

Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai. Ngay từ năm 1993, khi hệ thống pháp luật của ta còn chưa đồng bộ, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh phòng, chống lụt bão. Nghị quyết số 26 NQ/TƯ ngày 5 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nhấn mạnh mục tiêu “nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chủ động triển khai một bước các công trình giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và nước biển dâng...”.

Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 với mục tiêu chung là huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa.

Ngày 19/6/2013, Luật Phòng, chống thiên tai ra đời (có hiệu lực từ 1/5/2014), thực hiện yêu cầu của việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của một Nhà nước pháp quyền, đồng thời thể chế hóa chủ trương của Đảng trong phòng, chống thiên tai. Trong đó, khẳng định, công tác giảm nhẹ thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện; xác định ưu tiên đầu tư cho công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai là yếu tố quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững...

Thực tế đã cho thấy, nơi đâu, tổ chức, cá nhân nào không tôn trọng, tiếp thu kinh nghiệm truyền thống, không tuân thủ luật pháp, coi thường việc phòng, chống thiên tai, hậu quả, thiệt hại lớn sẽ xảy ra. Công tác phòng, chống phải được thực hiện từ việc chuẩn bị từ xa cho đến gần. Từ việc khảo sát, xử lý những nguy cơ hiện hữu tại địa phương, phương tiện tại gia đình cho đến công tác dự báo, chuẩn bị.

Luật Phòng, chống thiên tai từ Điều 34 đến Điều 37 đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân. Hộ gia đình, cá nhân phải có nghĩa vụ chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai cho bản thân và gia đình; chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, người có thẩm quyền; tham gia hỗ trợ cộng đồng…

Với các tổ chức kinh tế phải có nghĩa vụ chủ động xây dựng, bảo vệ công trình, cơ sở vật chất của mình và tổ chức sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn trước thiên tai; xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng, chống thiên tai; khi đầu tư xây dựng công trình phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trước rủi ro thiên tai, chấp hành quy định về bảo vệ công trình phòng chống thiên tai.v.v.

Tuy nhiên, lâu nay, vẫn không ít các gia đình, đơn vị, doanh nghiệp vẫn chủ quan, lơ là, vô tình, hay cố ý vi phạm pháp luật. Không ít hộ gia đình xây dựng, làm nhà trên hành lang thoát lũ, nơi có nguy cơ sạt lở đất, không chấp hành, hay coi thường yêu cầu di dời của cơ quan chức năng. Không ít đơn vị, doanh nghiệp vì lợi nhuận, coi thường kỷ cương mà đổ bùn thải, chất thải quá tải, là những nguy cơ đối với an toàn cho người dân. Ngay cả nhiều cá nhân cũng chủ quan, coi thường tác hại của thiên tai, không quan tâm đến những quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Luật phòng, chống thiên tai đã có hiệu lực hơn một năm nay, nhưng không ít tổ chức, cá nhân chưa nắm bắt hết, thực hiện đầy đủ các vấn đề luật quy định. Thực hiện các quy định của pháp luật, cùng với học hỏi các kinh nghiệm phòng chống thiên tai của cha ông xưa, là một biện pháp tích cực giảm nhẹ sự tác hại của thiên tai cho chính mình và cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiên tai chẳng thể coi thường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO