Thiếu kịch bản: Điện ảnh loay hoay tìm hướng đi thuần Việt

Minh Quân 25/08/2017 08:35

Như đã đưa tin, từ ngày 24 đến 28/11, LHP Việt Nam lần thứ 20 sẽ diễn tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, mới đây BTC LHP đã chính thức thông báo phim nhà nước sẽ hoàn toàn vắng bóng trong cuộc tranh giải Bông sen Vàng lần này. Trong đó, một nguyên nhân chính là việc thiếu kịch bản phim, thiếu kinh phí nên hơn 2 năm nay không có bộ phim nào do nhà nước đặt hàng được sản xuất.


Cảnh trong phim “Em là bà nội của anh”.

Loay hoay tìm hướng đi

Lý giải về thực trạng trên, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho biết: “Hiện kinh phí làm phim năm 2015-2016 đã được phê duyệt, nhưng những kịch bản hay, xứng đáng để Nhà nước đặt hàng thì lại chưa có”. Cũng theo bà Lan, tác phẩm điện ảnh sẽ là đối tượng đặt hàng chứ không phải là hãng phim. Đơn cử, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” kinh phí nhà nước nhưng đặt hàng với hãng tư nhân. Vì vậy, để có kinh phí nhà nước cho các bộ phim, cơ hội đồng đều cho các hãng cả tư nhân và nhà nước (Tuy nhiên, thực tế hiện nay trong quản lý sáng tác, chúng tôi thấy buồn. Các dự án, kịch bản gửi đến Cục, chất lượng không cao. Số lượng gửi đến cũng rất ít.

Hiện nay, duyệt phim chỉ căn cứ theo chất lượng phim không căn cứ trên chỉ tiêu hàng năm nữa. Các hãng phim tư nhân gửi nhiều phim nhưng chất lượng chưa cao. Các hãng nhà nước thì không có phim nào. Bên cạnh đó, trong bối cảnh đã cổ phần hóa xong các hãng phim, không còn khái niệm hãng phim nhà nước, tư nhân, chỉ còn khái niệm phim do nhà nước đặt hàng và phim tư nhân tự sản xuất. Vì vậy, không có kịch bản hay thì có ngân sách nhà nước cũng không có được phim. Cục Điện ảnh hàng năm gửi thư đến các hãng mời gửi kịch bản để duyệt nhưng không nhận được.

Hiện nay, điện ảnh nói chung đang thiếu đội ngũ biên kịch. Một mặt là bởi sự phát triển nhiều về số lượng các bộ phim được sản xuất mỗi năm. Trước đây chỉ làm 10-20 phim mỗi năm, nay con số này lên đến 40-50 phim. Đội ngũ biên kịch chưa đủ bao sân được của mình. Và quan trọng là chạy theo nhu cầu khán giả cũng không kịp. “Trong 6 tháng năm 2017, Cục Điện ảnh đã gửi hai đợt thư kêu gọi các hãng gửi kịch bản nhưng vẫn không nhiều kịch bản được gửi đến. số lượng không quá được một bàn tay”- bà Ngô Phương Lan cho hay.

Có thể thấy với nỗi lòng của người đứng đầu ngành điện ảnh thì việc có được các kịch bản “thuần Việt” đang một hành trình khá gian nan. Và có một thực tế lâu nay, thị trường kịch bản của biên kịch Việt chỉ có ở phim truyền hình. Ở lĩnh vực điện ảnh, ý tưởng kịch bản đa phần của đạo diễn và nhà sản xuất. Sau đó, họ mời một biên kịch chắc tay để cùng mình phát triển ý tưởng đó thành kịch bản hoàn chỉnh. Biên kịch Việt ít người có kịch bản thuyết phục, tạo được sự tin tưởng của nhà đầu tư. Điều này khiến thị trường phim Việt thiếu chuyên nghiệp ngay từ khâu kịch bản.

Phim Việt, kịch bản ngoại

Để giải bài toàn trên, trong những năm trở lại đây nhiều hãng phim chọn hướng đi “an toàn”, chuyển thể các phim đã ăn khách ở nước ngoài thành phim Việt. Những phim làm lại trên màn ảnh rộng đã đạt doanh thu ấn tượng như “Yêu” - từ “The Love of Siam” của Thái Lan, “Em là bà nội của anh” - từ “Miss Granny” của Hàn Quốc, “Bạn gái tôi là sếp”- từ “ATM Er Rak Error” của Thái Lan. Mới đây, khán giả đã được thưởng thức “Sắc đẹp ngàn cân” làm lại từ “200 Pounds Beauty” từng gây sốt ở Hàn Quốc và một số phim khác đang trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, về hướng đi “ăn theo” này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Về phía cơ quan quản lý, bà Ngô Phương Lan cho rằng chọn kịch bản phim nước ngoài thành công rồi làm lại thành phim Việt không phải là cách mà Cục Điện ảnh khuyến khích, tuy nhiên, những yếu tố như thắng lợi về doanh thu, khán giả, khiến các đạo diễn, các nhà làm phim vẫn hào hứng làm phim làm lại. Tuy nhiên, bà Lan cũng cho rằng về lâu dài thì đây không phải là con đường dễ đi. Tôi không muốn năm nào cũng nhiều thể loại phim này.

Tiêu chí của LHP cũng rất rõ, chỉ những phim để lại dấu ấn sáng tạo mới khuyến khích, giải cao quý của LHP cũng không dành cho phim làm lại. “Đội ngũ biên kịch phải có sự đào sâu, có được trình độ phát triển đến một mức nào rồi mới phục vụ được nhu cầu của khán giả. Chưa kể, điện ảnh Việt còn muốn định hướng thẩm mỹ nữa. Vì vậy, tạm thời phải chấp nhận cách làm như vậy”- bà Lan cho hay.

Bên cạnh mua kịch bản ngoại, các nhà sản xuất hiện nay còn chuyển thể kịch bản từ các tác phẩm sân khấu, như “Dạ cổ hoài lang”, “Xóm trọ 3D”, “Gái xinh nổi loạn”, “Hợp đồng mãnh thú” và sắp tới có “Lôi vũ”...; hay từ tác phẩm văn học như “Đảo của dân ngụ cư”, “Cô gái đến từ hôm qua”... Tuy nhiên, với phim làm lại, sự so sánh và kỳ vọng vượt qua được “tượng đài” của tác phẩm sân khấu hay văn học là không tránh khỏi. Đơn cử như như “Dạ cổ hoài lang” từng bị chê là có kịch bản lỗi vì vẫn có nhiều yếu tố kịch, chưa phù hợp với không gian của điện ảnh nên làm giảm chất lượng phim. Và thực tế từ nhiều năm qua cũng đã cho thấy, chuyển thể kịch bản từ tác phẩm sân khấu hay văn học chỉ là giải pháp tạm thời, trong điều kiện Việt Nam chưa có đội ngũ viết kịch bản chuyên nghiệp, đủ tiêu chuẩn để tạo ra nhiều kịch bản hay.

Và như nhà văn Chu Lai đã từng nhận định thì biên kịch và đạo diễn là cuộc hôn nhân không hạnh phúc! Ý tưởng mênh mông của nhà văn “gặp” phải cái cụ thể của điện ảnh đã khiến cho các nhà văn có cảm giác tác phẩm của mình bị đánh mất phần hồn. Chính vì thế, để có những kịch bản hay, các đạo diễn phải bám sát các nhà văn, trao đổi với họ. Tuy nhiên, đó chỉ là ý kiến của một nhà văn “đắt hàng” kịch bản, trên thực tế rất ít quan hệ giữa đạo diễn - biên kịch là mối lương duyên hạnh phúc, tâm đầu ý hợp. Các đạo diễn giỏi có thể tìm kịch bản hay nhưng tác giả kịch bản thì lại khó chọn cho đứa con tinh thần của mình một đạo diễn giỏi.

Mới đây CGV đã khởi động cuộc thi Nhà biên kịch tài năng 2017. Cuộc thi Nhà biên kịch tài năng 2017 dành cho tất cả các công dân Việt Nam có độ tuổi từ 18 - 35 trên cả nước. Ngoài các giải thưởng vàng, bạc, đồng và khuyến khích, các thí sinh nào được nhà sản xuất lựa chọn kịch bản để làm phim sẽ được CGV hỗ trợ một phần chi phí sản xuất phim và là nhà phát hành của bộ phim đó. Tổng giải thưởng cuộc thi lên tới 600 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu kịch bản: Điện ảnh loay hoay tìm hướng đi thuần Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO