Thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực

Nguyên Khánh 27/07/2019 08:00

Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm của 2 Ban Chỉ đạo, phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP), chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (BCĐ 389), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác này.

Đó là việc ngăn chặn ma tuý qua biên giới còn nhiều bất cập; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” vẫn phức tạp; tình trạng phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép vẫn diễn ra ở nhiều địa phương; công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản…

Vậy, đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Phó Thủ tướng chỉ rõ: Do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Nhưng một lý do khiến tội phạm không giảm đó là, một số cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy chế, quy trình công tác, có biểu hiện bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê”, vi phạm pháp luật, tham nhũng khi thi hành công vụ… Có tình trạng “bảo kê”, “tiếp tay” cho tội phạm bởi trong đội ngũ của chúng ta có “một bộ phận không nhỏ” cán bộ thoái hóa, biến chất, chính vì thế Đảng ta đã và đang đẩy mạnh công cuộc chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác PCTN với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Tình trạng tham nhũng đang được ngăn chặn, từng bước được đẩy lùi. Nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác này. Việc khắc phục “trên nóng, dưới lạnh”; xử lý, ngăn chặn tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, “lót tay”, gây phiền hà cho người dân và DN trong giải quyết công việc đã được chú trọng. Trong đó, việc phải phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác PCTN đã liên tục được lưu ý, cảnh báo.

Nhưng thật đáng tiếc, dù những lời cảnh báo liên tục được đưa ra, quy định pháp luật đã đầy đủ nhưng hiện tượng tham nhũng ngay trong chính cơ quan có chức năng PCTN vẫn xuất hiện, mà mới nhất là vụ việc cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng có hành vi “vòi tiền” trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Điều đáng nói, đây không phải là vụ việc cán bộ thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật bị phát hiện đầu tiên. Trước đó không lâu, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với một số cán bộ Thanh tra về tội nhận hối lộ...

Ông Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, muốn cán bộ không sai phạm thì khi xảy ra những vụ việc vi phạm pháp luật phải công khai, thể hiện sự minh bạch của pháp luật, chứ đừng dừng ở xử lý nội bộ. Đặc biệt phải rà soát lại hàng ngũ cán bộ thanh tra các cấp, để thanh lọc, lựa chọn cán bộ liêm chính. Nếu để cán bộ biến chất còn trong đội ngũ thì khả năng thực thi PCTN của các cơ quan này sẽ gặp rào cản nhất định.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn. Giải pháp của phòng ngừa, cũng chính là “phải nhốt quyền lực vào lồng pháp luật”. Bởi quyền lực dễ sinh ra tham nhũng, vậy thì kiểm soát tốt quyền lực sẽ hạn chế và triệt tiêu được tham nhũng, hạn chế được những sự việc đáng buồn trong đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 724 về việc tăng cường phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Cùng với chỉ rõ thực trạng nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ của một số lĩnh vực nhạy cảm, Thủ tướng cũng chỉ rõ những yêu cầu thực hiện trong tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật. Trong đó, nhấn mạnh việc ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, thuế, quản lý thị trường… bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật.

Loại bỏ cán bộ thoái hóa, biến chất tiêu cực, tham nhũng ra khỏi bộ máy bằng cơ chế giám sát đủ mạnh và bằng chế tài đủ sức răn đe. Cử tri và nhân dân hy vọng tình trạng cán bộ bất chấp luật pháp cố tình vi phạm sẽ bị trừng trị thích đáng để họ không cần, không muốn và không dám vi phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO