Thiên tai khó lường

Hải Nhi 16/05/2021 15:00

Ngay trong những tháng đầu năm 2021, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá. Một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản. Những ngày qua không khí nóng bao phủ cả nước, nhiều nơi có giông lốc, sét với tần suất bất thường.

Lũ ống tràn qua xã Minh Lương (huyện Văn Bàn, Lào Cai) hồi tháng 4/2021.

Xuất hiện nhiều loại hình thiên tai

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, những tháng đầu năm 2021, riêng khu vực phía Bắc đã xảy ra 8 trận mưa đá, giông lốc, sét; 4 trận động đất. 3 đợt rét đậm, rét hại. 2 trận lũ ống, lũ quét. Đây là những hiện tượng hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường.

Thiên tai tại khu vực từ đầu năm đến nay đã làm 3 người chết, 1 người bị thương, 320 nhà bị hư hại, tốc mái, 1.086 con gia súc bị chết, thiệt hại về kinh tế ước tính là 25 tỷ đồng.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, giai đoạn tháng 6 đến tháng 7/2021 bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong những tháng 8 đến tháng 9/2021 và ảnh hưởng đến các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ từ tháng 9 cho đến hết năm 2021.

Dự báo số lượng xoáy thuận nhiệt đới trong năm 2021 hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ở mức tương đương trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 5-6 cơn. “Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng mùa mưa bão năm 2021” - ông Khiêm khuyến cáo.

Nhận định xu thế nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến tháng 12/2021 nhiệt độ trên khu vực phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ. Dự báo, tình hình rét đậm, rét hại sẽ có khả năng bắt đầu vào khoảng nửa cuối tháng 12/2021.

Đáng lưu ý, những trận giông lốc mạnh có thể xảy ra ở nhiều địa phương. Năm 2021, những trận giông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có khả năng diễn ra nhiều nơi trên cả nước. Ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chủ yếu có nguyên nhân từ ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén do áp cao lạnh lục địa từ phía Bắc di chuyển xuống phía Nam hoặc có sự kết hợp của hội tụ gió trên cao.

Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7, khu vực Bắc Bộ sẽ có khả năng xuất hiện những trận giông mạnh xảy ra kèm lốc, sét, mưa đá ở nhiều tỉnh, thành phố. Năm 2021 tổng lượng mưa phổ biến có xu hướng cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 10-20%. Mưa lớn ở khu vực sẽ tập trung nhiều vào thời điểm tháng 6 đến tháng 9/2021, đề phòng mưa lớn cục bộ trong thời đoạn ngắn, nguy cơ cao gây lũ quét và sạt lở đất đá.

Mùa mưa lũ năm 2021, đỉnh lũ trên các trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động (BĐ) 1- BĐ 2, riêng thượng lưu sông Thao có khả năng xuất hiện lũ ở mức BĐ2- BĐ3. Các đợt lũ vừa và lũ lớn sẽ tập trung trong các tháng 8-9. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc. Nguồn nước từ tháng 5 đến tháng 12/2021 trên các lưu vực sông suối khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 10-30%. Dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên hệ thống sông Hồng trong mùa lũ năm 2021 thiếu hụt từ 10-20%. Đỉnh lũ lớn nhất năm đến các hồ chứa phổ biến ở mức xấp xỉ dưới TBNN.

Vượt mức lịch sử

Trước những dự báo trên, nhìn lại năm 2020, các chuyên gia nhận định là một năm thiên tai cuồng nộ với 16 loại hình thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử trên khắp các vùng miền cả nước. Có thể thấy, chưa năm nào đêm giao thừa Hà Nội lại có mưa với lưu lượng 140mm. Ngày mùng 1 Tết Canh Tý, mưa đá xuất hiện ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc khiến 12.000 ngôi nhà bị thủng mái; hàng chục ngàn hecta rau màu của nông dân bị tàn phá.

Chuyên gia thời tiết cho rằng, hiện tượng sấm sét, mưa giông, mưa đá những ngày đầu năm cho thấy sự biến đổi kỳ lạ của thời tiết. Bởi, tiết giao thừa ở miền Bắc thường gắn liền với mưa phùn, gió bấc. Đặc biệt, không khí lạnh mạnh xuất hiện vào cuối tháng 4 tại khu vực miền Bắc, nhiệt độ tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất 50 năm gần đây.

Chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2020, đã có 8 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới xảy ra tại khu vực Trung bộ, trong đó bão số 9 là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua. Những số liệu đo mưa đã ghi nhận những con số kỷ lục, lượng mưa phổ biến từ 1.000 - 2.000mm, nhiều nơi trên 3.000mm.

Các đợt lũ lớn xuất hiện trên 16 tuyến sông chính tại khu vực, trong đó đã có 4 tuyến sông lớn đã vượt mức lũ lịch sử. Ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng tại 7 tỉnh (từ Nghệ An - Quảng Nam), nhiều nơi ngập lụt trên nửa tháng. Mưa cường suất lớn, kéo dài, kèm theo địa hình dốc đã gây ra sạt lở đất, lũ quét ở nhiều nơi, nghiêm trọng nhất tại Thủy điện Rào Trăng 3; Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên-Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 912 người khác bị thương, ước thiệt hại về kinh tế gần 40.000 tỷ đồng.

Và khi nhắc đến những thiệt hại về người và kinh tế do thiên tai gây ra, chúng ta không thể nào quên mốc thời gian năm 2017 (được đánh giá là năm của mưa, bão, lũ diễn ra ở hầu hết các miền trên cả nước). Theo đó, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai năm 2017 ước tính 60.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2016.

Phải có tầm nhìn dài hạn

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tải xảy ra để lại những hậu quả khó lường, ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh: Năm 2021, nhiệm vụ quan trọng là nâng cao năng lực của các cơ quan phòng chống thiên tai. Cùng với đó là việc nâng cao năng lực chống chịu của công trình phòng chống thiên tai, góp phần quan trọng bảo vệ an toàn khi có tình huống thiên tai xảy ra như: Hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền... Trước mắt là cần nâng cấp các công trình xung yếu, đã bị hư hại trong đợt thiên tai vừa qua bằng các nguồn dự phòng ngân sách, đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn ODA.

Theo ông Luận, một nhiệm vụ thêm nữa là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích, đánh giá tác động của thiên tai, xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ sạt lở, ngập lụt và hỗ trợ xây dựng các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cũng như xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai.

“Đặc biệt, chúng tôi chú trọng đến công tác đẩy nhanh công tác di dân vùng có nguy cơ mất an toàn cao đến nơi an toàn, tiếp tục chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vùng thiên tai có nơi ở an toàn, chống chịu tốt với các loại hình thiên tai. Và một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là tập trung nâng cao năng lực cộng đồng, truyền thông, chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong đó phát triển lực lượng xung kích cơ sở và đảm bảo hiệu quả, phát hiện và ứng phó kịp thời trước khi lực lượng đến chi viện”, ông Luận thông tin.

Còn theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, chúng ta cần có kế hoạch dài hạn trên nền tảng công nghệ dự báo để có một tầm nhìn xa hơn. Để làm được điều đó không phải là việc đơn giản, nhưng nếu chúng ta có một tầm nhìn dài hạn thì khâu đầu tư để xử lý những điểm nóng, những điểm rủi ro, nguy hiểm sẽ được giảm thiểu. Đây là vấn đề an ninh toàn cầu chứ không phải chỉ của riêng quốc gia nào.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, thông điệp không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế là điều chúng ta cần phải suy nghĩ. Nhiều khi để có được lợi ích trước mắt chúng ta đã phải chịu những tổn hại mà sau này sẽ không gì có thể bù đắp nổi. Chúng ta nên nhớ việc phát triển bền vững gắn liền với 3 trụ cột là tăng trưởng kinh tế, giải quyết những vấn đề xã hội và giữ được môi trường. Liên hợp quốc cũng đã định nghĩa việc phát triển bền vững là thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hôm nay nhưng không làm tổn hại nhu cầu của thế hệ mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiên tai khó lường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO